Các điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc: Doanh thu nghìn tỉ, nộp thuế 936 triệu đồng

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới được ngành thuế tiết lộ: Khoảng 15 điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại Hạ Long có doanh thu cực khủng năm 2017 nhưng chỉ đóng tổng cộng 936 triệu đồng tiền thuế.

Khách Trung Quốc chen chúc đợi đi thăm hang Luồn, vịnh Hạ Long. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Với 600.000 khách/năm, với giá tối thiểu khoảng 3 triệu đồng cho tour 3 đêm, 4 ngày/khách thì tổng số tiền ít nhất cũng lên tới 1.800 tỉ đồng. Vậy, doanh thu 1.800 tỉ đồng nhưng chỉ nộp thuế 936 triệu đồng, liệu có hợp lý? Chưa kể, trong thực tế, số tiền thu về còn lớn gấp đó nhiều lần, bởi chẳng ai kinh doanh hòa vốn mãi để đưa 600.000 khách sang Việt Nam rong chơi 3 ngày, 4 đêm, và chắc cũng chẳng ai dại gì miễn phí đưa du khách đi chơi khi áp giá tour bằng 0 đồng.

Ngỡ ngàng số thuế nộp

Những ngày gần đây, lượng du khách đường bộ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng mạnh, khiến dư luận đặt câu hỏi: “tour 0 đồng” trở lại? Thực tế, “tour 0 đồng” chỉ dừng rất ít ngày khi các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc bị tạm đóng cửa, khiến nguồn nuôi dưỡng tour này bị cắt đứt, buộc tour phải trở về giá thật mới đủ trang trải.

Hiện, không những giá tour xuống 0 đồng, mà ai muốn nhận khách còn phải trả các đối tác Trung Quốc từ 100-200 NDT/khách. Trong khi đó, giá tối thiểu cho một tour 3 đêm, 4 ngày/khách là khoảng 3 triệu đồng.

Với 600.000 lượt khách Trung Quốc vào du lịch Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái năm 2017, chi phí tối thiểu để du khách ăn, ngủ, nghỉ, đi lại… đã lên tới 1.800 tỉ đồng. Trước đây, ngành thuế còn thu được chút ít từ số tiền khổng lồ trên do các Cty lữ hành có trụ sở tại Quảng Ninh bị áp giá sàn 1,5 triệu đồng/khách/tour để tính thuế. Tuy nhiên, đến nay thì cơ bản thất thu trắng bởi các Cty có trụ sở tại Quảng Ninh “biến mất” hoàn toàn, trong khi các Cty ngoại tỉnh không bị áp giá sàn và muốn khai báo gì thì tùy.

Có một số dịch vụ mà đối tác hai bên tìm cách kiếm lời để bù lỗ, nhưng cơ bản đến nay vẫn dựa chủ yếu vào các điểm bán hàng, với giá “cắt cổ” và nhiều thủ đoạn trong mua-bán.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã tiếp cận được những bản thanh toán nội bộ, trong đó có những hóa đơn lên tới 300-400 triệu đồng/đoàn. Trong khi đó, không ít những điểm bán hàng có ngày đón hàng chục đoàn khách, với doanh thu lên 3-4 tỉ/ngày/một điểm bán hàng.

Không có con số chính thức về tổng doanh thu của các cửa hàng, bởi đến giờ, các cơ quan chức năng vẫn lúng túng, nhưng những người trong nghề cho rằng con số phải lên đến hàng nghìn tỉ đồng và vượt xa số chi tối thiểu 1.800 tỉ cho 600.000 khách đi du lịch.

Tuy nhiên, theo Cục thuế tỉnh Quảng Ninh, tổng số tiền thuế mà khoảng 15 điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại TP.Hạ Long nộp năm 2017 chỉ là… 936 triệu đồng. Đem con số này hỏi các cơ quan chức năng khác và đại diện các Cty lữ hành, chúng tôi chỉ nhận được cái cười khẩy, bởi mức đó là quá thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với số tiền nộp thuế của một DN vừa và nhỏ, có doanh thu không lớn.

Nộp bao nhiêu thì tùy!

Cũng theo Cục thuế tỉnh Quảng Ninh, tính từ tháng 1 đến 20.3.2018, các cửa hàng trên nộp tổng số thuế là 687 triệu đồng, trong khi 3 tháng cùng kỳ năm 2017 chỉ là 148 triệu. Mức tăng này có được là do sức ép của việc các lực lượng liên ngành của tỉnh và TP.Hạ Long đang tiến hành giám sát, khảo sát trực tiếp tại các điểm bán hàng. Với đà này, về lý thuyết, dự kiến tổng số thuế 15 điểm bán hàng trên, nộp năm 2018 là khoảng 2,7 tỉ đồng - chỉ là “muỗi” so với mức doanh thu cực “khủng” của các điểm bán hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Bột - Phó Cục trưởng Cục thuế Quảng Ninh - hiện, tất cả các điểm bán hàng đều tự khai, tự nộp - nghĩa là khai bao nhiêu thì tùy. Và, kết quả các đợt khảo sát do các đoàn liên ngành gửi về Cục thuế cho thấy, số thuế tự khai thấp hơn vài lần so với thực tế thu.

Ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - cho biết: thành phố quyết tâm khảo sát để cho ngành thuế thấy mức thất thu như thế nào? còn việc xử lý ra sao thì thành phố không có chức năng.

Trao đổi với Lao Động, đại diện một số cơ quan tham gia đoàn liên ngành cho rằng, kết quả khảo sát cũng chưa đánh giá được hết bởi mức thu còn lớn hơn nhiều do không thể kiểm soát được các hoạt động mua-bán, thanh quyết toán. Hiện, tất cả các cửa hàng đều lắp hệ thống thanh toán điện tử, nhưng nếu thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua điện thoại thì cơ quan chức năng cũng “bó tay”.

Dẫu vậy, theo ông Bột, kết quả khảo sát không phải là để xử lý các cửa hàng, mà chỉ là căn cứ nhắc nhở các chủ cửa hàng khai lại mức thuế phải nộp cho phù hợp. Có nghĩa là khai bao nhiêu thì vẫn là quyền và sự tùy tâm của các chủ cửa hàng.

Tour “0 đồng” không có lỗi, nhưng do quản lý yếu kém nên không những bị thất thu thuế rất lớn mà còn để lại những hệ lụy không nhỏ, trong đó đang “tiếp tay” biến Hạ Long ngày càng thành một điểm đến giá rẻ.

NGUYỄN HÙNG

Nguồn PLO: https://laodong.vn/du-lich/cac-diem-ban-hang-cho-du-khach-trung-quoc-doanh-thu-nghin-ti-nop-thue-936-trieu-dong-597653.ldo