Các giải pháp ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra 43 quốc gia, vùng lãnh thổ với tốc độ chóng mặt và khó lường. Trong bối cảnh các nước ngoài Trung Quốc bùng phát dịch bệnh và tử vong cao, Việt Nam ứng phó như thế nào khi giao thương giữa Việt Nam và các nước rất lớn. Lo lắng dịch bệnh bùng phát là có thể nếu lúc này chúng ta lơi lỏng, chủ quan và không có các giải pháp ứng phó với các diễn biến mới của dịch.

Đưa kinh nghiệm ứng phó với dịch ở Trung Quốc vào diễn biến mới

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế, dịch COVID-19 đã lan ra 43 quốc gia, vùng lãnh thổ làm 81.255 người mắc. Đến nay, số người tử vong ở các quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã là 55 người. Điều này cho thấy, dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng và khó kiểm soát trên toàn thế giới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội có nguy cơ rất cao vì hoạt động giao lưu kinh tế - xã hội với các nước. Vì vậy, thành phố đang thực hiện nghiêm ngặt kiểm soát tại sân bay và thực hiện tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc.

 Ca bệnh cuối cùng mắc COVID-19 của Việt Nam đã khỏi bệnh, xuất viện.

Ca bệnh cuối cùng mắc COVID-19 của Việt Nam đã khỏi bệnh, xuất viện.

Khách nhập cảnh đến từ hoặc qua 2 vùng dịch Daegu và Bắc Gyeongsang của Hàn Quốc khi xuống máy bay sẽ được đưa ngay vào cách ly theo dõi 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu khách đến từ Hàn Quốc không nằm trong 2 vùng dịch trên đều phải khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Hai thành phố có khách nhập cảnh từ vùng dịch Hàn Quốc vào là Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh trong 3 ngày qua đã làm rất tốt công tác cách ly. Đoàn 20 du khách Hàn Quốc nhập cảnh từ vùng dịch Daegu trưa 24/10 đã quay trở về nước. Tại TP Hồ Chí Minh, hiện đang có 49 người Hàn Quốc đến hoặc đi qua 2 vùng dịch là Daegu và Bắc Gyeongsang được cách ly tại BV dã chiến của thành phố.

Đến 26/2, ca bệnh thứ 16 của Việt Nam đã xuất viện, là ngày thứ 14 không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Tuy chúng ta đã kiểm soát được tốt, nhưng trước diễn biến mới của dịch, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch bệnh do COVID-19 diễn ra ngày 25/2, chúng ta lấy kinh nghiệm trong trận chiến mở màn để áp dụng.

Theo Phó Thủ tướng, ngay từ đầu chúng ta đã xác định 5 phương châm đúng như trước đây chống dịch SARS, cúm A/H1N1 là: Ngăn chặn, ngăn chặn triệt để; phát hiện, phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh vùng thật gọn; dập tắt và phải dập tắt triệt để.

Thời gian qua Việt Nam đã làm rất tốt 5 phương châm này. Điển hình là Sơn Lôi đã sang ngày thứ 14 không có ca nhiễm mới. Đến thời điểm này, ổ dịch Vĩnh Phúc đã cách ly và khống chế thành công.

Thành công này là bài học để chúng ta tiếp tục cho trận chiến, khi có ổ dịch xảy ra tiếp theo, chúng ta vận dụng kinh nghiệm khoanh vùng cách ly của Vĩnh Phúc. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại xã Sơn Lôi biên soạn ngay sổ tay hướng dẫn các biện pháp phòng chống tại ổ dịch COVID- 19 Sơn Lôi gửi các tỉnh, thành để áp dụng ngay.

Quyết liệt thực hiện theo 5 phương châm

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá là nước có nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Công tác chống dịch của chúng ta đã đi trước một bước, nâng mức cảnh báo lên cao hơn của WHO khuyến cáo, không phải chỉ xây dựng 4 kịch bản mà đã tính đến kịch bản thứ 5, có 30.000 người nhiễm bệnh. Do vậy, đến thời điểm này, chúng ta đã ứng phó được tốt.

Vậy, để ứng phó với diễn biến mới của dịch, Phó Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục thực hiện quyết liệt theo 5 phương châm: Ngăn chặn, ngăn chặn triệt để; phát hiện, phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh vùng thật gọn; dập tắt và phải dập tắt triệt để.

Để đáp ứng với tình hình mới, Bộ Y tế đã áp dụng yêu cầu bắt buộc tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc; với khách đến từ hoặc qua 2 thành phố tâm dịch của nước này đều phải cách ly y tế 14 ngày. Còn với các nước khác, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới.

