Các hãng điện tử Đài Loan chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Từ iPhone đến máy tính, các công ty hàng đầu của ngành điện tử Đài Loan (Trung Quốc) và cũng là của thế giới đang chuẩn bị dời các xưởng sản xuất tại Trung Quốc ra nước ngoài, phần lớn đến Đông Âu và Đông Nam Á.

Tổng thống Donald Trump trò chuyện với Chủ tịch Foxconn Terry Gou khi thăm xưởng sản xuất của Foxcon tại Wisconsin Valley Science & Technology Park (Ảnh: AP)

Chủ tịch Tập đoàn Foxconn Technology Terry Gou – người trở thành tỷ phú nhờ các phát minh tiện ích cho Apple – dường như là người khởi xướng phong trào này khi khai trương nhà máy trị giá 10 tỷ USD ở miền Trung Hoa Kỳ. Khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế bắt đầu leo thang, các đồng nghiệp của nền kinh tế Đài Loan của Gou lên kế hoạch chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài hoặc chuẩn bị các kế hoạch dự phòng với việc xây dựng các nhà máy mới đầy tốn kém.

Các công ty lớn nhất của Đài Loan tạo nên mối liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, lắp ráp các thiết bị tại các xưởng sản xuất của Trung Quốc rồi sau đó chỉ việc dán nhãn HP hay Dell chẳng hạn. Trong tuần, các công ty lớn như Pegatron và Inventec công bố kế hoạch giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ.

Lo ngại về đợt đánh thuế 200 tỷ USD của Hoa Kỳ

Hiện mức thuế Tổng thống Donald Trump đánh vào các mặt hàng điện tử gia dụng chưa cao. Tuy nhiên, sự lo ngại mức thuế này sẽ bị đẩy lên trong đợt đánh thuế mới trị giá 200 tỷ USD của ông Trump đối hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đang ngày càng lớn.

“Chúng tôi đã kích hoạt cơ chế giảm các rủi ro do căng thẳng thương mại gây ra”, CEO Liao Syh-Jang của công ty Pegatron chuyên chế tạo iPhone, nói. Trong tương lai gần, Pegatron có thể mở thêm nhà máy ở Czech, Mexico hay tại Đài Loan. Còn về đường xa, hãng này dự định sẽ mở thêm xưởng ở Ấn Độ hay Đông Nam Á.

Sáu công ty gia công hàng điện tử lớn nhất của Đài Loan - Compal Electronics Inc., Hon Hai Precision Industry Co. thuộc Foxconn, Inventec, Pegatron, Quanta Computer Inc. và Wistron Corp. – mang lại doanh thu 296 tỷ USD trong năm 2017 – tương đương với GDP của Pakistan.

Đầu tư của các công ty Đài Loan tại Trung Quốc lên đến đỉnh điểm vào năm 2010, đóng góp tỷ lệ lớn của xuất khẩu Đài Loan. 15 công ty xuất khẩu hàng đầu của Đài Loan đều là cơ xưởng vệ tinh cho sáu đại công ty gia công ở trên.

Các biến chuyển đó cho thấy một xu hướng đang dần hình thành trong các năm gần đây. Giá nhân công gia tăng đã buộc nhiều nhà sản xuất tìm kiếm giải pháp khác, bao gồm việc hình thành các xưởng quy mô nhỏ hơn ở một nước gần với thị trường khu vực. Giờ đây, các xưởng này được xem là bàn đạp để mở rộng sản xuất và xuất khẩu của Đài Loan.

“Trong tương lai, các công ty Đài Loan phải đa dạng hóa sản xuất khi các chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung sẽ không chấm dứt một sớm một chiều”, Wu Chung-shu – Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Chung Hua – nhận định.

Nhiều công ty đang chuẩn bị cho bước ngoặt đó, trong đó có Inventec, Quanta và Compal. Riêng Quanta và Compal – hai nhà gia công cho hầu hết các thương hiệu laptop trên thế giới, nói rằng họ có thể tăng thêm năng lực sản xuất ở các nhà máy bên ngoài Trung Quốc khi cần thiết.

Phó Chủ tịch Compal Ray Chen nói lắp ráp máy tính xách tay bên ngoài Trung Quốc có thể làm tăng giá thành mỗi sản phẩm thêm 3%. Nhưng sự lựa chọn đó cũng không mang lại kết quả khả quan hơn: tỷ suất lợi nhuận của hãng chỉ vượt quá 3% trong quý 2 năm nay. Và đó là hiện tượng cho toàn ngành công nghiệp điện tử: đối thủ Quanta chỉ đạt tỷ suất 4,5% - mức lợi nhuận có thể bị "quét sạch" khi Hoa Kỳ tăng mức thuể đối với hàng điện tử xuất xứ từ Trung Quốc.

“Chúng tôi đang tiến hành điều chỉnh quy mô lớn và linh hoạt để trong trường hợp đợt đánh thuế 200 tỷ USD đối với hàng Trung Quốc diễn ra, chúng tôi có thể hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại”, David Ho – một quản lý cao cấp của Inventec - phát biểu. Vị này là người quản lý xưởng chuyên sản xuất AirPod và HomePod cũng như loa thông minh cho hãng Sonos.

Ngành công nghiệp điện tử gia công là xương sống của nền kinh tế Đài Loan. Chỉ riêng sáu hãng hàng đầu đã mang lại cho Đài Loan 300 tỷ USD. (Ảnh: The Economist)

Chính sách hướng Nam

Cho đến giờ, nhiều kế hoạch dự phòng đã được chuẩn bị nhưng chưa thực thi, và giới chức quản lý vẫn lo lắng về các thách thức trong việc di dời xưởng sản xuất ra nước ngoài về mặt logistic. Nhiều công ty Đài Loan vẫn lo ngại sẽ chọc giận Trung Quốc.

Tuy vậy, đã có nhiều tuyên bố về việc dời hãng xưởng ở Trung Quốc ra nước ngoài. Chủ tịch Quanta Barry Lam nói công ty của ông có thể gia tăng sản xuất ở bang California và Tennessee của Hoa Kỳ hay Đức. Chủ tịch Compal Ray Chen nói sẽ dời sang Mexico, Ba Lan, Đài Loan hay Việt Nam.

“Giữa lúc các đe dọa miệng về thuế suất gia tăng, di dời xưởng sản xuất về phía Nam là giải pháp thích hợp đối với nhiều công ty Đài Loan bởi các ưu đãi và thế mạnh ở Trung Quốc không còn, giá nhân công tăng cao. Điều này càng diễn ra mạnh hơn trong bối cảnh Đài Loan thúc đẩy chính sách đầu tư hướng Nam”, Angela Hsieh, nhà kinh tế học của Barclays Bank ở Singapore, phát biểu.

Ricky Hồ

(Tổng hợp từ Bloomberg và The Economist)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cac-hang-dien-tu-dai-loan-chuan-bi-cho-cuoc-chien-thuong-mai-my--trung-d69478.html