Các giải bóng đá 'phủi' không phép và trách nhiệm của các cơ quan chức năng

Hàng chục giải bóng đá 'phủi' được tổ chức trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn – nhỏ khác nhau, thu hút hàng trăm đội bóng đá phong trào tham gia. Tuy nhiên, hầu hết các giải đều chưa được cấp phép. Điều này dẫn đến tình trạng lộn xộn, rất cần sự vào cuộc chấn chỉnh của các cơ quan chức năng.

Giải bóng đá Sầm Sơn League đã được UBND TP Sầm Sơn cấp phép tổ chức từ năm 2020.

Bóng đá “phủi” là cách gọi khác của sân chơi bóng đá phong trào đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong vài năm trở lại đây với hàng nghìn cầu thủ cùng hàng trăm đội bóng, câu lạc bộ (CLB) ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên. Song song với việc các sân bóng đá được nâng cấp, xây mới, hàng chục giải đấu bóng đá phong trào – bóng đá “phủi” đã được tổ chức hàng năm, trong đó nhiều giải đấu đã được tổ chức tới mùa thứ 4 - 5. TP Thanh Hóa là đơn vị có phong trào bóng đá “phủi” phát triển mạnh và sôi động nhất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố hiện có trên 200 đội bóng đá phong trào hoạt động thường xuyên tại các phường, xã trên địa bàn. Ngoài các giải đấu chính thống do UBND thành phố tổ chức, còn có nhiều giải bóng đá “phủi” được tổ chức tại các cụm sân cỏ nhân tạo, điển hình nhất là các giải TH League (ngoại hạng), TH League (hạng nhất), Thanh Hóa Champion Leage... Các giải đấu trên đã có “tuổi đời” 4 - 5 năm, thu hút sự tham gia của các đội bóng, các cầu thủ bóng đá phong trào xuất sắc nhất trên địa bàn tỉnh. Quy mô, cách thức tổ chức của các giải đấu này không thua kém các giải đấu chính thức cấp tỉnh, thành phố; trong đó bao gồm lễ khai mạc, bế mạc được tổ chức hoành tráng, các sân cỏ đều được đặt các biển quảng cáo...

Mặc dù vậy, theo tìm hiểu, các giải đấu nói trên đều được tổ chức một cách tự phát, chưa được UBND TP Thanh Hóa hay cơ quan chức năng nào cấp phép dù đã được tổ chức nhiều năm liên tục. Hầu hết các giải đấu không có đơn vị hay doanh nghiệp nào đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm về mọi mặt theo quy định, mà thực hiện theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”. Việc đặt biển quảng cáo tại các sân cỏ đối với các giải bóng đá chưa được cấp phép đã vi phạm cả Luật Quảng cáo. Chưa kể, các giải đấu này thu hút khá đông đảo khán giả tới xem, nhưng không có lực lượng làm công tác bảo đảm an ninh trật tự cho các trận đấu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều vấn đề cả ở bên trong và ngoài sân cỏ. Năm 2020, trong khuôn khổ giải TH League, đã từng xảy ra một vài vụ xô xát bên ngoài sân cỏ. Mặt khác, một số giải bóng đá “phủi” còn có tình trạng cá độ ngay tại các trận đấu... Những vấn đề nổi cộm nói trên đã cho thấy tình trạng lộn xộn của các giải bóng đá “phủi” hiện nay, rất cần sự vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh của các cơ quan chức năng.

Trong định hướng phát triển bóng đá Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, Liên đoàn Bóng đá đặt ra mục tiêu phát triển mạnh bóng đá phong trào, ưu tiên tạo cơ chế cho các đội, CLB bóng đá ra đời và hoạt động. Nhưng đồng thời cũng chú trọng tổ chức các giải đấu bóng đá phong trào theo hình thức xã hội hóa 100% (giải bóng đá “phủi”) đi vào quy củ, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, trở thành các giải nằm trong hệ thống các giải bóng đá hàng năm của Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa. Các CLB tham gia các giải đấu này được đăng ký làm CLB thành viên thuộc Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa. Năm 2020, giải bóng đá Sầm Sơn League đã được UBND TP Sầm Sơn cấp phép tổ chức và trở thành giải thể thao phong trào thường niên chính thống của địa phương này. Đây cũng là cách làm đáng để nhiều địa phương, đơn vị khác trong tỉnh học tập.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Sầm Sơn, cho biết: Nhận thấy giải bóng đá Sầm Sơn League là sân chơi thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT, phòng đã có định hướng và yêu cầu ban tổ chức giải làm thủ tục xin cấp phép tổ chức. Song song với đó, ban tổ chức phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, có lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, y tế ở mỗi trận đấu”. Ông Phạm Cẩm Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, cho biết: Qua rà soát, liên đoàn cũng đã có định hướng, hướng dẫn cho ban tổ chức các giải bóng đá phong trào đăng ký cấp phép tổ chức; cũng như phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, bảo đảm các điều kiện để tổ chức giải. Mặc dù vậy, công tác quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh thuộc về chính quyền địa phương, bởi đây là cơ quan ra quyết định cấp phép cho các giải đấu.

Các giải đấu bóng đá phong trào được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT phát triển, đáp ứng nhu cầu rèn luyện, nâng cao sức khỏe của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý, để các giải đấu thực sự là những sân chơi bổ ích, thiết thực, an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Gia Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-trong-tinh/cac-giai-bong-da-phui-khong-phep-va-trach-nhiem-cua-cac-co-quan-chuc-nang/138224.htm