Các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư điện khí và khí hóa lỏng tại Việt Nam

Các doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ sẽ chú trọng tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào ngành điện khí và khí hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam, sử dụng các phương pháp tính toán chi phí vòng đời dự án có tính đến tổng chi phí sở hữu, vận hành, duy trì cơ sở hạ tầng, đầu vào nguồn nguyên liệu, chú trọng tránh các tác động môi trường...

Hội thảo chuyên đề “Hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam trong lĩnh vực điện khí và khí hóa lỏng”

Đây cũng là các nội dung được đưa ra tại hội thảo chuyên đề “Hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam trong lĩnh vực điện khí và khí hóa lỏng” tại TP. Hồ Chí Minh sáng nay, 6/12.

Nhu cầu đầu tư lớn

Phát biểu tại hội thảo, bà Mary Tarnowka – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hoa Kỳ đã đưa lĩnh vực hạ tầng năng lượng lên ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động hợp tác phát triển tại Việt Nam và luôn nỗ lực, củng cố thực hiện các cam kết này. Tháng 3/2018 vừa qua, Đại sứ quán đã cùng với Bộ Công Thương đồng chủ trì cuộc đối thoại đầu tiên về an ninh năng lượng tại Hà Nội để thảo luận về việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng của Việt Nam, cải cách cơ chế tính giá điện, khuyến khích đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo.

Ngoài ra, trong thực tế phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục tập trung vào hỗ trợ khu vực tư nhân, chia sẻ ý tưởng, chiến lược và kinh nghiệm thực tiễn..., tất cả nhằm mục đích đảm bảo an ninh năng lượng và sự đa dạng các nguồn cung năng lượng cho Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội – bà Tarnowka nhấn mạnh.

Đưa ra đánh giá quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trước các nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo- Bộ Công Thương cho biết: theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 428/QĐ - TTg tháng 3/2016 (Quy hoạch điện lực VII điều chỉnh), để đáp ứng đủ lượng cầu về điện trong nước, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030 thì sản lượng điện thương phẩm năm 2020 phải đạt khoảng 235 - 245 tỷ kWh; năm 2025 khoảng 352 - 379 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 506 - 559 tỷ kWh. Riêng điện khí hiện đã có một số nhà máy trong quy hoạch như nhà máy Điện khí Sơn Mỹ I (Bình Thuận) có công suất 3 x 750 MW; Sơn Mỹ II cũng có công suất tương tự và nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3, 4 sử dụng nguồn LNG nhập khẩu qua cảng Thị Vải (Bà Rịa Vũng Tàu).

Tuy nhiên, ông Lực chia sẻ, trên thực tế Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng vận hành các dự án kho cảng LNG, khó tìm địa điểm xây dựng kho cảng gần trung tâm phụ tải, giá điện cao nên khó khăn khi tham gia thị trường điện. Ngoài ra, do vốn đầu tư lớn nên nhà đầu tư khó có thể đầu tư đồng bộ cả chuỗi dự án, khó thu hút nhà đầu tư tư nhân nếu không có sự bảo lãnh của Chính phủ... Chính vì thế sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực điện khí của các DN Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh hơn việc hiện thực hóa các quy hoạch phát triển ngành điện khí.

Hiện thực hóa các mục tiêu đầu tư

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink cho biết - những lựa chọn đầu tư của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nền an ninh năng lượng, chất lượng môi trường, và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của mình cho đến các thế hệ sau. Vì thế, cộng đồng DN và chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu của mình.

Các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Hoa Kỳ như AES, Tập đoàn Phát triển đường ống khí đốt Alaska, Cheniere, Energy Capital Vietnam, Excelerate Energy, ExxonMobil... đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất trong việc đầu tư khai thác các nguồn khí hóa lỏng. Một số nhà đầu tư hiện cũng đã có kế hoạch thực hiện dự án tại Việt Nam như Ennergy Capital Vietnam hiện muốn đầu tư Nhà máy khí điện LNG 92.000 tỷ đồng tại Quảng Nam. Trước đó, vào tháng 5/2018 Ennergy Capital Vietnam cũng đã ký biên bản ghi nhớ dự án điện khí LNG với UBND tỉnh Bạc Liêu với số vốn đầu tư "khủng": 91.400 tỷ đồng. Dự án có tổng công suất lên đến 3.200 MW trên diện tích khoảng 100 ha, được chia ra làm 3 giai đoạn đầu tư từ đây cho đến năm 2027.

Ông Ian Steff, quyền Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ phụ trách lĩnh vực sản xuất cũng đặc biệt khuyến khích các các nhà đầu tư Hoa Kỳ lập kế hoạch đầu tư phát triển ngành năng lượng Việt Nam, sử dụng các phương pháp tính toán chi phí vòng đời dự án có tính đến tổng chi phí sở hữu, vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng trong suốt vòng đời, bao gồm cả đầu vào hữu hình như nguồn nguyên liệu và đầu ra vô hình như tác động môi trường.

Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1957, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia xuất khẩu ròng LNG và sẽ trở thành một trong những nhà xuất khẩu khí LNG lớn nhất thế giới trong những năm sắp tới. Các công ty năng lượng Hoa Kỳ đang phối hợp với các đối tác trong nước để xúc tiến các hợp đồng nhiên liệu lớn cho khí LNG và phát triển năng lực điện khí của Việt Nam - ông Ian Steff cho biết thêm.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-doanh-nghiep-hoa-ky-quan-tam-dau-tu-dien-khi-va-khi-hoa-long-tai-viet-nam-112982.html