Các địa phương tập trung bảo vệ rừng

Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án 'Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao' do Công ty cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Phú Yên đã tạm dừng dự án này. Diện tích rừng ở các tiểu khu 310 và 311 cách đây ba năm (tháng 3-2017) từng bị chặt phá để triển khai dự án đã được khoanh nuôi tái sinh. Với thời tiết thuận lợi và sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng kiểm lâm, đến nay cây rừng đã xanh tốt trở lại.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc vận chuyển gia cầm trên tuyến quốc lộ 1B, đoạn qua xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: LƯƠNG HẠNH

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc vận chuyển gia cầm trên tuyến quốc lộ 1B, đoạn qua xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: LƯƠNG HẠNH

* Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tháng 2-2020, cả nước đã phát hiện 608 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 205 vụ (giảm 25%) so với tháng 2-2019. Lũy kế hai tháng, cả nước đã phát hiện 1.235 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 529 vụ (tương ứng giảm 30%) so với cùng kỳ; diện tích rừng bị thiệt hại 43 ha, giảm 10 ha (tương ứng giảm 18%) so với cùng kỳ 2019.

* Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có hơn 1.100 ha rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai và các hoạt động xâm lấn của con người, diện tích rừng tại đây đang thưa dần theo từng năm và đứng trước nguy cơ cạn kiệt, bị thu hẹp nếu các ngành chức năng không có biện pháp quản lý và bảo vệ, phát triển rừng hữu hiệu. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, khoảng 5 năm trở lại đây, rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn đã sụt giảm khoảng 10 ha.

* Xã Lạc Vân, huyện Nho Quan (Ninh Bình) vừa xác định có ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện trong tháng 2-2020. Trước đó, đàn vịt nhà ông Trương Văn Tuấn ở xóm 4, xã Lạc Vân xảy ra hiện tượng bị ốm, chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm gia cầm H5N6. Ngành chức năng đã tiêu hủy toàn bộ đàn vịt gần 2.000 con. UBND huyện Nho Quan chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Lạc Vân triển khai tiêm 42 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm để bao vây, khống chế dịch.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei phát sinh thêm bảy con trâu mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM). Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Glei phát sinh 42 con gia súc mắc bệnh LMLM.

* Ngày 27-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, hiện tất cả các xã, phường, thị trấn có hộ, trang trại chăn nuôi lợn trong tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Hiện tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn cụ thể việc tái đàn theo quy định nhằm khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn giống khan hiếm, giá lợn giống quá cao; đồng thời, số cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí cơ bản để thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không nhiều nên tỷ lệ tái đàn trên địa bàn tỉnh thấp, mới đạt khoảng 70 nghìn con.

* UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã ra quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi sau hơn 30 ngày không phát sinh ổ dịch. Thị xã tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định; hướng dẫn người dân tiêu độc, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao nhằm tránh dịch bệnh tái phát.

* Tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản yêu cầu các cấp, ngành chức năng tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch và các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao để phát hiện dịch sớm, xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát hiện.

* UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành công điện yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang tiến hành cấp hơn 21.600 lít hóa chất cho 10 huyện, thị xã, thành phố để tiến hành phun tiêu độc khử trùng. Toàn tỉnh hiện có khoảng bốn triệu con gia cầm.

* Tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2020, với tổng kinh phí thực hiện hơn 25,5 tỷ đồng. Trong đó, dành gần 12,4 tỷ đồng phòng bệnh LMLM gia súc; hơn năm tỷ đồng phòng, chống bệnh tụ huyết trùng trâu bò và dịch tả lợn.

* Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 26-2, kết quả tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 trên địa bàn tỉnh mới đạt 63,1%. Trong đó, có một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm phòng thấp, như: Thường Xuân (3,9%), TP Sầm Sơn (12,4%), Đông Sơn (14,3%), Thạch Thành (30,8%), Quan Hóa (31%), Ngọc Lặc (33,2%), Yên Định (34,7%); Bá Thước (37,2%), Hà Trung (38%), Thiệu Hóa (38,1%)...

Làm rõ nguyên nhân vụ cháy rừng thông tại Đông Triều, Quảng Ninh

Theo UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), sau hơn tám giờ, các lực lượng chức năng đã dập tắt hoàn toàn vụ cháy rừng thông ở xã Hồng Thái Đông vào lúc 22 giờ ngày 27-2. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương xác định nguyên nhân xảy ra cháy rừng và thống kê mức độ thiệt hại. Trước đó, vụ cháy rừng thông xảy ra vào lúc 14 giờ ngày 27-2, tại khu rừng thông khai thác nhựa của Công ty Lâm nghiệp thị xã Đông Triều, nằm trên địa bàn xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều. Ngay sau khi xảy ra cháy, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã huy động khoảng 100 người tham gia cứu rừng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43434302-cac-dia-phuong-tap-trung-bao-ve-rung.html