Các đơn vị VHNT TPHCM: Chờ cơ chế phù hợp để tự chủ

Theo lộ trình đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014), năm 2020, hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đơn vị văn hóa nghệ thuật (VHNT) vẫn đang chờ đợi những cơ chế phù hợp.

Một cảnh trong vở hát bội Vụ án Lệ Chi Viên

Một cảnh trong vở hát bội Vụ án Lệ Chi Viên

Những đơn vị tiên phong

TPHCM có 8 đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc sự quản lý của Sở VH-TT TPHCM. Mỗi năm, các đơn vị này được cấp ngân sách để trả lương cho cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ và tổ chức các chương trình nghệ thuật theo kế hoạch, phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Trong số này, hiện chỉ có Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TPHCM đạt được chính sách tự chủ. Ông Lê Hữu Luận, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã bắt tay thực hiện công tác tự chủ và đã tự chủ hoàn toàn trong hoạt động tổ chức và hợp tác tổ chức biểu diễn với các đơn vị nghệ thuật, trong đó có chương trình hòa nhạc cuối tuần, Làn điệu phương Nam, Mùa thu mãi mãi, À ố show, chương trình Sân khấu học đường, hoạt động Sân khấu Sen hồng phục vụ thiếu nhi thành phố (liên tục 7 năm), các chương trình phục vụ vùng sâu vùng xa, phục vụ Trường Sa, hợp tác với Galaxy thực hiện bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, biểu diễn ở nước ngoài, các hoạt động xã hội từ thiện…

Tần suất hoạt động của nhà hát hiện trên 450 suất diễn, chủ yếu là những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, sáng đèn mỗi ngày và hoạt động hiệu quả trong quản lý cơ ngơi là Nhà hát Thành phố. Năm 2020, nhà hát cũng đã kín lịch…”. Có được thành quả này là nhờ trung tâm có cơ ngơi Nhà hát Thành phố, hoạt động theo đúng định hướng chỉ đạo của Sở VH-TT, bên cạnh đó, ban giám đốc trung tâm cũng nhanh nhạy trong nắm bắt kịp tình hình, xu thế phát triển của văn hóa xã hội để có những triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án hoạt động và phát triển đơn vị.

Trong khi đó, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM mới tự chủ được một phần. Trung tâm có số lượng biên chế là 27 người, gồm cán bộ chuyên môn, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ. Khi có chương trình, đơn vị sẽ mời các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia theo từng sự kiện, hợp đồng. Việc này giúp giảm chi phí lương hàng tháng, các chương trình được đổi mới liên tục. Trung tâm cũng năng động liên kết, phối hợp tổ chức, cung cấp lực lượng ca sĩ biểu diễn với các đơn vị, đối tác tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành trong các sự kiện, chương trình, lễ hội để tạo nguồn thu.

Số đơn vị nghệ thuật còn lại vẫn chưa có kế hoạch hoặc chưa đủ sức để tự chủ.

Phải có tiêu chí đặc thù

Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) nhiều năm qua tổ chức biểu diễn bán vé có thu đạt hiệu quả. Nhiều chương trình của nhà hát đã tạo được thương hiệu, thu hút khán giả TPHCM và du khách nước ngoài, thường xuyên cháy vé; giúp nhà hát giảm áp lực kinh phí chi trả thù lao cho nghệ sĩ ngoài biên chế nhà nước. Tuy nhiên, doanh thu từ tiền bán vé vẫn chưa thể là nguồn kinh phí dồi dào để HBSO có thể định hướng tự chủ trong hoạt động tổ chức biểu diễn và nuôi quân. Không có nhà hát của riêng mình, HBSO phải thuê mướn sân khấu để nghệ sĩ múa tập luyện, chạy chương trình, biểu diễn.

Sân khấu cải lương tại TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn trong giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật này

Chuyện không “nhà” còn thấy rõ ở các đơn vị khác như Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội, Nhà hát Kịch. Hầu hết địa điểm này đều không có bãi giữ xe cho khán giả. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tuy có cơ ngơi mới xây dựng nhưng lại bị nhiều lỗi thiết kế chuyên môn, không đáp ứng hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, quy mô. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam với sân khấu rạp bạt thiếu hiện đại, rạp Nhân Dân chỉ là nơi phục vụ công tác hành chính… Hiện chỉ còn một vài nhà hát đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn như: Nhà hát Thành phố, Nhà hát Bến Thành (TTVH quận 1), Nhà hát Hòa Bình (TTVH Hòa Bình).

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, tâm tư: “Một khi muốn tổ chức các chương trình mang tính thương mại thì phải có địa điểm tổ chức biểu diễn, có các trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tốt, đủ chuẩn, đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Hiện nay, cơ sở vật chất của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM chưa thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản này”. Ông Sơn mong rằng thành phố có phương châm tự chủ làm sao để các đơn vị hoạt động và phát triển mạnh hơn, nhưng để tự chủ được vẫn rất cần có những điều kiện hỗ trợ kèm theo…

Còn NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, trăn trở: “Chính sách tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp đang áp dụng có những tiêu chí khá đại trà, chưa tính đến những đặc thù riêng. Ví như, bộ môn nghệ thuật nào cần sự hỗ trợ của Nhà nước thì Nhà nước phải giữ, thậm chí phải giữ độc quyền, không thể đưa ra tự chủ. Vì thực tế có những loại hình không đủ điều kiện, khả năng tự chủ, không phù hợp để tự chủ”.
Đã bước sang năm 2020, nhưng xem ra lộ trình tự chủ chưa thể tiến hành và hoàn thiện vì còn vướng mắc quá nhiều.

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Hát bội: “Đến nay, Sở VH-TT TPHCM chưa đặt vấn đề hay có văn bản chỉ đạo gì về việc tự chủ trong hoạt động chuyên môn với nhà hát. Có lẽ, vì hát bội là bộ môn nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, trong hoạt động tổ chức biểu diễn còn vướng mắc quá nhiều khó khăn nên không thể tự chủ. Theo tôi biết, mỗi tỉnh, thành sẽ giữ lại một đơn vị nghệ thuật truyền thống, và TPHCM sẽ giữ lại hát bội và cải lương chăng? Nhưng trong xu hướng chung, TPHCM cũng sẽ phải tiến hành hoạt động tự chủ. Theo lộ trình, các đơn vị nghệ thuật cũng phải từng bước thực hiện”.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cac-don-vi-vhnt-tphcm-cho-co-che-phu-hop-de-tu-chu-638803.html