Các đối tượng không nên dùng chất trám răng chứa thủy ngân

Chất trám răng chứa thủy ngân hay amalgam là chất liệu trám răng bền chắc, đã được sử dụng trong hơn 150 năm, nhưng có thể không an toàn với một số nhóm người nhất định. Mới đây, FDA đã chỉ ra những đối tượng có nguy cơ cao gặp rủi ro khi dùng loại vật liệu trám răng này...

Nguy cơ tiềm ẩn…

Amalgam có chứa một hỗn hợp gồm thủy ngân và các kim loại như bạc, đồng và thiếc, được sử dụng để phục hồi cấu trúc và bề mặt bị mất của răng bị sâu. Nó có thể giải phóng một lượng nhỏ thủy ngân ở dạng hơi (khí), tùy thuộc vào số lượng và tuổi của vật liệu trám răng hiện có cũng như một số thói quen ăn uống và nhai của người sử dụng. Hơi thủy ngân chủ yếu được cơ thể hấp thụ qua đường hô hấp đến phổi. Hít phải hơi thủy ngân có thể có hại, đặc biệt là ở liều lượng cao hơn liều lượng thường thấy khi sử dụng hỗn hợp trám răng nha khoa.

Thủy ngân có thể gây độc thần kinh khi tiếp xúc lâu dài với liều lượng cao. Tuy nhiên, với nồng độ hơi thủy ngân thoát ra từ vật liệu trám răng thấp hơn so với nồng độ thường liên quan đến các dấu hiệu độc tính trên lâm sàng. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với thủy ngân từ hỗn hợp nha khoa dẫn đến những tác động xấu đến sức khỏe nói chung, bao gồm những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm độc thần kinh cũng như một số bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh đa xơ cứng, Alzheimer hay bệnh Parkinson.

Chất trám răng chứa thủy ngân ảnh hưởng đến sức khỏe một số người.

Chất trám răng chứa thủy ngân ảnh hưởng đến sức khỏe một số người.

Những đối tượng nào không nên dùng?

Mặc dù các bằng chứng hiện có không cho thấy việc tiếp xúc với thủy ngân từ vật liệu trám răng dẫn đến các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhưng theo khuyến cáo mới đây của FDA, chất trám răng amalgam có thể gây rủi ro tiềm ẩn đối với một số người có nguy cơ cao. Theo đó, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai; phụ nữ có thai; phụ nữ cho con bú và trẻ sơ sinh; trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi; những người mắc bệnh thần kinh từ trước như bệnh đa xơ cứng, bệnh Alzheimer hoặc bệnh Parkinson; người bị suy giảm chức năng thận và những người có mức độ nhạy cảm cao (dị ứng) với thủy ngân hoặc các thành phần khác của vật liệu trám răng nha khoa... không nên dùng vì tác động có hại cho sức khỏe của hơi thủy ngân thoát ra từ vật liệu trám răng.

Trong hơn 20 năm, FDA đã xem xét các tài liệu khoa học, báo cáo giám sát và tổ chức các cuộc thảo luận công khai về ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng của vật liệu trám răng và hơi thủy ngân liên quan đến vật liệu này, thấy rằng, hỗn hợp này sẽ giải phóng một lượng nhỏ hơi thủy ngân theo thời gian. Mặc dù lượng hơi thủy ngân hít phải ở mức độ thấp thường không gây hại cho hầu hết mọi người, nhưng những người có nguy cơ cao này có thể tăng nguy cơ gặp bất lợi cho sức khỏe. Lượng hơi thoát ra ngoài bao nhiêu còn phụ thuộc vào độ tuổi của miếng trám cũng như thói quen của người đó như nghiến răng.

Sự giải phóng hơi thủy ngân liên quan đến hỗn hợp trám răng nha khoa có thể cao nhất trong quá trình đặt hoặc loại bỏ miếng trám. FDA không khuyến nghị bất kỳ ai loại bỏ hoặc thay thế vật liệu trám amalgam hiện tại trong tình trạng tốt trừ khi được coi là cần thiết về mặt y tế vì việc loại bỏ vật liệu trám amalgam nguyên vẹn có thể gây ra sự gia tăng tạm thời việc tiếp xúc với hơi thủy ngân và làm mất cấu trúc răng khỏe mạnh, có khả năng dẫn đến nhiều rủi ro hơn lợi ích.

Lưu ý đối với người dùng

Nếu bạn là một cá nhân thuộc một trong những nhóm nguy cơ này, FDA khuyến nghị sử dụng các vật liệu thay thế, không chứa thủy ngân như nhựa composite hoặc xi măng ionomer thủy tinh khi có thể và thích hợp.

Cần biết rằng độ bền của bất kỳ ca phục hình (trám) răng nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên cạnh chất liệu trám răng. Để giúp răng và miếng trám được bền lâu nhất có thể, bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, vệ sinh răng miệng đúng cách và khám răng định kỳ.

Bạn nên thảo luận về các lựa chọn điều trị, bao gồm cả những lợi ích và rủi ro liên quan của việc sử dụng vật liệu trám amalgam hoặc vật liệu trám răng không chứa thủy ngân thay thế với nha sĩ của bạn.

Dương Sơn

((Theo FDA, 2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-doi-tuong-khong-nen-dung-chat-tram-rang-chua-thuy-ngan-n182659.html