Các giai đoạn của bệnh giang mai

WHO ghi nhận năm 1980-1990, số ca nhiễm giang mai các nước phát triển đã giảm.

WHO ghi nhận năm 1980-1990, số ca nhiễm giang mai các nước phát triển đã giảm nhờ sử dụng rộng rãi thuốc kháng sinh. Từ năm 2000, tỷ lệ giang mai gia tăng tại Mỹ, Anh, Australia và châu Âu chủ yếu trên nhóm đồng tính nam với đặc trưng xuất hiện bệnh ở hậu môn. Bệnh phát triển theo 4 giai đoạn chính:

>> Xem thêm: Clip: Lương y “bật mí” những tác dụng thần kì của cây mật gấu

Giai đoạn một

Vết loét hạ cam xuất hiện trên ngón tay ở người đàn ông đã dùng ngón tay kích dục không an toàn. Giang mai không chỉ giới hạn ở những bộ phận sinh dục, mà có thể lây truyền qua các tiếp xúc gần khác

Đây là giai đoạn rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Khoảng từ 3 đến 90 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh (trung bình là 21 ngày), sẽ xuất hiện tổn thương da ở các điểm tiếp xúc quan hệ tình dục không an toàn. Vết loét còn gọi là “săng” xuất hiện ở những nơi tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai, thường ở bộ phận sinh dục như dương vật, âm đạo và cảtrực tràng.

Giai đoạn 2

Giang mai giai đoạn 2 ở bệnh nhân 52 tuổi mắc bệnh AIDS. Các vết loét và sẩn xuất hiện trên khuôn mặt, ngực, cánh tay...

Giai đoạn này xảy ra sau giai đoạn một từ 4 đến 10 tuần. Bệnh nhân có rất nhiều biểu hiện khác nhau như nốt ban đối xứng, màu hồng (còn gọi là đào ban giang mai vì nhìn rất giống hình ảnh hoa đào màu đỏ hồng hoặc hồng tím), ấn vào thì mất, không nổi cao trên mặt da, không bong vảy, không tự mất đi. Cũng có thể xuất hiện các nốt phỏng nước, loét da và niêm mạc, mảng sẩn với nhiều kích thước khác nhau.

Giai đoạn tiềm ẩn

Giang mai tiềm ẩn được xác định khi có bằng chứng huyết thanh của bệnh nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Giai đoạn này chia làm 2 loại: thời gian tiềm ẩn dưới một năm sau giai đoạn 2 (sớm) và thời gian tiềm ẩn kéo dài hơn một năm sau giai đoạn 2 (muộn). Giang mai tiềm ẩn sớm có thể tái phát các triệu chứng bệnh và dễ lây, còn giang mai tiềm ẩn muộn không có triệu chứng và không dễ lây bằng.

Giai đoạn 3

Mô phỏng đầu của một bệnh nhân mắc bệnh giang mai giai đoạn 3.

Giang mai giai đoạn 3 có thể xảy ra khoảng từ 3 đến 15 năm sau những triệu chứng của giai đoạn một, được chia thành ba hình thức khác nhau: Giang mai thần kinh (6,5%), giang mai tim mạch (10%) và củ giang mai (15%). Giang mai giai đoạn 3 xuất hiện các củ giang mai làm biến dạng khuôn mặt. Giang mai thần kinh gây viêm màng não, thoái hóa não, dẫn đến động kinh, đột quỵ, ảo giác… Giang mai tim mạch thường gây ra phình động mạch chủ.

Ngày nay, giang mai có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Nếu không chữa trị sớm bệnh có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương, một số trường hợp dẫn đến gây tử vong. Các bác sĩ khuyên khi có bất kỳ vết loét nào ở bộ phận sinh dục hay ở vị trí đã quan hệ tình dục không an toàn, cần phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đầy đủ.

Khi có bệnh giang mai thì phải làm các xét nghiệm liên quan phản ứng huyết thanh và dịch tiết từ tổn thương, đồng thời kiểm tra tình trạng nhiễm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác như HIV, siêu vi viêm gan B, C, lậu, hạ cam. Căn cứ vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh phù hợp đồng thời khuyến cáo điều trị cho các bạn tình của bệnh nhân.

Hiện chưa có văcxin hiệu quả trong phòng chống giang mai. Để phòng bệnh, tốt nhất không nên quan hệ tình dục hay tiếp xúc vật lý trực tiếp với một người bị bệnh, sử dụng bao cao su đúng cách cũng góp phần phòng bệnh.

Theo VNexpress

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/suc-khoe/cac-giai-doan-cua-benh-giang-mai/20170725094812613p1c784.htm