Các địa phương vào cuộc, mạnh tay chặn 'cơn sốt ảo' bất động sản

Ngay sau khi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị các địa phương công khai thông tin quy hoạch, nhiều tỉnh và thành phố đã gấp rút vào cuộc cắt 'cơn sốt đất ảo.'

Một khu đất trên trục đường chính liên xã An Khương-Tân Lợi đang được giới 'cò' san ủi để phân lô bán nền. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Một khu đất trên trục đường chính liên xã An Khương-Tân Lợi đang được giới 'cò' san ủi để phân lô bán nền. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Thời gian qua, giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước đã được các “cò” đất “thổi” giá, gây nên hiện tượng “sốt ảo” đất nền, nhiễu thị trường, ảnh hưởng đến việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội và quá trình triển khai các dự án đầu tư.

Để ngăn tình trạng trên, mới đây, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố công khai thông tin quy hoạch, chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất. Trên cơ sở đó, nhiều tỉnh, thành phố đã gấp rút vào cuộc cắt “cơn sốt đất ảo,” thậm chí mạnh tay kéo giá đất xuống.

Nhận diện nguyên nhân gây “sốt đất ảo”

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, các địa phương xảy ra hiện tượng “sốt đất ảo” thời gian gần đây, có thể kể đến như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bình Phước, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Dương…

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng giá đất tăng ảo trong thời gian qua được giới chuyên gia chỉ ra là do một số địa phương thực hiện quy hoạch mới, có thay đổi về đơn vị hành chính như hệ thống sân bay, hệ thống giao thông, hay việc chuyển đổi từ huyện thành quận như Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), quy hoạch đô thị hai bên Sông Hồng...; nhất là việc chuyển dịch nguồn vốn đầu tư của người dân vào bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng do kênh đầu tư gửi ngân hàng giảm lãi suất.

Ngoài ra, với thành tựu nổi bật trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng đã tạo được hình ảnh đẹp trong suy nghĩ của các nhà đầu tư, du khách quốc tế, trở thành điểm đến an toàn; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do dẫn tới có luồng dịch chuyển các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Trong khi đó, quỹ đất có thể mở rộng phát triển khu công nghiệp ở các địa phương chưa mở rộng còn nhiều, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ... có thể giúp thị trường bất động sản công nghiệp trở thành “điểm sáng” trong năm 2021.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan kể trên, một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến, đó là hiện tượng đầu cơ về đất đai, “cò” đất gây nhiễu thông tin xuất hiện ngày càng nhiều nhằm trục lợi bất chính; nhất là ở các khu vực chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng công trình hạ tầng, mở rộng đô thị, các siêu dự án hạ tầng giao thông lớn,... liên tiếp bị “thổi” giá đất lên cao để kiếm lời.

Thực tế trên phổ biến tới mức, chỉ cần gõ vào google dòng chữ “sốt đất ảo” trong vòng 0,42 giây đã cho ra con số gần 7 triệu kết quả. Và nguyên nhân của cơn sốt ấy nhanh chóng được google chỉ ra với hơn 8,7 triệu kết quả chỉ trong 0,47 giây.

Thực tế trên cho thấy thị trường đất dự án, đất nền xung quanh các khu công nghiệp,… có sức hút cực kỳ hấp dẫn. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, bất động sản cũng là lĩnh vực được xem như “canh bạc hên xui,” khiến nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lách luật để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Đề xuất đánh thuế, công khai quy hoạch

Trước thực trạng “sốt đất ảo” và “thổi giá đất” nêu trên, mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương. Ngoài ra, các địa phương sẽ phải công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...

Ảnh minh họa. (Nguồn: K GƯỈH/TTXVN)

Đối với việc quản lý thị trường giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, trên cơ sở đó bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm những quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất cũng như giá bất động sản nói chung; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/5/2021.

Trên cơ sở ý kiến đề nghị của các bộ, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chuyên môn công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, thành phố Đà Nẵng cũng vừa ban hành chủ trương về điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí trong bảng giá đất chu kỳ 2020-2024. Cụ thể, giá đất thương mại dịch vụ điều chỉnh từ 80% thành 70% (giảm 10% so với hiện nay). Giá đất sản xuất kinh doanh điều chỉnh từ 60% thành 50% (giảm 10% so với hiện nay).

Theo thành phố Đà Nẵng, việc điều chỉnh giảm giá đất nêu trên sẽ tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho nhà đầu tư…

Về lâu dài, một số chuyên gia bất động sản cũng kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tránh đầu cơ đất như đánh thuế cao vào người có nhiều bất động sản hoặc bất động sản bỏ hoang.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cân nhắc giảm thuế, giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp như sửa đổi quy định về thu tiền thuê đất theo hướng trong trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thể thay đổi hệ số thu tiền thuê đất cho các doanh nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm triển khai dự án bất động sản./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-dia-phuong-vao-cuoc-manh-tay-chan-con-sot-ao-bat-dong-san/704965.vnp