Các 'điểm nóng' song phương bên lề Hội nghị APEC

Bên cạnh những hoạt động chính thức trong chương trình nghị sự, Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc gặp song phương giữa các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới cùng thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực, đồng thời bàn tới các hồ sơ 'nóng' mà các bên quan tâm.

Ảnh: Thenation

Ảnh: Thenation

Bên lề các sự kiện chính thức của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nguyên thủ các quốc gia và lãnh đạo các nền kinh tế thế giới được cho sẽ gặp nhau trong nhiều cuộc gặp song phương.

Cuộc gặp song phương được giới quan sát chờ đợi nhất có lẽ sẽ là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin. Sở dĩ cuộc gặp song phương này được chờ đợi là do mối quan hệ phức tạp "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa hai cường quốc này sau một loạt các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016, cũng như một loạt các động thái đáp trả ngoại giao giữa hai bên sau khi ông Trump thông qua lệnh tiếp tục trừng phạt Nga.

Ngoài ra, hồ sơ "nóng" hạt nhân Triều Tiên vốn chi phối toàn bộ chuyến thăm châu Á 12 ngày của ông Trump, được dự kiện sẽ bao trùm cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin.

Thực tế, từ khi ông Trump lên nắm quyền, Washingon thường xuyên cáo buộc Moscow, vốn là đồng minh của Bình Nhưỡng, phải có nhiều trách nhiệm hơn trong việc ép nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán.

Bên cạnh đó, có một cuộc gặp khác cũng thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế đó là cuộc gặp song phương giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Trump trong một bài viết trên Twitter ngày 8/11 đã nói rằng, ông rất kỳ vọng sẽ gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình-người vừa giành được chiến thắng chính trị tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Điều đó cho thấy, cuộc gặp song phương giữa ông Trump và ông Tập hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đột phá trong quan hệ giữa hai nước, cũng như những vấn đề giữa hai nước có ảnh hưởng tới toàn cầu.

Bởi trước kia vào năm 2014 khi Hội nghị APEC được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cũng chính cuộc gặp bên lề Hội nghị, hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung-Mỹ đã đạt được Thỏa thuận lịch sử về cắt giảm khí thải, đối phó biến đổi khí hậu.

Ông Trump và ông Tập được cho là sẽ có nhiều thảo luận về các vấn đề khu vực và thế giới trong đó có các vấn đề về quan hệ nước lớn kiểu mới, trật tự châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của hai cường quốc này trong các vấn đề khu vực và thế giới.

Ngoài ra, ông Trump được dự báo sẽ có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong đó, hai bên sẽ bàn thảo nhiều vấn đề về an ninh khu vực cũng như những vấn đề về quan hệ đồng minh song phương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho sẽ có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trước đó, tại Hội nghị APEC 2015 tại Philippines, các chủ đề địa chính trị như tranh chấp biển đã được giới báo chí rất quan tâm. Trong đó, dư luận đã theo từng cử chỉ, lời nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Philippines Benigno Aquino III để tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy tình trạng quan hệ hai nước.

Theo các chuyên gia phân tích, ngoài những sự kiện chính thức, Tuần lễ APEC tại Đà Nẵng sẽ diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo. Trong các cuộc tiếp xúc song phương này, các nguyên thể thế giới chắc chắn sẽ tận dụng mọi cơ hội có được để tìm kiếm các thỏa thuận và giải quyết những vấn đề riêng tư. Trong đó, sẽ có không ít các chủ đề và vấn đề ảnh hưởng tới khu vực và thế giới.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, Hội nghị cấp cao APEC năm nay có sự tham gia của lãnh đạo nhiều quốc gia, đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đặc biệt, sẽ diễn ra các cuộc tiếp xúc song phương giữa các nguyên thủ hàng đầu thế giới. Điều đó, giúp làm nổi bật vai trò và vị thế của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế đang biến chuyển đáng kể.

Việt Nam đang không chỉ là một nhân tố quan trọng trong khu vực mà còn trên trường quốc tế-nơi có thể diễn ra các cuộc gặp thượng đỉnh song phương có vai trò quan trọng đối với khu vực và thế giới.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian vài ngày ngắn ngủi có mặt tại Việt Nam, cuộc gặp bên lề giữa các nguyên thủ quốc gia trên mức độ nhất định có thể giúp định hình hàng loạt chính sách trên nhiều lĩnh vực và thậm chí là "số phận" các điểm nóng quốc tế.

Đức Thức

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/cac-diem-nong-song-phuong-ben-le-hoi-nghi-apec-1205974.tpo