Các địa phương tăng cường phòng, chống hạn hán, thiếu nước sản xuất nông nghiệp

Những ngày đầu tháng 11, mặc dù đang là giữa mùa mưa nhưng nhiều hồ chứa ở tỉnh Quảng Trị vẫn có mức tích trữ nước thấp, dẫn đến nguy cơ xảy ra hạn hán ngay từ đầu vụ đông xuân 2018 - 2019. Ðặc biệt, hồ chứa Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, hồ chứa lớn nhất tỉnh, với dung tích thiết kế gần 163 triệu m3 nước, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị nhưng hiện mực nước mới đạt tỷ lệ dung tích 67%.

Huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tăng cường nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: HÀ VĂN

* TP Ðà Nẵng vừa ký ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2018-2019. Cụ thể, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để có giải pháp phù hợp; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa...

* Hiện khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa khô, để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, TP Cần Thơ đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp quận, huyện phối hợp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán; đồng thời theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp.

* Hiện khoảng 100 m đê kè sông Mã gần chân cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, đã bị sạt lở nghiêm trọng. Ðoạn kè bị sạt lở thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã, chân cầu Hàm Rồng được tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2010, với tổng vốn đầu tư 104 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án điều chỉnh, sửa chữa công trình này với số tiền hơn 34 tỷ đồng.

* Tỉnh Bến Tre vừa ban hành chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững theo chuỗi giá trị cả trong nuôi trồng, khai thác và chế biến. Theo đó, tiến hành cơ cấu lại hình thức, đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và thích ứng biến đổi khí hậu; Hình thành các vùng nuôi chuyên canh, tập trung, có quy mô lớn theo tiêu chuẩn GAP phù hợp với từng thị trường…

* Tỉnh Kiên Giang tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm từ nay đến cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra và thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm (H5N1) tại địa bàn 15 huyện, thành phố, nhất là chú trọng các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung; hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện đúng quy trình nhằm ngăn ngừa ổ dịch phát sinh.

Xuất cấp hơn 313 tấn gạo hỗ trợ nhân dân tỉnh Ninh Thuận

Cục Dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực Nam Trung Bộ, vừa hoàn thành việc xuất, cấp gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói nhân dân tỉnh Ninh Thuận do đợt hạn hán vừa qua. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 31-10 đến ngày 5-11, đơn vị đã xuất 313,115 tấn gạo loại 15% tấm nhập kho năm 2017, và xuất 1.250,429 tấn thóc nhập kho năm 2017 để gia công xay xát thành 800,275 tấn gạo loại 20% tấm giao đến các trung tâm huyện, lỵ thuộc tỉnh Ninh Thuận.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38198502-cac-dia-phuong-tang-cuong-phong-chong-han-han-thieu-nuoc-san-xuat-nong-nghiep.html