Các hành vi quấy rối tình dục: Có nên hình sự hóa?

Tại Chương trình đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em đã diễn ra cuộc tranh biện hấp dẫn, gay cấn giữa 2 đội gồm 8 sinh viên đến từ các trường ĐH trên địa bàn TP Hà Nội. Với chủ đề: 'Có nên hình sự hóa các hành vi quấy rối tình dục hay không? Những quan điểm phản biện trái chiều được 2 đội đưa ra cho thấy rõ, giới trẻ rất quan tâm đến vấn đề an toàn và bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ nơi công cộng.

Quấy rối tình dục (QRTD) nơi công cộng là vấn nạn của xã hội hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái với tỷ lệ nạn nhân cao hơn ở độ tuổi thanh niên và thiếu niên. Theo số liệu khảo sát thu thập ý kiến của hơn 2.000 cư dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề QRTD nơi công cộng được ActionAid Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp thực hiện năm 2014, nơi thường xảy ra hành động QRTD là công viên và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đưa ra quan điểm của mình, nhóm ủng hộ việc hình sự hóa các hành vi QRTD (đội Ủng hộ- PV) cho rằng, đây là việc rất khả thi và tất yếu đối với pháp luật Việt Nam trong lộ trình 5 năm tới. Theo đó, hành vi QRTD có 9 dấu hiệu nhận biết như sau: Mút chuột, huýt sáo, bình luận hoặc có cử chỉ gợi dục; Cố tình đụng chạm; Kéo, giật, tốc, tuột quần áo, váy để lộ các bộ phận cơ thể nhạy cảm; Gửi tin nhắn có nội dung khiêu dâm; Nói chuyện, kể chuyện đùa tình dục mà người khác không muốn nghe; Ép nhìn hoặc phô bày bộ phận sinh dục; Liên tục đeo bám, theo dõi; Quay phim, chụp ảnh vì mục đích tình dục mà không có sự đồng ý của đối phương; Đề nghị quan hệ tình dục không mong muốn.

Người đàn ông có hành vi sàm sỡ nữ sinh V tại buổi làm việc với CQCA (Ảnh: D.T)

Người đàn ông có hành vi sàm sỡ nữ sinh V tại buổi làm việc với CQCA (Ảnh: D.T)

“Hành vi QRTD là hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm nghiêm trọng trong xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của nạn nhân. Theo tâm lí học: Hành vi QRTD là tiền đề để người phạm tội nảy sinh và thực hiện các hành vi xâm hại tình dục cao hơn, do đó cần phải được sớm ngăn chặn. Bên cạnh đó, hành vi QRTD ngày càng diễn ra với mức độ liên tiếp trên phạm vi rộng, nạn nhân bị QRTD không ngừng gia tăng. Nơi thường xảy ra hành động QRTD là công viên, trên các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe khách, tàu, máy bay…), tại nơi làm việc, các khu vui chơi giải trí, trường học và công viên, trên mạng xã hội Facebook, thậm chí chính trong ngôi nhà của nạn nhân. Chúng tôi tin rằng chính sách có hiệu quả răn đe cao nhất đối với hành vi này không điều gì khác đó chính là xử lý hình sự”- thành viên đội Ủng hộ cho biết.

Và do đó, việc xử lý dân sự hành vi QRTD là không đủ sức răn đe, không khiến đối tượng gây nên hành vi sợ hãi và những kẻ khác vẫn có thể gây hành vi. Những căn cứ để xử lý hình sự các hành vi QRTD đó là dựa trên lời khai của nạn nhân; những tin nhắn, ghi âm hoặc hình ảnh ghi lại từ camera. Hậu quả của hành vi QRTD để lại với nạn nhân là rất nặng nề và nghiêm trọng: tâm lý hoảng loạn, ám ảnh lâu dài, ảnh hưởng đến học tập, công việc và cuộc sống; không có căn cứ để nói rằng theo thời gian, người bị QRTD sẽ lãng quên sự việc từng xảy ra với mình.

Hình sự hóa hành vi QRTD sẽ giúp xã hội an toàn hơn vì nó mang tính răn đe lớn hơn tới mọi người, có tính giáo dục cao hơn tới toàn xã hội và là biện pháp trừng trị, giáo dục thích đáng với những người có hành vi quấy rối tình dục. “Với những cá nhân có hành vi QRTD để lại hậu quả nghiêm trọng tới mức cần cách li họ với xã hội, hình phạt tù là phù hợp để họ không gây tổn hại đến những người khác được và giúp cho xã hội công bằng hơn. Ngoài ra trong thời gian giam giữ, họ sẽ được cải tạo, giáo dục để thay đổi nhận thức hành vi, từ đó khi hòa nhập trở lại sẽ không gây hại đến xã hội nữa và giúp xã hội trở nên an toàn…”.

