Như đã ngày cuối của đại dịch

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ, ngày 9/4, trong trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp 14 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19. Ngoài trụ sở Chính phủ, khắp nẻo đường, người dân chen chân vui chơi. Đại dịch ở Việt Nam như đến hồi 'cáo chung', dù WTO vẫn quả quyết Covid-19 còn là vấn đề khẩn cấp toàn cầu.

Sinh nhật tháng 4

Tháng 4 này, đúng “sinh nhật” 1 tuổi của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng tháng 4 năm nay, muốn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không để dịch bùng phát, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không bị động, bất ngờ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp 14 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngày 9/4/2022.

“Sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống” - Thủ tướng yêu cầu: “Bộ Y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 về kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới, biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn”. Tính chung kể từ khi dịch bùng phát, Việt Nam xếp thứ 12/225 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc - một thứ hạng khiến không thể nguôi nỗi căng thẳng, ám ảnh về dịch bệnh.

Có thể, Việt Nam đã trải qua làn sóng thứ 5 khi mở màn cho tháng 3 vừa qua, Việt Nam vượt mốc 100 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày và hầu khắp các địa phương trong cả nước xuất hiện bạt ngàn F0. Tại Hà Nội, trong nhiều ngày liên tiếp số ca mắc mỗi ngày đều vượt 1 vạn ca. Ở thời điểm đó đã ghi dấu sự quay cuồng trong nỗi hoảng hốt của người dân, như theo quan sát của bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: “có triệu chứng: test, không triệu chứng cũng test, thậm chí có gia đình không ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì sợ hãi Covid”, hay như theo thực tế mà Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thấy: “có người 1 ngày xét nghiệm 3 lần để xem có bị lên vạch không?”.

Học sinh nô nức đến trường sau quãng thời gian dài ở nhà và học online.

Nhưng nỗi hoảng hốt chỉ kéo dài vài tuần và nhanh chóng thay thế bằng sự bình tĩnh, lạc quan vốn có của toàn dân. Thay vì xếp hàng mua cho được kit test xét nghiệm, người dân vui cười oang oang kể cho nhau nghe vừa trải qua những ngày là F0 và kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ, khắp nơi đều bắt gặp những ánh mắt rạng ngời... Bất luận từng có những thời khắc con vi rút này gây ra nỗi khiếp sợ đến vô cùng thì đại dịch như đã trở thành dĩ vãng, sự hiện diện cuối cùng của nó có lẽ chỉ là những chiếc khẩu trang. Ngay cả như vậy, như thói quen của nhiều người dân thì dẫu không có đại dịch, thì họ vẫn luôn đeo khẩu trang. Một lần nữa, chỉ có thể nói, tuyệt vời hai tiếng: Nhân dân.

Chiến thắng của Nhân dân

Bình minh của ngày mới đang thực sự trở lại mà Thủ tướng Phạm Minh Chính trong giai đoạn nóng bỏng nhất của mùa hè năm ngoái đã luôn ngóng đợi. Bởi sự bình tĩnh, lạc quan, Nhân dân mang bình minh trở lại. Trong lúc nguy khốn vì đại dịch, Nhân dân đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Trong lúc giao thoa giữa “thời chiến” và “thời bình”, Nhân dân vững vàng bước, với niềm tin bình yên ở phía trước, có mạnh mẽ mới đẩy lùi được rủi ro, thách thức.

Riêng trong lĩnh vực du lịch, trong khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn phải đếm từng người, thì khách du lịch nội địa đã mang đến “đại thắng” cho ngành du lịch chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ, khi từ ngày 9 đến 11/4, cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch nội địa, với khoảng 1,6 triệu lượt khách lưu trú. Trong đó, Hà Nội phục vụ khoảng 200.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 560 tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh phục vụ khoảng 250.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng. Tỉnh Phú Thọ phục vụ khoảng 550.000 lượt khách, riêng Khu di tích Đền Hùng khoảng 535.000 lượt khách; TP. Cần Thơ với việc khánh thành Đền thờ Vua Hùng vào 6/4 đã thu hút lượng khách tham quan, du lịch lên tới khoảng 850.000 lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 350 tỷ đồng…

