Các đối thủ cố gắng hạ uy tín vũ khí Nga

Đôi khi, đối thủ dùng những tiểu tiết hòng làm mất uy tín, kìm hãm việc xuất khẩu vũ khí của nhau.

Trong ảnh: đoàn xe chở hệ thống tên lửa chiến thuật “Iskander”-M (Ảnh: Yuri Smityuk / TASS)

Trong ảnh: đoàn xe chở hệ thống tên lửa chiến thuật “Iskander”-M (Ảnh: Yuri Smityuk / TASS)

Hồi kết của cuộc chạy đua vũ trang - cuộc đối đầu chính trị giữa hai hệ thống, chủ yếu là giữa Hoa Kỳ và Liên Xô - được coi là sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang tích cực phát triển tiềm lực phòng thủ và tấn công của họ, vì lợi ích an ninh của quốc gia và để xuất khẩu vũ khí.

Điều này không chỉ quan trọng về vấn đề tiền bạc, mà còn mang lại địa vị chính trị cho những quốc gia có khả năng cung cấp vũ khí. Và ở đây, sự cạnh tranh còn tồi tệ hơn so với những đối đầu trước đây, trong đó có cả việc tìm mọi cách hạ uy tín đối thủ.

Mới đây, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã nói về sự kém hiệu quả của hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật (OTRK) “Iskander” của Nga. Theo cách nói của ông thì tên lửa này chỉ "hiệu quả được có 10 %"

Và sau khi bị phản ứng từ phía Moscow, ông ta vội vàng xin lỗi, vì những tên lửa này thực sự không được sử dụng trong cuộc xung đột Karabakh.

Những lời xin lỗi đã được chấp nhận, nhưng dư âm của phát ngôn thì vẫn còn.

Vì những lời lẽ xúc phạm của ông Nikol Pashinyan về OTRK “Iskander” khiến người ta nhớ tới chuyến thăm Yerevan vào tháng 10 năm 2018 của Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ John Bolton, người đang cố tìm cách "bán" vũ khí Mỹ cho Armenia, đồng thời hạ thấp giá trị của vũ khí Nga mà Armenia hiện có.

Cần lưu ý rằng Armenia hiện là quốc gia duy nhất mà Nga cung cấp các OTRK hiện đại và hiệu quả này. Và ngay sau phát biểu của Thủ tướng Armenia, một số ấn phẩm thông tin, trong đó có cả các ấn phẩm của Nga, đã nói nhiều về “Iskander”,

Trong đó, người ta truyền đi “tin tức” về vụ tên lửa của tổ hợp này bị hệ thống phòng không Barak-8 của Israel, hiện đang phục vụ cho Lực lượng vũ trang Azerbaijan, bắn hạ ở Karabakh. Có ý kiến còn cho rằng “Iskander” không phải là bất khả xâm phạm như những gì Nga đã từng đảm bảo.

Một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumph" của Nga trước khi ký kết và trong quá trình thực hiện hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Người ta tấn công “Triumph” bằng tất cả sức mạnh thông tin của mình, cho rằng nó không hiệu quả, và đưa ra nhiều “chi tiết” khó hiểu khác về hệ thống này.

Trong ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumph" (Ảnh: Sergey Malgavko / TASS)

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã quyết định mua S-400, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ và rất nhiều lời chỉ trích đối với các hệ thống phòng không của Nga, và giờ đây ông còn muốn mua thêm một số tiểu đoàn S-400 nữa.

Rất nhiều hệ thống tên lửa phòng không “Pantsir-S” và “Buk-M2” của Nga được sử dụng trong thực chiến ở Trung Đông (Syria) và Bắc Phi (Libya).

Và vào tháng 5 năm 2018, khi tên lửa Spike của Israel bắn trúng tổ hợp “Pantsir-S” đang phục vụ cho quân đội chính phủ Syria, người ta đã thổi phồng về tính dễ bị tổn thương và vô dụng của tổ hợp này.

Nga không cần biện minh cho “Iskander”, nhưng đã sử dụng thành công chúng trong điều kiện thực chiến ở Syria. Tổ hợp này đã được trình diễn trong Lễ duyệt binh Chiến thắng, diễn ra vào ngày 24 tháng 6 năm 2020 tại căn cứ không quân Khmeimim.

OTRK này đã được sử dụng lần đầu tiên ở Trung Đông từ năm 2017, mặc dù một số người cho rằng nó đã có mặt từ trước đó. Ông Shoigu đã báo cáo chính thức về việc sử dụng tổ hợp này ở Syria.

