Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 5

Nhằm đưa ra các biện pháp kịp thời cho công tác khắc phục hậu quả bão số 5 và ứng phó mưa lũ sau bão, sáng 31-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tới dự và chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương ứng phó bão số 5, các địa phương đã tổ chức sơ tán dân tại các vùng có nguy cơ rủi ro với tổng số 5.888 hộ với 19.803 người; di dời, gia cố 2.462 lồng bè với 9.278 lao động vào nơi an toàn; thông báo cho các khách du lịch trên các đảo, khu vực ven bờ biết diễn biến của bão, trong đó khách sạn trên đảo Vạn Ninh (Khánh Hòa) ngừng hoạt động. Tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học. Di dời 29 hộ tại khu vực nguy cơ sạt lở ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

 Quang cảnh cuộc họp sáng 31-10.

Quang cảnh cuộc họp sáng 31-10.

Thiệt hại ban đầu do bão số 5 gây ra đã khiến 2 người bị thương (Quảng Ngãi); tại Bình Định 7 tàu vận tải với 70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi, tính đến 2h30 ngày 31-10 còn 1 tàu bị mắc cạn, 1 tàu thả trôi và hiện vẫn giữ liên lạc, 5 tàu đã khắc phục đảm bảo an toàn. Ngoài ra, 70 tàu cá (tàu gỗ) loại vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, bị dồn xô, va đập, trong đó có 1 tàu với 3 người đã được cảng vụ cứu hộ an toàn về người.

Bão số 5 cũng khiến hệ thống điện ở một số địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện, trong đó 1 đường dây 220KV và 9 đường dây 110KV (đã khắc phục xong sự cố 220KV và 3 đường dây 110KV); 900.000 hộ bị mất điện (đã khôi phục 150.000 hộ). Thiệt hại do bão số 5 gây ra ước tính tại tỉnh Bình Định khoảng 400 tỷ đồng.

Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Dự kiến trong ngày 31-10, tỉnh Phú Yên sẽ khắc phục xong hệ thống lưới điện, đồng thời cử người canh gác, ứng trực tại các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phát biểu: Để ứng phó bão số 5, Bộ Quốc phòng đã huy động 254.000 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội và dân quân tự vệ) và 2.358 phương tiện các loại, 4 máy trực thăng... Hiện Bộ Quốc phòng đã điều hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn xung yếu sẵn sàng giúp dân ứng phó thiên tai.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho hay: Hoàn lưu bão số 5 kết hợp với nhiễu động gió Đông ở trên cao sẽ tiếp tục gây mưa Bình Định- Phú Yên ngày 1 và 2-11, với lượng mưa từ 100-150 mm. Hình thái thời tiết này tiếp tục gây mưa mở rộng ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này rất cao. Ngoài ra, từ nay đến 5-11, dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống phía Nam, dự báo tiếp tục gây mưa cho các địa phương này, có khả năng sẽ hình thành áp thấp nhiệt đới, bão.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận xét công tác ứng phó bão số 5 được các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thực hiện khá tốt, đặc biệt là lực lượng vũ trang nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cần tổ chức đánh giá những việc đã làm được, làm tốt đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót công tác ứng phó bão số 5 vừa qua để rút kinh nghiệm. Đối với các công trình, kè, đê xung yếu bị hư hỏng cần tập trung sửa chữa. Riêng đối với các hồ chứa (hồ thủy lợi, hồ thủy điện) các địa phương phải phối hợp với Bộ Công thương, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn cho hồ và vùng hạ du. Chủ động, kịp thời tổ chức sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Trước diễn biến phức tạp của các loại hình thời tiết, thiên tai trong những ngày tới, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý các địa phương và các bộ, ngành cần tiếp tục có phương án ứng phó, không được chủ quan. (Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM)

* Theo thống kê ban đầu, tính đến 14 giờ ngày 31-10, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 134 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 345 ngôi nhà bị tốc mái một phần, 3 người dân bị thương, 5 tàu cá bị sóng đánh dạt vào bờ, va đập, gây hư hỏng nhẹ, nhiều tuyến đường giao thông và đê kè bị sạt lở. Trong đó, địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất do bão gây ra là các huyện Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn.