Theo đề xuất của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện giám sát tốt ngay tại cửa khẩu, điều tra xác minh ca nghi ngờ, người tiếp xúc, làm tốt công tác chống nhiễm khuẩn để chống lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị. Người dân hạn chế tối đa việc đến nơi có dịch khi không cần thiết, người trở về Việt Nam từ vùng dịch cần thực hiện cách ly trong 14 ngày.

Bằng kinh nghiệm trong các đợt dịch trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, cách ly là việc cực kỳ quan trọng. Trước việc dịch lan rộng trên 40 quốc gia, các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, cách ly những trường hợp nghi ngờ. Thành công cách ly của tỉnh Vĩnh Phúc là một bài học, không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài và không để nó lây lan sang các địa phương khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam có 16 trường hợp dương tính với COVID-19 đến nay đều khỏi bệnh nhờ 3 điểm sáng: Điều trị thành công cho 2 bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý nền; điều trị thành công cho bệnh nhi 3 tháng tuổi; thu nhận điều trị thành công với các bệnh nhân tại chỗ (tuyến cơ sở) để tránh di chuyển và lây lan.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại xã Sơn Lôi đúc rút kinh nghiệm: Với ca bệnh đã xác định thì cách ly nghiêm ngặt và điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà là cơ sở điều trị chuyên biệt COVID-19.

Chính bài học ở Hàn Quốc vừa rồi, bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế đa khoa, chung đụng với cả khám và điều trị bệnh nhân khác nên dịch đã lan ra, lây nhiễm cho 100 bệnh nhân khác. Như vậy, càng khẳng định chúng tôi áp dụng biện pháp điều trị riêng biệt cho bệnh nhân COVID- 19 tại Bình Xuyên là đúng.

Do vậy, trước diễn biến mới của dịch, nếu Việt Nam có thêm các ca dương tính với COVID-19 thì phương châm điều trị vẫn được áp dụng như vừa qua, bệnh nhân nhẹ, trung bình điều trị ngay tại tuyến dưới để cắt đứt nguồn lây nhiễm khi di chuyển, chỉ bệnh nhân nặng mới chuyển tuyến trên.

Song song với các giải pháp trên, nhiều địa phương đã huy động thành lập thêm các địa điểm cách ly, để sẵn sàng cho việc có người nhập cảnh đến từ vùng dịch của Hàn Quốc.

Tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã tính đến việc đón tiếp cách ly cho số lao động của tỉnh ở Hàn Quốc và Nhật Bản trở về khi địa phương có 433 người đang lao động ở Hàn Quốc và 3.365 người lao động tại Nhật Bản.

Số công nhân Hàn Quốc ở Vĩnh Phúc lên tới 1.005 người, đây cũng là vấn đề đáng lo lắng. Theo các chuyên gia, điều quan trọng hơn nữa là mọi người dân phải cùng chống dịch, phải khai báo y tế khi đi từ vùng dịch về, nếu che giấu hoặc không trung thực nhập cảnh trót lọt, hậu quả rất khôn lường.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong công nhân

Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài, ghi nhận các doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các doanh nghiệp thực hiện biện pháp cách ly tại nơi ở và nơi làm việc đối với người lao động từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nghỉ về nước dịp Tết quay trở lại Việt Nam làm việc, hoặc cách ly người lao động nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam.

Một số doanh nghiệp trang bị khẩu trang cho người lao động; người lao động được sát khuẩn tay; tiến hành khử trùng trong doanh nghiệp; trang bị thiết bị đo thân nhiệt để kiểm tra tình trạng thân nhiệt của người lao động…

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh COVID - 19 tại các cấp công đoàn, các khu chế xuất – khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty có sử dụng lao động người nước ngoài… trên địa bàn thành phố.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, một số doanh nghiệp đã giải quyết cho lao động nữ nghỉ phép năm và nghỉ không lương để chăm con nghỉ học.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã tạm dừng cấp phép cho lao động Trung Quốc đến thành phố làm việc.

Thành phố cũng đã quyết định tạm dừng cấp phép cho những người lao động Hàn Quốc đến từ 2 tỉnh có dịch là Daegu và Gyeongsang. Đối với những lao động Hàn Quốc ngoài 2 tỉnh này vào thành phố lao động sẽ được kiểm tra y tế trước khi nhập cảnh.(Nguyễn Cảnh)

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/cac-giai-phap-ung-pho-voi-dien-bien-moi-cua-dich-covid-19-583342/