Ông giải thích việc sử dụng tổ hợp này là do nhu cầu thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu quan trọng của phiến quân cùng với tên lửa hành trình “Kalibr” và một số vũ khí khác.

Sau chuyến thăm Damascus vào cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Yuri Borisov cũng đã có báo cáo về hệ thống tên lửa này. "Hệ thống tên lửa “Iskander-M” của Lực lượng Mặt đất đã xác nhận tính hiệu quả của nó", ông Borisov lưu ý. Đồng thời, theo ông, Nga đã phân tích việc sử dụng các thiết bị quân sự ở Syria, kết quả là "tất cả những thiếu sót được xác định đã được loại bỏ kịp thời".

Hệ thống tên lửa tác chiến “Iskander-M”, theo phân loại của NATO là SS-26 Stone, được thiết kế để chuẩn bị bí mật và thực hiện các cuộc tấn công tên lửa hiệu quả chống lại các mục tiêu quy mô nhỏ và đặc biệt quan trọng nằm sâu trong đội hình tác chiến của lực lượng đối phương.

Mới đây, hệ thống tên lửa phòng không “Pantsir-S” và “Buk-M2” đã đẩy lùi các cuộc không kích của Không quân Israel ở ngoại ô Damascus, khẳng định được uy tín của mình tại Syria.

Máy bay chiến đấu F-16 đã bắn 12 tên lửa dẫn đường từ Cao nguyên Golan vào sân bay quốc tế ở thủ đô Syria. Các tên lửa này đã bị các trắc thủ của Syria sử dụng các tổ hợp của Nga đánh chặn thành công.

Trong ảnh: Hệ thống pháo-tên lửa phòng không “Pantsir-S” (Ảnh: Valery Sharifulin / TASS)

“Nhờ có lực lượng phòng không Syria sử dụng “Pantsir-S” và “Buk-M2”, các tên lửa (của Israel-TG) đã phóng không trúng mục tiêu và đã bị tiêu diệt, khẳng định tính hiệu quả cao của các hệ thống tên lửa phòng không Nga”, người bình luận quân sự của RIA Novosti tại Syria nêu rõ ...

“Buk-M2” đã “ghì” các máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya xuống sát đất sau khi tổ hợp này bắt đầu được Quân đội Quốc gia Libya sử dụng. Chỉ trong vài ngày, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng PNU đã mất hàng chục máy bay không người lái.

Mặc dù vẫn chưa có xác nhận chính thức về việc sử dụng hệ thống tên lửa phòng không “Buk”, nhưng không quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya hiện đang phải rất cảnh giác khi tiến vào vùng tâm hỏa lực của các tổ hợp này của Nga.

Chuyên gia quân sự Boris Dzherelievsky cho biết: “Nga hiện đang cung cấp vũ khí cho 48 quốc gia. – Tuy nhiên, xuất khẩu vũ khí không phải là khoản thu nhập quan trọng nhất trong việc bổ sung ngân sách nhà nước.

Và thị phần của thị trường vũ khí và thiết bị quân sự trong tổng khối lượng thương mại thế giới chiếm một tỷ lệ không đáng kể.

Ngày nay, Nga chủ yếu xuất khẩu dầu mỏ, than đá và khí đốt. Và thậm chí thu nhập từ việc bán lúa mì trên các thị trường thế giới còn vượt quá nguồn cung cấp quân sự (chỉ chiếm 3-5% kim ngạch xuất khẩu).

Nhưng không chỉ có yếu tố thương mại mới quyết định giá trị của việc mua bán vũ khí, khí tài. Xuất khẩu vũ khí là một trong những công cụ trong chính sách đối ngoại quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào. Nhờ nó mà lợi ích của quốc gia xuất khẩu được thúc đẩy trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của các quốc gia khác.

Không phải sự hiện diện của tiểu liên AK ở quốc gia nào cũng có nghĩa là quốc gia đó có thiện cảm đối với Nga, nhưng rõ ràng là việc cung cấp các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga, “Pantsir-S” và “Buk -M2”, cũng như OTRK “Iskander-M”, trong danh sách các sản phẩm được phép xuất khẩu, đã gắn liền với kỳ vọng nhất định về mối quan hệ đồng minh nào đó.

Nguy n Quang (Theo “Bình luận quân sự” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/cac-doi-thu-co-gang-ha-uy-tin-vu-khi-nga-3428759/