Các dự án phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều địa phương đang thực hiện các dự án phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, chậm giải phóng mặt bằng… mà nhiều công trình chưa thể hoàn thiện. Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án để cán đích nông thôn mới hoặc nâng cao tiêu chí nông thôn mới, nhiều giải pháp đang được đề xuất triển khai.

Trường Trung học cơ sở Vạn Thắng đang được xây dựng để xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Phùng Thành

Nhiều dự án chậm tiến độ

Tìm hiểu nguyên nhân nhiều dự án phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chậm tiến độ trên địa bàn thành phố hiện nay, có thể thấy chủ yếu là nguồn vốn được phân bổ thấp, ảnh hưởng đến việc xây dựng nông thôn mới của một số xã. Đơn cử, Vạn Thắng là một trong 6 xã được huyện Ba Vì giao hoàn thành nông thôn mới trong năm 2020 nhưng do tiêu chí trường học chưa đạt, địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ này.

Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Phùng Văn Điền chia sẻ: "Xã Vạn Thắng được đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nhưng đến nay chưa hoàn thành. Các xã Tản Lĩnh, Đồng Thái của huyện Ba Vì cũng phải đợi dự án xây dựng trường học hoàn thiện, mới có thể cán đích xã nông thôn mới".

Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì Nguyễn Ngọc Mạnh lý giải: Do nguồn vốn được phân bổ thấp nên các dự án xây dựng trường học tại các xã Vạn Thắng, Đồng Thái, Tản Lĩnh mới đạt từ 15 đến 35% khối lượng công việc; như dự án xây dựng Trường Mầm non Vạn Thắng có tổng vốn đầu tư 50,895 tỷ đồng, nhưng năm 2020 chỉ được phân bổ 15 tỷ đồng.

Nguồn vốn được phân bổ thấp, việc kêu gọi vốn xã hội hóa để thực hiện các dự án “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng khó khăn càng ảnh hưởng đến việc nâng cao tiêu chí nông thôn mới ở nhiều xã thuộc huyện Quốc Oai. Cụ thể, xã Cấn Hữu mới hoàn thành 4/6 dự án, xã Đại Thành 4/7 dự án…

Theo Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải, 2 dự án còn lại gồm 14 tuyến đường nội đồng, dài từ 100-500m, thực hiện theo phương châm nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, nhân dân đóng góp ngày công lao động (những hộ không trực tiếp lao động thì phải đóng tiền để quy đổi công lao động) và với số tiền nhân dân đóng góp từ 8,5 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng/hộ, cuối tháng 12-2020, xã mới hoàn thành 8/14 tuyến, số tuyến còn lại cần nguồn kinh phí xã hội hóa lớn, việc huy động gặp khó khăn.

Ông Cấn Văn Nam, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu bộc bạch: Đường nội đồng đi qua trang trại của gia đình tôi dài hơn 200m, nhưng kinh phí đóng góp ngày công lao động để làm đường hơn 50 triệu đồng là quá lớn.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế cụm sản xuất tập trung làng nghề Vân Hà (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) kéo dài nhiều năm do còn 28 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Một số dự án đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Nội thực hiện, như: Kè bờ tả sông Đuống đoạn thượng và hạ lưu cầu Đuống (huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh)… cũng trong tình trạng tương tự.

Tập trung tháo gỡ

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, các địa phương, đơn vị đã kiến nghị, đề xuất với UBND thành phố nhiều giải pháp. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì Nguyễn Ngọc Mạnh, huyện đang đề nghị thành phố cấp số kinh phí còn lại để hoàn thiện công trình, giúp các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021. Trưởng phòng Tài chính huyện Quốc Oai Phùng Huy Diễn cho biết: Phòng đã đề nghị các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho các dự án.

Về giải phóng mặt bằng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hoàng Trọng Tùng thông tin: Các dự án do Ban phụ trách đã thực hiện đạt 95% khối lượng công việc. Ban đề xuất UBND thành phố chỉ đạo những địa phương liên quan giải quyết dứt điểm vướng mắc, bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công các dự án. Với nỗ lực cao nhất, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh Chử Việt Anh cho biết, đã kiến nghị UBND huyện cưỡng chế thu hồi đất những trường hợp đã giải quyết đúng quy định nhưng cố tình không chấp hành.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, tại Báo cáo số 364/BC-UBND ngày 7-12-2020 của UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: UBND thành phố sẽ rà soát, xác định cơ cấu đầu tư, thứ tự ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách thành phố và nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện, thị xã. UBND thành phố cũng quyết liệt chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang bị chậm...

Trung Nguyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/986215/cac-du-an-phuc-vu-nong-nghiep-va-xay-dung-nong-thon-moi-quyet-liet-day-nhanh-tien-do