Các địa phương triển khai bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán

Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chỉ còn hơn 1 tháng, đây là thời điểm mà các đối tượng chuyên vận chuyển các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn đi tiêu thụ.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019.

Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra ATTP

Trong dịp Tết, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.

Các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…

Ngoài bảo đảm ATTP trong dịp Tết, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là làm thế nào để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học, đặc biệt là bếp ăn công nghiệp cung cấp bữa ăn cho công nhân.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP thành phố Hà Nội, Hà Nội luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm ATTP.

Hà Nội kiểm tra công tác ATTP trước Tết Nguyên đán 2020

Nội dung tuyên truyền được đẩy mạnh và bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung vào các quy định của pháp luật về ATTP; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về ATTP mới được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung... Nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Đồng thời thành phố cũng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị…

Đẩy mạnh phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh.

Lãnh đạo Chi cục ATTP Nam Định đi kiểm tra ATTP trên địa bàn

Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATTP xuống các thôn, xã. Trong đó, 3 nhóm giải pháp chính là phổ biến và quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư, thông tư và kế hoạch của Tỉnh ủy về công tác ATTP đến tất cả các chi bộ thôn, xóm; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn ATTP cho tuyến xã, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP quan tâm công tác đảm bảo ATTP đối với sản phẩm tại nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về ATTP và xã hội hóa công tác ATTP.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, sản lượng thịt lợn trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thịt hơi các loại toàn tỉnh. Để đảm bảo nguồn cung và chất lượng thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán trong tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn có khả năng quay trở lại, tỉnh đang có phương án phòng chống dịch tả lợn châu Phi để bảo vệ đàn lợn.

Hiện nay, giá thịt lợn đang có những biến động về giá rất lớn, nhiều đối tượng vận chuyển lợn nhiễm bệnh này đi các địa phương tiêu thụ, chính vì vậy, công tác kiểm soát rất cần được thực hiện một cách nghiêm túc, gắt gao để bảo đảm thịt lợn không đảm bảo ATTP ra thị trường.

Ông Trần Ngọc Thực, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) tỉnh Bắc Ninh, cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn" giai đoạn 2020 - 2021. Kế hoạch đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, phấn đấu đến hết năm 2020 đảm bảo có đủ nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến xã.

Bắc Ninh chủ động trong công tác kiểm tra ATTP

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng 6 nhóm giải pháp nhiệm vụ chủ yếu về nguồn nhân lực, thông tin giáo dục truyền thông, nhóm giải pháp về quản lý cơ sở, về công tác thanh tra, kiểm tra.

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý không còn nhiều, vì vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra và kiểm soát việc vận chuyển các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đi tiêu thụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy, sức khỏe của người dân mới được bảo đảm.

Ngọc Thủy Tổng hợp

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/cac-dia-phuong-trien-khai-bao-dam-attp-dip-tet-nguyen-dan-post32266.html