Các hành động tiếp theo của EU liên quan đến xung đột Nga-Ukraine

Trong bối cảnh hiện nay, việc khôi phục quan hệ của EU với Nga là khó xảy ra, ngay cả khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu Urmas Paet. Ảnh: Politico.eu

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu Urmas Paet. Ảnh: Politico.eu

Trong bài viết được đăng trên trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 20/5, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Châu Âu Urmas Paet cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine có tác động sâu rộng đối với EU và các nước thành viên, trong đó có lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế và tâm lý.

Theo ông Paet, ngay cả đối với những thế hệ trẻ châu Âu, những người nghĩ rằng chiến tranh ở lục địa này chỉ là một chương đen tối trong lịch sử, thì giờ đây rõ ràng rằng nó vẫn có thể xảy ra trong thế kỷ 21. Nhận thức này dẫn đến thay đổi tâm lý quan trọng, đang định hình đáng kể dư luận. Mọi người ngày càng có xu hướng ủng hộ việc giúp Ukraine và tác động đến Nga để chấm dứt xung đột.

Cuộc xung đột ở châu Âu cũng đã thay đổi thái độ kéo dài hàng thập kỷ của nhiều nước trên lục địa này. Ví dụ, Đức đã quyết định cung cấp hỗ trợ quân sự đáng kể cho Ukraine và tăng cường chi tiêu cho quốc phòng. Phần Lan và Thụy Điển sẵn sàng gia nhập NATO. Trên thực tế, hầu hết các quốc gia thành viên EU đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev và tạo điều kiện tốt nhất cho những người Ukraine sơ tán.

Cho đến nay, cũng đã có sự đồng thuận lớn giữa các nước EU về các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Như vậy, trong ba tháng qua, châu Âu đã thay đổi đáng kể. Nhưng điều quan trọng hơn, là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Có vẻ như cuộc xung đột sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài, có nghĩa là các bên sẽ chịu tổn thất nhiều hơn. Do đó, châu Âu phải chuẩn bị cho điều này. EU phải tăng cường sức ép đối với Nga để giảm bớt các nguồn lực mà Moskva sử dụng để duy trì xung đột. Điều này bao gồm việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng và tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực tài chính của Nga.

Để EU có quá trình ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn, việc sử dụng biểu quyết đa số đủ điều kiện trong chính sách đối ngoại của EU là hợp lý, bao gồm cả việc liên quan đến phản ứng đối với các hành vi "vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế".

Trong trường hợp này, sẽ không cần thiết phải liên tục tìm kiếm sự đồng thuận để áp đặt các biện pháp trừng phạt, bởi vì, thực tế đã chỉ ra rằng vẫn còn một số quốc gia thành viên đang "trì hoãn và làm loãng việc ra quyết định quan trọng".

EU và các nước thành viên cũng phải tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho Ukraine. Điều này không chỉ bao gồm cung cấp vũ khí mà còn cả hỗ trợ kinh tế và chính trị.

Về vấn đề chính trị, điều quan trọng là phải cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên EU. Đối với Moldova và Gruzia cũng vậy. Nó sẽ cung cấp cho các đối tác này một viễn cảnh rõ ràng. Chỉ sau khi đưa ra tư cách ứng cử viên, các bên mới có thể bắt đầu đàm phán gia nhập thực sự.

EU phải thay đổi nhanh chóng chính sách năng lượng và đầu tư của mình. Các nguyên tắc nhất quán về chính sách năng lượng của EU cần được thực hiện. EU không được phụ thuộc nhiều vào các nước thứ ba để cung cấp năng lượng và kết nối năng lượng giữa các nước thành viên phải được hoàn thiện.

Cho đến nay, thật không may, ông Paet kết luận, điều này đã bị bỏ qua. Do đó, ngay cả sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã được phát triển, điều này sẽ làm tăng thêm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Hy vọng rằng những bài học đó sẽ giúp châu Âu đi đúng hướng.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-hanh-dongtiep-theo-cua-eu-lien-quan-den-xung-dot-ngaukraine-20220521083818175.htm