Các giải bóng đá châu Âu trở lại để tự cứu mình

Sau Ligue 1, La Liga và Ngoại hạng Anh, 2 giải đấu hàng đầu châu Âu là Bundesliga và Serie A sẽ chính thức khởi tranh cuối tuần này, vừa để sớm hoàn thành mùa bóng theo quy định vừa giải quyết khó khăn tài chính đè nặng suốt mùa dịch Covid-19.

Nhìn lại quãng đường gian nan của mùa giải vừa qua, người ta không khỏi ngán ngẩm khi đại dịch Covid-19 khiến các giải đấu ở Hà Lan, Pháp, Scotland bị hủy bỏ giữa chừng, hàng loạt giải đấu khác phải "án binh bất động" hàng tháng trời, chờ qua đỉnh dịch để tiếp tục hoàn tất mùa bóng theo cách chưa từng có trong lịch sử: sân vận động không khán giả, các đội bóng phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội khi thi đấu và chạy đua cùng thời gian để mùa giải không kết thúc quá muộn, các trận đấu được truyền hình trực tiếp toàn bộ với sự hỗ trợ của các hãng công nghệ để tạo hiệu ứng âm thanh, màu sắc, hình ảnh… theo kiểu hàng fake!

Thứ bóng đá ấy chẳng ai mong muốn, đặc biệt là các đội bóng, khi họ thiệt hại lớn mọi khoản doanh thu, từ tiền bán vé khán giả, nguồn thu từ bản quyền truyền hình, hoạt động thương mại… Báo cáo chính thức từ Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) cho thấy các đội bóng châu Âu thất thu cỡ 4,5 tỉ bảng dù mùa giải vẫn hoàn thành.

Bayern Munich chạm trán Schalke 04 ở vòng đấu mở màn Bundesliga trên sân không khán giaẢ̉nh: Reuters

Bayern Munich chạm trán Schalke 04 ở vòng đấu mở màn Bundesliga trên sân không khán giaẢ̉nh: Reuters

Pháp là một trong những quốc gia cho phép tiến hành mùa giải mới sớm nhất, đồng thời cũng tiên phong trong việc cho phép khán giả trở lại sân với số lượng hạn chế để phòng dịch. Anh rất muốn khán giả trở lại sân, sẵn sàng thử nghiệm cho 1.000 khán giả vào sân và nâng dần lên 25% hoặc 35% số ghế tại các sân bóng. Tuy vậy, do tình hình dịch bệnh phức tạp, chính phủ Anh vẫn chần chừ trong việc cho phép mở cửa sân thi đấu thể thao.

Các CLB tại Anh than thở chừng nào sân vận động vẫn "cửa đóng then cài" hoặc chỉ cho phép 1.000 khán giả vào sân, mỗi đội cầm chắc thất thu 100 triệu bảng mỗi tháng! Ít nhất cho đến hết tháng 9, các trận đấu Giải Ngoại hạng Anh vẫn còn được phát sóng miễn phí trên truyền hình, giải đấu cao nhất nước Anh vẫn đau đầu vì bị người Trung Quốc "xù" tiền bản quyền mùa trước và mới nhất, mỗi đội bóng Ngoại hạng phải cắn răng trích hàng chục triệu bảng "trả lại" cho các nhà đài.

Khó khăn tài chính đè nặng các đội bóng cũng là lý do khiến thị trường chuyển nhượng mùa hè ảm đạm hơn bao giờ hết. Nhà vô địch La Liga Real Madrid không mua về nổi bất cứ cầu thủ nào trong khi mạnh tay "đẩy" gần chục cầu thủ ra đi. Bayern Munich khởi đầu chiến dịch bảo vệ ngôi số 1 Bundesliga với duy nhất tân binh Leroy Sane đã sắm từ lâu. Tương tự, Juventus hầu như chẳng đưa về nổi tân binh nào.

La Liga yêu cầu các đội bóng muốn mua cầu thủ mới phải bán đi người cũ để tránh thua lỗ, cũng là một cách để tất cả trụ vững trên đôi chân của mình. Chiến đấu để cứu bản thân, các giải bóng đá châu Âu phải tự tìm lối thoát từ chính sân chơi của mình.

Đông Linh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/bong-da-chau-au-tro-lai-de-tu-cuu-20200917211444619.htm