Thần chết rút lui

Sự thành công vào hàng nhất thế giới về tiêm chủng đã đưa tỷ lệ tử vong so với số ca mắc của Việt Nam hiện ở mức 0,4% (mức trung bình chung thế giới là 1,2%). Thần chết đã thực sự rút lui khỏi cuộc chiến này ở Việt Nam khi so với tháng 2, số ca tử vong tháng 3 giảm 28,6%; tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng 2 xuống còn 0,03% trong tháng 3, là số tử vong giảm thấp nhất tính từ tháng 8/2021.

Sự rút lui này cũng là lời khẳng định về nỗ lực cao độ của các lãnh đạo chủ chốt đất nước trong chiến lược vắc-xin. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: “Chúng ta đã bằng mọi biện pháp có thể (mua, vay, mượn...) để đưa vắc-xin về nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay. Nói chung là làm tất cả các biện pháp để có vắc-xin, lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vắc-xin. Trong khoảng 210 triệu liều vắc-xin chúng ta đã tiếp nhận thì có tới gần một nửa là vắc-xin từ nguồn viện trợ qua các cơ chế đa phương và song phương”.

Sự nô nức và rầm rộ của người dân trong việc mang bình minh trở lại, đưa đến hiệu ứng mà tại Phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, theo thống kê, lượng tìm kiếm trên Google về các chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam đang tăng trưởng ở mức cao nhất thế giới. Dư luận thế giới đánh giá rất cao các kết quả phòng chống dịch đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi rất mạnh, thuộc nhóm tốt nhất khu vực.

Có được bình minh, cũng không thể không kể đến công lao của toàn dân trong việc không những tự nguyện mà còn đặc biệt nhiệt tình tiêm vắc-xin. Như tại nước Mỹ, quốc gia có được các loại vắc-xin tốt nhất thế giới và nhiều nhất thế giới thì tỷ lệ tiêm 2 mũi ở đây của người dân từ 18 tuổi trở lên mới chỉ đạt khoảng 70%. Trong khi ở Việt Nam, theo Bộ Y tế, đến hết quý I/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Đến hết ngày 31/3/2022, đã có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm). Còn tỷ lệ người dân đạt tỷ lệ tiêm 2 mũi đã đạt tới gần như là 100%. Đúng như Thủ tướng luôn khẳng định: Chiến thắng đại dịch là chiến thắng của Nhân dân.

Chim non ríu rít

Vào lúc này, Chính phủ tiếp tục ra sức đốc thúc tiêm vắc-xin. Thủ tướng nhắc nhở công tác phòng, chống dịch còn những hạn chế, yếu kém, bất cập phải cương quyết khắc phục trong thời gian tới, mà hạn chế hàng đầu là tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngày 14/4, tỉnh Quảng Ninh là địa phương mở màn cho chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ước tính cả nước có khoảng 11,8 trẻ em trong độ tuổi này, trong đó khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc Covid-19 và ngành Y tế sẽ triển khai tiêm đủ 2 mũi cho nhóm trẻ này trước, cố gắng hoàn thành trong quý II/2022.

Dù nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đến nay mới bắt đầu tiêm nhưng trước đó nhiều ngày, không còn bị ngự trị bởi nỗi sợ virut, các phụ huynh yên tâm đưa con đến trường, với mong muốn cho con em mình có được mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ngay cả trẻ mầm non là nhóm tuổi chưa hẹn ngày tiêm, các bố mẹ cũng vững vàng như vậy. Sáng 13/4, gần 600.000 trẻ mầm non ở Hà Nội đến trường. Trong “giòn cười tươi khóc” của các em bé ngày đầu trở lại “lớp lá”, “lớp chồi” sau nhiều tháng ròng rã quanh quẩn ở nhà, ngỡ như những tiếng ríu rít của bầy chim non náo nhiệt đón chào ngày mới.

Nguyên Mẫn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhu-da-ngay-cuoi-cua-dai-dich-103618.html