Các hãng dược phẩm nỗ lực thực hiện thỏa thuận cung cấp vắc xin ngừa Covid-19

Tính đến 6h ngày 30-3, toàn thế giới có 128.190.161 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.802.965 trường hợp tử vong và 103.348.563 bệnh nhân đã hồi phục.

Nhân viên y tế ở bang Maryland (Mỹ) chuẩn bị một liều vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh: Getty Images

Châu Mỹ

Ngày 29-3, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, nước này sẽ tăng cường thêm hàng chục ngàn điểm tiêm chủng, trong đó có 12 điểm tiêm chủng đại trà liên bang. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, các điểm tiêm chủng đại trà mới sẽ cho phép “hàng chục người lái xe đến, tiêm vắc xin khi đang trên xe và rời đi trong vòng chưa đầy 1 giờ”.

Tổng thống J.Biden cũng thông báo, chính quyền của ông sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhóm cộng đồng để cung cấp phương tiện đi lại cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người khuyết tật… đến các địa điểm tiêm chủng.

Ngày 29-3, hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) cho biết đã bàn giao tổng cộng 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng này cho Chính phủ Mỹ. Moderna dự kiến sẽ vận chuyển từ 40 triệu đến 50 triệu liều vắc xin mỗi tháng để hoàn thành các hợp đồng với Chính phủ Mỹ. Liều vắc xin thứ 200 triệu dự kiến được giao vào cuối tháng 5, và liều thứ 300 triệu được giao vào cuối tháng 7 tới.

Theo một báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các loại vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và Moderna đều cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả trong điều kiện thực tế.

Cụ thể, nếu được tiêm đủ số liều, vắc xin có hiệu quả phòng ngừa nhiễm bệnh lên tới 90%. Với 1 liều duy nhất, vắc xin đạt hiệu quả phòng bệnh 80%. Đây là kết quả nghiên cứu dựa trên 4.000 nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu, được ghi nhận từ giữa tháng 12-2020 đến tháng 3 năm nay. Kết quả của nghiên cứu này tương tự như kết quả đạt được trong các thử nghiệm lâm sàng trước đó, và là căn cứ quan trọng cho thấy mức độ hiệu quả của vắc xin trên thực tế.

Châu Âu

Ngày 29-3, hãng Johnson & Johnson (Mỹ) thông báo sẽ bắt đầu cung cấp cho châu Âu 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 từ cuối tháng 4. Vắc xin của hãng này đã được giới chức châu Âu phê duyệt vào giữa tháng 3. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang tỏ ra thất vọng về sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin cho khối, đặc biệt là việc hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) chưa thể đáp ứng các yêu cầu theo hợp đồng.

Thủ tướng Italia Mario Draghi nhận định, châu Âu có thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối tháng 7, dựa trên nguồn cung vắc xin hiện tại. Ông cũng kêu gọi EU lạc quan khi việc triển khai chương trình tiêm chủng đang nhanh chóng được cải thiện.

Ngày 29-3, Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và phát triển liên bang Đức Gerd Muller nhận định, sự hợp tác và tài trợ toàn cầu là yếu tố quyết định khả năng tiếp cận công bằng vắc xin ngừa Covid-19 cho mọi người.

Đức cũng bày tỏ cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề này, đặc biệt là hỗ trợ triển khai chiến dịch tiêm chủng ở các nước nghèo. Theo Bộ trưởng G.Muller, toàn cầu đang thiếu hụt 29 tỷ USD tài trợ để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 25% người dân ở các nước nghèo. Trong khi đó, ước tính 76% trong số 536 triệu liều vắc xin được sử dụng trên toàn thế giới hiện nay tập trung ở 10 quốc gia có thu nhập cao.

Ngày 29-3, Bộ Y tế Nga đã cho phép sử dụng phiên bản 1 liều đối với vắc xin ngừa Covid-19 có tên gọi Sputnik-Light. Truyền thông Nga cho biết, tuần trước nước này đã thông báo hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng đối với loại vắc xin này, tạo giải pháp tạm thời giúp tiêm vắc xin cho nhiều người hơn. Tuy nhiên, Sputnik V loại 2 liều vẫn là phiên bản chính được sử dụng tại Nga.

Châu Phi

Hãng dược phẩm Johnson & Johnson cho biết sẽ cung cấp 400 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho Liên minh châu Phi (AU) từ quý III trong bối cảnh khu vực này đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung vắc xin.

Cũng theo thỏa thuận với Johnson & Johnson, Quỹ mua vắc xin của châu Phi có thể đặt thêm 180 triệu liều trong năm 2022. Kết hợp số vắc xin này với số vắc xin được phân phối theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX), châu lục này sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 750 triệu người, tương đương 60% dân số.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/994884/cac-hang-duoc-pham-no-luc-thuc-hien-thoa-thuan-cung-cap-vac-xin-ngua-covid-19