LLVT huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) giúp nhân dân lợp lại nhà do bão tốc mái. Ảnh: Lê Hải.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, trên cơ sở đó kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân bị thương, đồng thời điều phối lực lượng, phương tiện phù hợp, nhanh chóng khắc phục, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất.

Hiện tại, mưa lớn ở các huyện miền núi làm cho lượng nước từ thượng nguồn các sông Trà Câu, Trà Khúc, Trà Bồng đổ về phía hạ lưu rất lớn, có khả năng gây ngập úng trên diện rộng. LLVT huyện vẫn tiếp tục về cơ sở giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, đồng thời duy trì trực 24/24, không chủ quan, lơ là trước diễn biến xấu của thời tiết, sẵn sàng nhận lệnh cơ động lực lượng, phương tiện ứng cứu nhân dân khi có tình huống.

LLVT huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cùng với nhân dân địa phương thu dọn cây cối ngã đổ. Ảnh: Nguyễn Đức Minh.

Ngành y tế cũng đã chuẩn bị vật chất, khí tài, thuốc men, đảm bảo khi nước vừa rút, tổ chức xử lý nguồn nước uống cho nhân dân; vệ sinh môi trường, tẩy uế, khử trùng và chủ động dập dịch, không để mầm bệnh lây lan. (NGUYỄN ĐỨC MINH)

* Đến 15 giờ ngày 31-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 kết hợp không khí lạnh tăng cường nên trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhiều nơi vẫn có mưa to, mưa trên diện rộng, lượng mưa đạt 80-130mm. Mưa lớn khiến mực nước trên các sông suối lên nhanh, ở thượng nguồn sông Ba và vùng phía Tây của tỉnh có lũ với biên độ 1,5-3m, đỉnh lũ ở mức báo động 1 và xấp xỉ báo động 2.

Quốc lộ 25 (tỉnh Phú Yên) nhiều đoạn bị ngập.

Tại huyện Krông Pa, địa bàn tiếp giáp với tỉnh Phú Yên, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh cấp 6 đến cấp 7 đã làm thiệt hại nhiều nhà cửa và diện tích cây trồng của người dân. Thống kê ban đầu tại địa phương này đã có 24 căn nhà của người dân, một trường học mẫu giáo và một trạm y tế bị tốc mái. Hàng trăm cây xanh ở huyện Kông Chro, thị xã An Khê và Ayun Pa bị gió giật ngã đổ, chính quyền địa phương đã triển khai cho các ban ngành dọn dẹp, để đảm bảo lưu thông.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp mưa gió, hậu của bão số 5, tổ chức trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã 24/24 giờ để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, đồng thời tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ với phương châm 4 tại chỗ. (Tin, ảnh: LÊ QUANG HỒI)

* Theo thống kê sơ bộ, tính đến 8 giờ ngày 31-10, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã cấp điện trở lại cho 161.895 khách hàng/ tổng số 685.086 khách hàng bị mất điện của 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Dự kiến đến 19 giờ hôm nay, EVNCPC sẽ khôi phục cấp điện hoàn toàn cho khách hàng.

Hiện các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung đang khẩn trương tiến hành công tác thống kê thiệt hại đồng thời với việc triển khai lực lượng để xử lý, khôi phục cấp điện phục vụ khách hàng.

Ngoài ra, tại thành phố Đà Nẵng: Tính đến 7 giờ 30 ngày 31-10, đã khôi phục được 15/17 XT trung áp (88%), với công suất khôi phục ước đạt 47/49MW (95,9%). Tại tỉnh Khánh Hòa, tính đến thời điểm 22 giờ ngày 30-10, do ảnh hưởng của bão số 5 đã gây mất điện 283 TBA phụ tải khiến khách hàng 2 huyện Vạn Ninh và Cam Lâm mất điện. Đến 23 giờ cùng ngày, Công ty Điện lực Khánh Hòa đã khôi phục cấp điện hoàn toàn cho khách hàng. (VĂN CHUNG)

* Ngày 31-10, ngay khi nghe tin báo một số xã của huyện Mộ Đức bị thiệt hại sau khi bão số 5 đổ bộ, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai hơn gần 40 cán bộ thường trực và dân quân tự vệ huyện Mộ Đức phối hợp với lực lượng biên phòng tỉnh cùng với nhân dân phục hậu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Mộ Đức giúp dân lợp lại mái nhà.

