Các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đê điều

Để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, các địa phương đồng loạt tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đê điều.

TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố nhằm quản lý hiệu quả đê điều. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về đê điều. Đặc biệt là trong công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm về đê điều.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã quản lý đất, sử dụng đất khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, lập dựng trạm trên bê tông ngoài đê đúng mục đích sử dụng đất; cung cấp thông tin về giấy phép khai thác cát lòng sông cho chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đê điều.

Ở địa phương đồng loạt rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều đúng quy định pháp luật về đất đai, đê điều và các quy định pháp luật có liên quan, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Công an TP. Hà Nội cũng có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, Giám đốc Công an Thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; xác lập chuyên án đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, tổ chức hoạt động khai thác kinh doanh cát, sỏi gây hậu quả nghiêm trọng, bảo kê hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp…

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong khi đó mới chỉ xử lý được 5 vụ, còn tồn đọng 55 vụ. Ngoài ra, rất nhiều vụ vi phạm từ những năm trước vẫn còn tồn đọng. Từ năm 2011 đến 2019, toàn thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa được xử lý.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định cũng ra nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Tuy nhiên, qua kiểm tra, phát hiện của ngành chức năng cho thấy tình hình vi phạm pháp luật về đê điều 6 tháng đầu năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp; còn nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê, kè, cống của tỉnh và các địa phương, nhất là trong mùa mưa bão.

Thực hiện quy định pháp luật về đê điều, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cấp xã kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật đê điều trên toàn bộ hệ thống đê điều, bãi sông; xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm còn tồn đọng, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, khả năng thoát lũ của tuyến sông và các vi phạm mới phát sinh năm 2020. Ðồng thời, tăng cường công tác quản lý, thường xuyên tổ chức kiểm tra, bám tuyến, bám địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay khi mới phát sinh.

UBND tỉnh Bình Định cũng ra Kế hoạch tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão. Mục đích của Kế hoạch nhằm huy động nguồn lực cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cho công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2020 theo phương châm “4 tại chỗ”; xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các sở, ban, ngành, cơ quan, hội, đoàn thể trong tỉnh; tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân; thực hiện đồng bộ, tổng thể các giải pháp phi công trình và công trình trong công tác quản lý đê điều theo lộ trình, đảm bảo tính bền vững, an toàn và hiệu quả, hiệu lực thiết thực…

Vũ Phương Nhi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/cac-dia-phuong-tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-phap-luat-de-dieu/411207.vgp