Các đột biến của SARS-CoV-2 có khả năng 'lẩn trốn' tế bào T trên diện rộng

Lây nhiễm tự nhiên virus SARS-CoV-2 và tiêm vaccine ngừa COVID-19 đều tạo ra các kháng thể và tế bào T có khả năng 'vô hiệu hóa' chủng virus này. Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch có được từ các phương thức trên có nguy cơ giảm sút do virus SARS-CoV-2 tiến hóa, dẫn tới xuất hiện những biến thể mới, như biến thể Omicron.

Hình ảnh dưới kính hiển vi từ viện y tế quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phân lập và xuất hiện trên bề mặt tế bào của một bệnh nhân ở Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hình ảnh dưới kính hiển vi từ viện y tế quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phân lập và xuất hiện trên bề mặt tế bào của một bệnh nhân ở Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các phản ứng của tế bào T nhắm vào virus SARS-CoV-2 khá mạnh đối với các đột biến được quan sát thấy ở các biến thể thuộc nhóm Biến thể đáng quan ngại (VOC) hiện nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã ghi nhận hiện tượng mất các phản ứng của tế bào T CD8+ (tế bào miễn dịch dòng lympho có nguồn gốc từ tủy xương) đối với biến thể Omicron ở một số ít bệnh nhân đã bình phục và một số trường hợp đã tiêm vaccine.

Ngoài ra, các đột biến trong một số epitope tế bào T CD8+ đã làm suy yếu phản ứng của tế bào T ở một số trường hợp (epitope là vị trí gắn kết cụ thể của kháng nguyên hoặc miễn dịch với kháng thể). Như vậy, những nghiên cứu này chỉ ra một số khả năng các biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể "trốn thoát" các phản ứng của tế bào T, từ đó làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine cũng như khả năng miễn dịch đạt được sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa xác định được mức độ virus SARS-CoV-2 có thể né tránh các phản ứng của tế bào T CD8+.

Tạp chí Vaccines đã đăng tải một nghiên cứu mới về việc xác định và theo dõi các đột biến trong virus SARS-CoV-2 "tiếp tay" cho việc "trốn" tế bào T CD8+.

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập 753 epitope tế bào T CD8+ kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) và dữ liệu trình tự gien virus SARS-CoV-2. Sau đó, họ xác định được một đột biến epitope từ dữ liệu trình tự đã được xử lý. Các nhà khoa học sử dụng phương pháp dự đoán liên kết peptit – HLA để xác định xem liệu có bất kỳ đột biến epitope nào tác động đến sự gắn kết của epitope với alen HLA cụ thể của nó hay không. Theo đó, họ phát hiện hơn 35.000 đột biến epitope trên các protein cùng 20 epitope tế bào T CD8+ của virus SARS-CoV-2 đã được bảo tồn, song không bao gồm bất kỳ đột biến nào liên quan đến các biến thể đáng quan ngại đã xuất hiện cho đến nay.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy các epitope tế bào T CD8+ không tác động đến liên kết HLA, nhưng khoảng 20% các đột biến epitope làm giảm liên kết HLA.

Trong số 166 đột biến epitope đã được xác định, có 83 đột biến được quan sát thấy từ 5 lần trở lên trong dữ liệu trình tự virus SARS-CoV-2 toàn cầu. Những đột biến này nằm trong epitope tế bào T CD8+ và có thể giúp các đột biến "trốn thoát" khỏi phản ứng của tế bào T. Khoảng 50% trong số này liên quan đến HLA-A * 02: 01, đây là alen HLA phổ biến nhất trên toàn cầu. Cũng trong 83 đột biến epitope, các nhà khoa học xác định được 16 đột biến có nguồn gốc từ protein gai (S). Các đột biến epitope còn lại có nguồn gốc từ các protein khác của virus SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu, 83 đột biến này được coi là có vấn đề, vì chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch tế bào T được tạo ra từ việc tiêm vaccine hoặc sau khi mắc COVID-19. Do đó, các nhà khoa học cho rằng cần sớm thực hiện các nghiên cứu về các epitope này để ngăn chặn sự "lẩn trốn" các phản ứng của tế bào T CD8+.

Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-dot-bien-cua-sarscov2-co-kha-nang-lan-tron-te-bao-t-tren-dien-rong-20220408173330018.htm