Theo thống kê ban đầu, gió xoáy do bão số 5 gây ra đã làm hư hỏng, tốc mái 338 ngôi nhà trên địa bàn các xã Đức Minh, Đức Lân, Đức Chánh, Đức Phong, Đức Hiệp, Đức Hòa huyện Mộ Đức, trong đó có nhiều nhà dân bị gió thổi tốc mái hoàn toàn, bị thương 4 người dân, gây thiệt hại nặng về tài sản của bà con nhân dân nơi đây.

Ban CHQS huyện Mộ Đức tập trung lực lượng tại đây phối hợp với bộ đội biên phòng và bà con nhân dân lợp lại mái nhà, cắt dọn cây cối ngã đổ, chằng chống lại nhà cửa và dọn dẹp vệ sinh, cảnh quang môi trường với quyết tâm giúp bà con ổn định đời sống trong thời gian sớm nhất. (Tin, ảnh: THÀNH DUY)

* Tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gần 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định giúp nhân dân ổn định cuộc sống sau bão số 5.

Kè bờ biển ở thôn Hải Nam (xã Nhơn Hải) bị hư hỏng nặng.

Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định giúp nhân dân di dời vật dụng, tài sản.

Các lực lượng đã tiến hành gia cố kè bờ biển bị sạt lở, hư hỏng; giúp nhân dân dọn dẹp nhà bị sập đổ, tốc mái và di dời tài sản, vật chất đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: Địa phương là trọng điểm thiệt hại của thành phố Quy Nhơn, nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp sức hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang mà cuộc sống của nhân dân đã dần ổn định.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, bão số 5 đã làm sập 144 ngôi nhà, 333 ngôi nhà bị hư hỏng, 250 ngôi nhà bị ngập nước. Sạt lở 2.000m kè bờ biển và 138m kè biển bị hư hỏng nặng; 4.500ha lúa và hoa màu bị ngập nước, 20ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 45 tàu cá của ngư dân bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại 250 tỷ đồng. (Tin, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN)

* Thực hiện Công điện số 16 ngày 29-10 của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ do hoàn lư bão, Bộ Tổng tham mưu, yêu cầu các đơn vị: Duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến của bão và mưa lũ do hoàn lưu sau bão, tuyệt đối không chủ quan; rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án, có biện pháp đảm bảo an toàn cho bộ đội, kho tang, doanh trại, vũ khí trang bị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động giúp dân ứng phó bão, mưa lũ.

Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu, tiếp tục thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để di chuyển tránh trú hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; chủ động đề nghị chính quyền địa phương bảo đảm an toàn các khách du lịch trên các đảo và sơ tán người ở vùng ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Các Quân chủng: Hải quân, Phòng không – Không quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh Binh đoàn 18 có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển; duy trì lực lượng, phương tiện, chủ động tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có yêu cầu.

Các Quân khu: 4, 5, 7 chỉ đọa các đơn vị tăng cường cập nhật diễn biến của bão, mưa lũ, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương, người dân nhất là các khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp, ven song, suối, hồ đập; chủ động tham mưu giúp chính quyền địa phương sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, sẵn sàng điều động lực lượng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân; ngay sau bão, chủ động điều động lực lượng, phương tiện khẩn trương tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Tổng cục Chính trị chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, đưa tin về hoạt động của bộ đội giúp dân ứng phó mưa, bão, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Tổng cục II và Công nghiệp Quốc phòng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch hiệp đồng. (HÀ KHÁNH)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cac-dia-phuong-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-bao-so-5-598713