Các hãng hàng không giá rẻ châu Á cần gì để thành công?

Với giá của một chiếc 737 MAX khởi điểm khoảng 100 triệu USD, nếu muốn thành lập hãng hàng không, chắc chắn doanh nghiệp cần phải có nhiều tiền.

Ảnh: Boeing Studio

Dưới đây là 5 yếu tố mà các hãng hàng không giá rẻ của châu Á cần chú ý để có thể thành công trong bối cảnh hiện nay.

Tiền

Với giá của một chiếc 737 MAX khởi điểm khoảng 100 triệu USD, nếu muốn thành lập hãng hàng không, chắc chắn doanh nghiệp cần phải có nhiều tiền. Phần lớn các hãng hàng không đều được “chống lưng” bởi một doanh nghiệp đang làm ăn kinh doanh tốt, ví như đế chế kinh doanh bất động sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, hoặc hãng hàng không thuộc liên minh của một hãng lớn giống như kiểu Scoot của Singapore Airlines.

Thế nhưng việc mua hay thuê máy bay mới chỉ là bước ban đầu. Các hãng hàng không cạnh tranh bằng việc quan tâm rất nhiều đến cắt giảm chi phí, sử dụng thuật toán trên máy tính nhằm tối đa hóa số lượng hàng khách và doanh thu từ chỗ ngồi, cùng lúc đó cắt giảm mọi chi phí căn bản nhất. Nếu tính toán sai lầm, lợi nhuận vốn đã mong manh của các hãng hàng không giá rẻ sẽ có thể tiêu tan nhanh chóng.

Nhiên liệu

Các hãng hàng không giá rẻ cho đến nay lo sợ nhất với vấn đề chi phí nhiên liệu. Đối với ngành hàng không nói chung, nhiên liệu chiếm khoảng 24% tổng chi phí, theo IATA, thế nhưng đối với các hãng hàng không giá rẻ, tỷ lệ này còn chiếm cao hơn nữa.

Thời gian gần đây, khi giá dầu Brent giảm sâu đến 25% trong 2 tháng gần đây, các hãng hàng không có thể phần nào thở phào. Thế nhưng điều đó vẫn không đủ để ngăn một số hàng hàng không phá sản sau khi trước đó vào mùa hè năm nay, hai hãng hàng không châu Âu cũng đã phá sản.

Đối với những hàng hàng không theo đuổi mục tiêu cung cấp những chuyến bay dài giá rẻ, bài toán nhiên liệu còn hóc búa hơn nữa.

Trưởng bộ phận tư vấn tại Flight Global, ông Joanna Lu, nhận xét: “Đối với những chặng bay dài, các hãng hàng không có ít cơ hội giảm được chi phí. Khách đi lại yêu cầu nhiều hơn về sự tiện lợi cũng như dịch vụ hoàn hảo.

Nhân viên

Khi có thêm hãng hàng không, điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với phi công và đội bay sẽ tăng lên, thế nhưng hiện tại vốn đã quá thiếu phi công, việc nhu cầu hàng không tại châu Á tăng trưởng bùng nổ càng khiến cho tình trạng thiếu nhân lực trong ngành hàng không trở nên tồi tệ hơn.

Khi mà số lượng các trường đạo tạo phi công ngày một nhiều tại Indonesia hay Philippines, sẽ mất rất nhiều năm để một sinh viên có thể được cấp chứng chỉ đào tạo phi công với máy bay thương mại và sẽ còn mất nhiều năm nữa để họ có thể quản lý đội phi công.

Ước tính đến năm 2036, thế giới sẽ cần đến khoảng 630 nghìn phi công, riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần đến tối thiểu 250 nghìn phi công.

Sân bay

Một điểm nghẽn cản trở sự phát triển của ngành hàng không châu Á chính là các sân bay, không chỉ riêng chỗ hạ cánh mà còn cả việc bảo trì, an ninh và kiểm soát không lưu. Theo Cơ quan quản lý ngành hàng không Trung Quốc, trong thập kỷ qua, mỗi năm Trung Quốc mở mới đến khoảng 10 sân bay, và phần lớn sân bay lớn trong khu vực đều đã được xây dựng lại hoặc được tăng thêm số lượng nhà ga máy bay để ứng phó với việc số lượng hành khách tăng cao.

Thế nhưng cung vẫn không đủ cầu. Và còn tồi tệ hơn, phần lớn sân bay trong khu vực, đặc biệt ở nhóm các thành phố cấp 2 vốn được các hãng hàng không giá rẻ ưa chuộng, không có đủ thiết bị soi chiếu hành lý, bảo trì, hệ thống kiểm soát không lưu đạt chuẩn an ninh để đón lượng hàng khách lớn.

Giám đốc điều hành Asian Sky Group, ông Jeffrey Lowe, nhận xét: “Thách thức lớn nhất của các hãng hàng không lớn trong khu vực chính là việc quá thiếu sân bay. Tại châu Á, các sân bay quy mô nhỏ và vừa không tồn tại, chính vì vậy, các hãng hàng không mắc kẹt với việc sử dụng các sân bay quốc tế lớn, vốn đã quá tải từ trước”.

Chính phủ

Các hãng hàng không giá rẻ châu Á gặp nhiều khó khăn từ phía chính phủ hơn so với các hàng hãng không giá rẻ châu Âu. Chính sách bầu trời mở của Liên minh châu Âu (EU) cho phép các hãng hàng không có nhiều quyền tự do hơn để lựa chọn địa điểm, sáp nhập và bay trong khối trong khi đó tại châu Á, quyền lợi quốc gia và việc không ít hãng hàng không nhận được trợ cấp của chính phủ khiến cho sân chơi trở nên kém bình đẳng hơn.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/cac-hang-hang-khong-gia-re-chau-a-can-gi-de-thanh-cong-3483982.html