Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế đối phó đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động trong đề xuất các giải pháp về tài chính nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách là kịp thời và bước đầu đã phát huy tác dụng.

Nhiều chính sách về miễn, giảm phí, lệ phí được Bộ Tài chính kịp thời ban hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Nhiều chính sách về miễn, giảm phí, lệ phí được Bộ Tài chính kịp thời ban hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

* Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Trường:

Chính sách tài khóa - “Trợ lực” giúp duy trì tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động trong đề xuất các giải pháp về tài chính nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội ban hành hàng loạt các chính sách về gia hạn nộp thuế, giảm thuế, chi ngân sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn…

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính sách này thuộc nhóm “chính sách tức thời”, được thực hiện rất sớm trong giai đoạn đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã giúp tạo luồng tiền cho DN, hộ kinh doanh trong bối cảnh gặp khó khăn về dòng tiền do suy giảm đột ngột về thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch. Đây cũng là một biện pháp tức thời nhằm giảm chi phí cho các DN và các cơ quan nhà nước có hoạt động nhập khẩu hàng hóa, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội về chính sách giảm thuế thu nhập DN cho DN có doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Chính sách này đã được Quốc hội thông qua có tác động hỗ trợ về tài chính trực tiếp cho các DN nhỏ và vừa – là đối tượng DN dễ bị tổn thương nhất khi có những biến động, cú sốc xảy ra trong nền kinh tế, qua đó, hỗ trợ một phần về tài chính cho những DN đã cố gắng khắc phục khó khăn để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều chính sách về miễn, giảm nhiều loại phí, lệ phí. Đơn cử như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, đã có tác động kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đồng thời, vừa hỗ trợ người tiêu dùng, vừa hỗ trợ lĩnh vực sản xuất này duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay…

Như vậy, có thể thấy, về tổng thể, nhờ có các chính sách hỗ trợ về tài khóa, nền kinh tế được hỗ trợ về luồng tiền để tăng tính thanh khoản, cộng đồng DN được hỗ trợ về tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh… Qua đó, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tốt nhất có thể trong điều kiện dịch bệnh…

Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu ở phía trước, ngành Tài chính cần tiếp tục chú trọng thực hiện tốt một số trọng tâm sau để ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19, cũng như tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế.

Theo đó, cần chủ động và sáng tạo trong triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người nộp thuế phù hợp với đặc thù của địa phương, bởi tùy theo đặc điểm địa lý, đặc điểm và trình độ nhận thức của người nộp thuế mà có cách thức hỗ trợ phù hợp, đảm bảo chính sách hỗ trợ về thuế đúng đối tượng và được thực hiện đơn giản, thuận tiện nhất với người nộp thuế.

Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp nghiệp vụ khác nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế, khai thác hợp lý nguồn thu từ những lĩnh vực không bị ảnh hưởng hoặc tăng trưởng khi có dịch Covid-19, để đảm bảo vẫn hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh giảm thu ngân sách do thực hiện các chính sách hỗ trợ người nộp thuế của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ để cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, đặc biệt là các khoản chi hoạt động hành chính, hội họp… của các cơ quan nhà nước. Ở đây cần lưu ý là chỉ cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, còn chi cho đầu tư phát triển thì vẫn phải thực hiện theo kế hoạch để đảm bảo kích cầu nền kinh tế và đảm bảo đúng kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Tài chính cần theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh trên thế giới và trong nước để chủ động đề xuất các biện pháp về chính sách tài khóa nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh….

* Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:

Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất, kinh doanh

Ngay khi dịch Covid-19 khởi phát trong những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã kịp thời thiết kế, đề xuất các chính sách hỗ trợ như gói hỗ trợ về tài khóa, an sinh xã hội, cùng với nhiều chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… nhằm hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng DN trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Việc đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế của ngành Tài chính, trước hết thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thực hiện nghiêm túc, kịp thời những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đề xuất những giải pháp hỗ trợ DN trong bối cảnh các DN đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề trước biến cố bất ngờ của dịch Covid-19.

Có thể nhận thấy, các đề xuất giải pháp về chính sách tài khóa để ứng phó với tác động dịch Covid-19 của Bộ Tài chính đều được xử lý nhanh nhất ở mức có thể, theo như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, điều này cũng thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đồng hành, hỗ trợ DN, nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, việc có các chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho DN như gia hạn các khoản tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí… đã giúp DN có thêm nguồn lực tài chính tương đối để có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như giúp giảm bớt khó khăn cho DN trong bối cảnh DN phải chịu những khó khăn chồng chất do dịch bệnh…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại và vẫn đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành Tài chính cần tiếp tục có những phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, trong đó cần tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế. Đặc biệt, dịch bệnh bùng phát trở lại có thể làm gia tăng những khó khăn nhất định cho DN và nền kinh tế, thì có thể cần tiếp tục “gia cố” các chính sách hỗ trợ về tài khóa.

Ví dụ, về thời hạn triển khai gói hỗ trợ tài khóa, hết thời hạn 5 tháng, Bộ Tài chính có thể xem xét, đề xuất Chính phủ gia hạn thêm thời gian thực hiện giãn, hoãn nộp thuế, nếu các chính sách thực sự hiệu quả, giúp DN phục hồi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế… Hay rà soát, xem xét những khoản phí, lệ phí nào có thể được miễn, giảm thêm thì đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét để hỗ trợ cộng đồng DN…

Song song với đó, ngành Tài chính cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tiết giảm chi phí cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài ra, ngành cũng cần tăng cường công tác quản lý thu, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tránh việc DN, hộ kinh doanh lợi dụng bối cảnh khó khăn của dịch bệnh để có các hành vi gian lận, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước…

Diệu Thiện (ghi)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-16/cac-giai-phap-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-doi-pho-dai-dich-covid-19-91041.aspx