Các điều kiện cần cho chiến lược 'Make in Vietnam'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 9-5-2019 đã dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ. Diễn đàn có chủ đề 'Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường' và với khẩu hiệu hành động 'Make in Vietnam'.

Đã có nhiều bài viết nói về khái niệm của công nghiệp 4.0. Bài viết này xin nhắc lại hai điều căn bản của nền công nghiệp này, đó là: công nghiệp kết nối với công nghệ cốt lõi là dữ liệu lớn (Big Data) và trí thông minh nhân tạo (AI).

Khái niệm về công nghệ 4.0 lần đầu tiên gợi ý về một sự kết nối nhờ điện toán để sản xuất, có thể nói là tự động hóa tuyệt đối. Nhanh chóng, khái niệm này được sử dụng trên thế giới với ý nghĩa là sự kết nối rộng khắp, kết nối các vùng địa lý khác nhau, các chuyên ngành khác nhau, các nhóm người khác nhau... với tốc độ cao. Có thể nói đặc trưng và điều kiện của nền công nghiệp 4.0 là kết nối.

Điều kiện vật chất của kết nối

Công nghiệp 4.0 có tính kết nối trên nền công nghiệp 3.0 với các sản phẩm đặc trưng là vệ tinh, máy tính, điện thoại di động, Internet... Việt Nam đang ở giai đoạn nào của nền công nghiệp 3.0? Ngoại trừ vài cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đậm tính lắp ráp và kết nối với công ty mẹ bên ngoài, Việt Nam còn có cơ sở sản xuất nào như vậy không? Còn có cơ quan nghiên cứu nào như vậy không? Những cơ sở sản xuất hay nghiên cứu đó có cơ sở nào có nhu cầu kết nối không?

Chúng ta từng nghe về những cơ sở nghiên cứu cùng địa phương, cùng ngành hoặc những đề tài nghiên cứu gần gũi mà không kết nối được, hay không muốn kết nối với nhau gây lãng phí rất lớn. Các cơ sở sản xuất cũng vậy. Sự kết nối giữa nghiên cứu và doanh nghiệp rất yếu ớt, mong manh. Đó là chưa nói tới những cơ sở này vừa nhỏ bé, vừa manh mún... Nhỏ bé và manh mún thì kết nối được với ai? Ai chịu kết nối?

Điều kiện ý thức của kết nối

Một bộ máy liêm chính, phụng sự và chuyên môn giỏi hỗ trợ cho doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh chóng và bền vững.

Tri thức là điều kiện hàng đầu. Tầm nhìn và hiểu biết rộng về nền công nghiệp thế giới, về vị trí của công nghiệp Việt Nam trong nền công nghiệp khu vực và thế giới... là cần thiết để hiểu rằng sự kết nối là nhu cầu tất yếu của nền công nghiệp hiện nay. Hiểu biết đó mở rộng tầm mắt, đưa con người hội nhập vào thế giới rộng rãi, giảm đi tâm lý tủn mủn đáy giếng, ao làng.

Chỉ có tri thức mới xác định được trên dây chuyền giá trị trong thời đại kết nối, đâu là vị trí thích hợp nhất, có lợi nhất của đất nước, của nền công nghiệp, của doanh nghiệp...

Chỉ có hiểu biết đó mới có quyết tâm thúc đẩy, tổ chức kết nối. Không có hiểu biết thì kêu gọi nào cũng chỉ là ngôn từ hời hợt bên ngoài và bị các mục tiêu khác xóa nhòa đi!

Điều kiện chính quyền

Chúng ta không thể bỏ qua một giai đoạn phát triển nào trong quá trình tiến tới 4.0, mà chỉ có thể thúc đẩy nhanh hơn thôi. Chúng ta cũng không thể kết nối khi trình độ xã hội và nhu cầu xã hội chưa có. Trong khi hoài bão công nghiệp 4.0 cho đất nước, trong khi tiến hành một vài dự án mũi nhọn, Việt Nam cần chuẩn bị cho nền công nghiệp căn bản của mình, tức chuẩn bị nguyên liệu cho quá trình tiến tới 4.0.

Trước hết là công nghiệp sản xuất, công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa thể cung cấp cho các công ty sản xuất FDI, mà trường hợp Samsung là một ví dụ. Tuy nhiên, người viết không tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam không làm được điều đó. Vấn đề là sản phẩm làm ra có cạnh tranh được không, tức là khiến cho giá bán trên chất lượng hấp dẫn nhất. Điều này được thực hiện tốt hơn ở khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải khu vực kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng cạnh tranh. Tuy nhiên họ chưa có những điều kiện khiến giá thành sản xuất thấp. Ví dụ, họ không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, chịu nhiều chi phí có hóa đơn và không hóa đơn cao, chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng từ những công ty sân sau...

Phải chăng điều kiện kinh doanh Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp thích nhập hàng về bán thay vì sản xuất, khiến nền sản xuất trong nước co cụm lại? Nếu câu trả lời là đúng thì việc đầu tiên cần làm là có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đồng thời, cấm triệt để các doanh nghiệp sân sau, bởi chính các doanh nghiệp này chèn chết các doanh nghiệp chân chính, nghĩa là chèn chết cả nền công nghiệp Việt Nam.

Điều kiện tiếp theo là cải tổ bộ máy công quyền. Trên thực tế bộ máy công quyền hiện nay có nhiều tính cai trị, cần chuyển đổi nó sang bộ máy phụng sự. Sự cải tổ cần đồng bộ từ khâu tuyển dụng tới khâu vận hành bộ máy. Cần tăng cường tính dân chủ trong khâu tuyển dụng, từ tính minh bạch, công bằng cơ hội tiếp cận các vị trí cho tới yêu cầu tuyển dụng. Yêu cầu năng lực phụng sự, năng lực chuyên môn và đạo đức đạt mục tiêu, độc lập với khuynh hướng chính trị, tôn giáo... Một bộ máy liêm chính, phụng sự và chuyên môn giỏi hỗ trợ cho doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh chóng và bền vững.

Có các điều kiện nói trên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ tự thân nhanh chóng bắt kịp lân bang, trước mắt là cạnh tranh hiệu quả trên sân nhà, sau đó vươn ra thế giới... Nền công nghiệp 4.0 không mời cũng sẽ tự tới với Việt Nam.

Lê Học Lãnh Vân

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288806/cac-dieu-kien-can-cho-chien-luoc-make-in-vietnam.html