Với những viện dẫn từ đội Ủng hộ, đội phản đối việc xử lý hình sự các hành vi QRTD (đội Phản đối- PV) đưa ra luận điểm: Không tồn tại căn cứ pháp lý để xác định tính chất, mức độ nguy hại của hành vi QRTD với nạn nhân. Những biểu hiện cảm xúc của nạn nhân bị QRTD rất mơ hồ, không rõ ràng và đầy biến động như giật mình, sợ hãi, khó chịu… Do đó, không có đủ cơ sở để xử lý hình sự hành vi trên.

Dù đưa ra những luận điểm khác nhau nhưng vấn đề cốt lõi là 2 đội đều thống nhất, đó là hoàn toàn lên án hành vi QRTD, không hề xem nhẹ mức độ nguy hại của hành vi QRTD gây nên và cần sớm loại bỏ hành vi này để có một xã hội an toàn. Có 2 điều quan trọng cần xem xét ở đây: Về phía nạn nhân và về phía thủ phạm. Về nạn nhân, với quan niệm: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”- không ít người bị hại coi những lời nói, hành vi gạ tình là bông đùa, thậm chí là sự tán dương với vẻ đẹp hình thể của mình mà không hề cho đó là hành vi QRTD. Còn thủ phạm không phải ai cũng ý thức được về lời nói hay hành vi của mình. Có người có lời nói, hành vi quấy rối nhưng không biết đó là vi phạm. Và vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, nhận thức pháp luật đối với người dân luôn đóng vai trò rất quan trọng; chẳng những bảo vệ bản thân mà còn có ý nghĩa hướng đến một xã hội an toàn và văn minh.

Người đàn ông sàm sỡ cô gái trẻ trong thang máy xin lỗi công khai

Tại buổi làm việc với Đội Điều tra Tổng hợp, CA quận Thanh Xuân diễn ra mới đây, chị P.H.V, SN 1999, nữ sinh một trường ĐH đã đồng ý để anh Đ.M.H, SN 1982, quê Hải Phòng- đối tượng có hành vi sàm sỡ mình trong thang máy tổ chức xin lỗi công khai tại tòa nhà nơi xảy ra vụ việc. Buổi xin lỗi dự kiến diễn ra vào tối 15-3 với sự chứng kiến của đại diện BQL tòa nhà, đại diện gia đình đối tượng H. cũng như gia đình nạn nhân.

Như tin báo PL&XH đã đưa, khoảng 2g ngày 4-3, chị P.H.V khi đi thang máy lên phòng ở tại chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) đã bị một người đàn ông cùng trong thang máy xin số điện thoại làm quen nhưng chị V không đồng ý. Lợi dụng lúc thang máy chỉ có 2 người, người đàn ông này chặn cửa không cho chị V đi ra ngoài và có những hành động sàm sỡ, xúc phạm tới cơ thể chị V. Trong lúc cố gắng chống cự, chị V đã bị trầy xước ở mũi và tay. Chị V. sau đó đã trình báo sự việc tới BQL tòa nhà và CQCA. Kết quả xác minh danh tính của người đàn ông là Đ.M.H. (SN 1982, quê Hải Phòng). Chiều 8-3, H. đã đến CA quận Thanh Xuân trình diện, thừa nhận hành vi sàm sỡ nữ sinh trên, mong muốn gặp mặt trực tiếp bị hại để xin lỗi.

Sau 2 buổi làm việc với CQCA vào chiều 11-3 và 13-3, chị V. mong H. phải bị xử lý nghiêm. Về việc bồi thường, theo chị V., bản thân chị có thiệt hại nhưng không muốn nhận bồi thường vì “chẳng có căn cứ nào quy ra tiền để đo đếm được thiệt hại về tinh thần của tôi. Trong lúc giằng co, tôi có bị rơi đồ trang sức. Sự việc khiến tinh thần tôi hoảng loạn, ảnh hưởng lớn đến việc học tập cũng như công việc kinh doanh. Việc khai trương cửa hàng của tôi đã phải hoãn lại, các buổi làm việc với đối tác cũng phải hủy, việc thi cử ở trường cũng bị lỡ. Tôi chỉ muốn sự việc nhanh chóng kết thúc để ổn định cuộc sống” - chị V. nói. Và theo nữ sinh V, sau khi nhận được lời xin lỗi công khai, tùy vào thái độ của người này, cô và gia đình sẽ xem xét việc có rút đơn tố cáo hay không.

Nam Du

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-hanh-vi-quay-roi-tinh-duc-co-nen-hinh-su-hoa-140370.html