Các địa phương ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ

Ngày 1-11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 1659/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lũ, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội nghị Cấp cao APEC.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cần rút kinh nghiệm từ trận bão Linda (2-11-1997), huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với ATNĐ, nhất là chủ động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện, tàu, thuyền và các hoạt động trên biển, trên sông, kênh rạch, đặc biệt lưu ý tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, cũng như người dân.

Ví trí, hướng di chuyển của 2 áp thấp nhiệt đới ngày 1-11.

Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT)-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (UPSCTT&TKCN) và các bộ, ngành liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại. Các địa phương, khu vực ảnh hưởng mưa lũ (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên) và khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của ATNĐ và mưa lũ trong những ngày tới (từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và ATNĐ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ: Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tàu, thuyền và các hoạt động trên biển (rà soát, kiểm đếm tàu, thuyền, phương tiện; thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu, căn cứ diễn biến của bão và thực tế tại địa phương quyết định việc cấm tàu, thuyền ra khơi)... Triển khai phương án phòng, chống ngập úng các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản; bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết; rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường... (ĐIỆP HÀ)

Không chủ quan trước loại hình thiên tai tổng hợp

Trước diễn biến phức tạp của hai cơn ATNĐ (ATNĐ, ATNĐ gần Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão), sáng 1-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức cuộc họp nhằm bàn giải pháp ứng phó.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho rằng: Đối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng dễ bị tổn thương do thiên tai, do người dân có tập quán sống ven sông, rạch... Vì thế, các cấp chính quyền địa phương và người dân không được chủ quan. Bài học về cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997 một cơn bão không quá mạnh (bão cấp 10) nhưng đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh khu vực ĐBSCL với khoảng 3.000 người chết, mất tích và hàng nghìn tàu, thuyền bị chìm. (PHÚC THÁI)

Tàu thuyền vào khu neo đậu tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THANH NAM

Quân đội sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó, giúp dân

Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã có Điện 55/TK đề nghị BTL các quân khu: 5, 7, 9; Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát Biển thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện của đơn vị đang hoạt động trên biển; duy trì chế độ trực, nắm chắc tình hình; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Trong ngày, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo và hướng dẫn cho 69.260 phương tiện với 344.657 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển, phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn. Công tác TKCN trên biển được các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển triển khai tích cực, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra....(XUÂN DÂN)

Các địa phương triển khai ứng phó

Ngày 1-11, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển vùng ĐBSCL cho biết, hiện địa phương đang tích cực chủ động ứng phó với ATNĐ đang có nguy cơ đổ bộ vào khu vực, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tỉnh Bến Tre vừa gửi công điện đến các sở, ban ngành, địa phương, nhất là 3 huyện vùng biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại sẵn sàng ứng phó với thời tiết xấu. Trong số 4.000 tàu đánh bắt, hơn 1.400 tàu với 8.700 ngư dân đã vào khu neo đậu. Riêng 46.000ha nuôi trồng thủy sản ven biển, tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bảo vệ tài sản người dân, đề phòng kịch bản xấu triều cường kết hợp mưa to gây nước dâng 4-4,5m.

Tại tỉnh Cà Mau, hiện nay, công tác kêu gọi tàu, thuyền vào tránh trú đang được triển khai gấp rút. Phần lớn các tàu đã vào bờ neo đậu an toàn. Tuy nhiên vẫn còn 464 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt; trong đó 473 tàu đánh bắt xa bờ, với khoảng 2.500 ngư dân, hơn 100 tàu chưa thể liên lạc được. Địa phương cũng đã cấm tuyệt đối không cho các tàu, thuyền ra khơi đánh bắt. Công tác kêu gọi tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn và sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở được ưu tiên hàng đầu. (THÚY AN)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cac-dia-phuong-ung-pho-khan-cap-voi-ap-thap-nhiet-doi-mua-lu-522373