Các hãng xe nước ngoài 'lĩnh đòn' ở Trung Quốc

Cú suy thoái bất ngờ của thị trường ô tô Trung Quốc đã khiến một số hãng xe lớn nhất thế giới chịu tác động nặng nề vì phải gồng mình trang trải chi phí cho những nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.

Công nhân lắp ráp xe ở một nhà máy của Công ty liên doanh Ford - Chongqing Chang’an Automobile ở TP. Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đọc vị sai thị trường

Theo tờ The Wall Street Journal, các hãng xe Ford (Mỹ), Peugeot (Pháp) và Hyundai (Hàn Quốc) đã mở rộng sản xuất ở Trung Quốc sai thời điểm khi khai trương những nhà máy mới đúng ngay lúc đà tăng trưởng của thị trường ô tô nước này, vốn tưởng chừng không thể dừng lại, đột ngột đảo chiều.

Tại một nhà máy liên doanh của Peugeot ở Trung Quốc, thay vì làm việc ở dây chuyền lắp ráp ô tô, các công nhân lành nghề dành cả ngày để lau chùi sàn nhà hoặc tham dự các khóa học nội bộ. Ở một nhà máy liên doanh của Ford, các ca làm việc của công nhân giảm xuống chỉ còn vài ngày mỗi tháng. Giờ đây, các hãng xe đang đối mặt với thế bế tắc: hoặc từ bỏ những khoản đầu tư khổng lồ hoặc tiếp tục đầu tư để xoay chuyển tình hình ở các nhà máy đang chết dần chết mòn.

“Nếu nhìn lại, đó là sự lựa chọn không đúng đắn. Không ai có thể nghĩ rằng họ sẽ bị giảm thị phần ở Trung Quốc”, Paul Gong, nhà phân tích thị trường ô tô ở Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) nói về quyết định đầu tư xây dựng các nhà máy mới ở Trung Quốc của các hãng xe nước ngoài.

Chỉ trong vài thập kỷ, Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới với doanh số ô tô tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số. Trong năm 2016, doanh số ô tô tăng 14% lên 28 triệu chiếc, vượt mức doanh số 17,5 triệu chiếc của Mỹ trong cùng năm đó. Các hãng xe đổ xô đến dù luật yêu cầu họ phải liên doanh với các đối tác Trung Quốc nếu muốn sản xuất ô tô ở nước này. Các hãng xe trong nước cũng xuất hiện như nấm và chạy đua xây dựng các nhà máy của riêng họ. Cuộc vận động xe điện của chính phủ càng đốt nóng thị trường ô tô Trung Quốc.

Chìm đắm trong cơn sốt đầu tư, một số hãng xe nước ngoài bắt đầu tự mãn và chủ quan tin rằng đà tăng trưởng của thị trường sẽ kéo dài không ngừng và dễ dàng nắm bắt, theo nhận định của ông Gong và các nhà phân tích khác.

Song đà tăng trưởng đột ngột biến mất. Doanh số ô tô của Trung Quốc chỉ tăng 3% trong năm 2017 và giảm 2% trong 11 tháng đầu năm 2018. Giờ đây, các nhà máy có công suất tổng cộng 43 triệu chiếc mỗi năm nhưng chỉ sản xuất chưa đến 29 chiếc trong năm nay, theo dự báo của hãng kiểm toán quốc tế PwC. Những hãng xe “đọc vị” sai thị trường hứng chịu tác động nặng nề nhất.

Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng

Năm ngoái, Ford cùng đối tác liên doanh Chongqing Chang’an Automobile (Trung Quốc) khai trương một nhà máy mới ở TP. Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang có tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ đô la. Đây là nhà máy thứ bảy giúp nâng công suất từ 200.000 chiếc lên 1,6 triệu chiếc mỗi năm của hãng này tại Trung Quốc với doanh số chạm mức đỉnh 1,27 triệu chiếc vào năm 2016, rồi giảm 6% vào năm ngoái và tiếp tục giảm mạnh 34% trong 11 tháng đầu năm nay, xuống còn 695.028 chiếc.

“Chúng tôi đã mở rộng sản xuất quá nhanh và quá xa”, một chuyên viên kỹ thuật giấu tên ở một nhà máy của Ford ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nói.

Nhà máy ở Hàng Châu chuyên sản xuất xe sedan thương hiệu Taurus và xe thể thao đa dụng thương hiệu Edge. Chuyên viên kỹ thuật trên cho biết nhà máy từng hoạt động náo nhiệt nhưng giờ đây các ca làm việc giảm xuống chỉ còn vài ngày mỗi tháng. Dù nhà máy chưa sa thải bất kỳ công nhân nào nhưng lương của họ đã giảm chỉ còn 220 đô la/tháng, buộc nhiều người phải tìm kiếm thêm các công việc phụ như giao hàng hay chạy taxi.

Giống như Ford, năm ngoái, hãng xe Hyundai đã đưa vào vận hành nhà máy mới và cũng là nhà máy thứ 8 ở Trung Quốc, để rồi chứng kiến doanh số suy giảm trong năm đó lẫn năm nay.

Hãng xe Peugeot cùng với đốc tác liên doanh Dongfeng Motor (Trung Quốc) cũng khánh thành các nhà máy mới trong cao trào của cơn bùng nổ sản xuất ô tô. Tuy nhiên, sau khi đạt mức đỉnh 705.000 chiếc vào năm 2015, doanh số xe thương hiệu Citroën và Peugeot rơi tụt xuống chỉ còn 205.000 chiếc trong chín tháng đầu năm nay.

Trên một diễn đàn ô tô trực tuyến, các công nhân làm việc tại nhà máy của Peugeot ở TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc kể rằng giờ đây, họ chủ yếu làm công việc lau dọn và sơn các bức tường của nhà máy hoặc tham gia các buổi sinh hoạt bồi dưỡng chính trị. Họ cho biết hai trong số bốn nhà máy của Peugeot đã ngưng hoạt động kể từ tháng 10 và hai nhà máy còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283495/cac-hang-xe-nuoc-ngoai-linh-don-o-trung-quoc-.html