Các địa phương ra quân sản xuất đầu xuân

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, ngày 18-2, một bộ phận không khí lạnh vừa hình thành và đang di chuyển xuống nước ta ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ, sau mở rộng ra những nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Người dân xã Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) làm đất gieo cấy vụ xuân. Ảnh: MAI THẮM

Người dân xã Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) làm đất gieo cấy vụ xuân. Ảnh: MAI THẮM

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, ngày 18-2, một bộ phận không khí lạnh vừa hình thành và đang di chuyển xuống nước ta ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ, sau mở rộng ra những nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Tuy nhiên, trạng thái này không duy trì lâu, hôm nay (19-2), khu vực Bắc Bộ hửng nắng trở lại. Ban đêm, nhiệt độ tại Hà Nội và Bắc Bộ ở mức thấp 16oC nhưng tăng nhanh lên ngưỡng 23 đến 25oC vào ban ngày. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Khu vực bắc Biển Đông, khu vực giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 1.

* Hơn 400 tàu thuyền của ngư dân các xã bãi ngang tỉnh Quảng Bình ra khơi đánh bắt hải sản. Nhiều thuyền trúng đậm cá cơm, ruốc biển và cá khoai nên với giá bán cá cơm 30 nghìn đồng/kg, ruốc biển 20 nghìn đồng/kg, bà con thu cả chục triệu đồng chỉ sau một đêm đánh bắt.

* Ngư dân ở tỉnh Ninh Thuận liên tục trúng tôm hùm giống. Trung bình mỗi ngày, mỗi ngư dân có thể kiếm được từ 500 đến 700 nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con cần bảo đảm an toàn khi khai thác trong thời điểm gió to, biển động.

* Nông dân ở các vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh đang bước vào mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2021, với con nuôi chủ yếu là cua biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Hiện, cua biển đã được hàng chục nghìn hộ nông dân thả nuôi hơn 37 triệu con giống, diện tích hơn 7.330 ha.

* Tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các ngành chức năng chuẩn bị tốt các điều kiện để trồng mới 4.000 ha rừng tập trung và hơn một triệu cây phân tán. Hơn 100 vườn gieo ươm cây giống của tỉnh đã sản xuất được hơn 26 triệu cây giống các loại, đáp ứng tốt nhu cầu trồng rừng trong và ngoài tỉnh.

* Sáng 18-2, tại Khu di tích Đền thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm tổ chức lễ dâng hương và phát động “Tết trồng cây - Phụ nữ vun trồng tương lai”. Tới dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, hưởng ứng chủ đề “Phụ nữ vun trồng tương lai - Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người ”, để cam kết mỗi phụ nữ trồng một cây, gieo mầm hạnh phúc, dựng xây nước nhà.

Dịp này, các đại biểu dâng hương tưởng niệm Hoàng thái hậu Ỷ Lan và trồng cây xanh trong khuôn viên Khu di tích Đền thờ.

* Sáng 18-2, TP Thanh Hóa tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2021”. Trong dịp này, thành phố phấn đấu trồng hơn 105 nghìn cây xanh. Toàn tỉnh phấn đấu trồng được 1,5 triệu cây phân tán dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, 5.000 ha rừng vụ xuân.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Sau lễ phát động, các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phấn đấu trồng 2.000 cây ăn quả, 8.000 cây lấy gỗ, cây bóng mát.

* Đến nay, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã gieo cấy được 9.295/9.365 ha (đạt 99,3% kế hoạch). Năm nay Can Lộc đưa máy cấy vào hỗ trợ sản xuất trên diện tích gần 60 ha. Nhìn chung, cây lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, chưa phát sinh sinh vật gây hại.

* Ngày 18-2, huyện Con Cuông (Nghệ An) phát động Tết trồng cây đầu Xuân Tân Sửu 2021. Theo kế hoạch, 13/13 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị sẽ hưởng ứng trồng 2.079 cây xanh từ ngày 18 đến 25-2. Năm 2021, huyện Con Cuông phấn đấu trồng hơn 1.000 ha rừng.

* Đến nay, nông dân tỉnh Quảng Trị đã gieo trồng được khoảng 25.500 ha lúa vụ đông xuân 2020 - 2021. Do thiên tai năm 2020 khiến lúa giống của bà con bị hư hỏng cho nên tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ 1.074 tấn giống lúa, 89 tấn giống ngô, 15 tấn giống rau từ Trung ương và các tổ chức hỗ trợ cho bà con sản xuất.

* Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 30.000 ha so với vụ đông xuân trước. Hiện, bà con ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 350 nghìn ha và sẽ đạt 550 nghìn ha vào cuối tháng 2. Các diện tích còn lại sẽ được thu hoạch vào tháng 3, tháng 4 và kết thúc trong tháng 5. Theo đánh giá bước đầu, năng suất vụ lúa đông xuân này ước đạt hơn 6,9 tấn/ha, tăng gần 0,1 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng khoảng 10,5 triệu tấn. Giá lúa đông xuân ở ĐBSCL đang dao động từ 6.800 đến 7.000 đồng/kg với lúa chất lượng cao, từ 7.000 đến 7.500 đồng/kg với lúa thơm.

* Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, đỉnh mặn cao nhất của năm 2021 sẽ từ ngày 25-2 đến 4-3 và dự báo mặn năm nay tương đương năm 2016, thấp hơn năm 2020. Viện đã đưa ra một số vùng có rủi ro trong sản xuất lúa như Long An có 1.500 ha, Trà Vinh 15 nghìn ha, Bạc Liêu 25 nghìn ha.

* Khảo sát các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL của Cục Trồng trọt cho thấy, hiện chưa có thiệt hại do hạn mặn đối với cây ăn trái. Tuy nhiên, nếu hạn kéo dài đến tháng 3, diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng khoảng 40 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long.

* Nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống hơn 77.000 ha lúa đông xuân, đạt 101% kế hoạch năm. Hiện, lúa đông xuân 2020-2021 đang chuẩn bị chín được thu hoạch. Trong đó, quận Thốt Nốt đã có gần 100 ha lúa đông xuân sớm được thu hoạch, với năng suất hơn 68,5 tạ/ha.

* Vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, nông dân trong tỉnh Kiên Giang xuống giống được hơn 284.000 ha, vượt so với kế hoạch đề ra. Do xuống giống sớm, nhiều nơi thu hoạch từ trước tết và sau tết là thu hoạch rộ.

* Hiện, giá lúa tươi vụ đông xuân 2020 - 2021 của tỉnh Hậu Giang đang cao hơn cùng kỳ từ 500 đồng/kg đến 800 đồng/kg. Vụ lúa này, nông dân Hậu Giang gieo sạ khoảng 77.000 ha. Đến nay, đã có 40 công ty, doanh nghiệp bao tiêu hơn 38.000 ha cho bà con trong tỉnh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, đến trung tuần tháng 2, tại Hậu Giang đã xuất hiện mặn xâm nhập vào địa bàn thành phố Vị Thanh với nồng độ cao nhất là 3,9‰, tại đầu kênh Mười Thước (huyện Long Mỹ) có độ mặn cao nhất đo được là 2,4‰ và tại cống Hóc Pó là 3,4‰.

* Vụ hè thu 2021, tỉnh Vĩnh Long dự kiến xuống giống khoảng 51.500 ha. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân xuống giống theo khung thời vụ để né rầy, né mặn trên từng khu vực. Theo đó, đợt 1 xuống giống 7.500 ha, tập trung từ nay đến ngày 8-3, đợt 2 xuống giống 34.000 ha, từ ngày 22-3 đến 21-4 và đợt 3, khoảng 10.000 ha, từ ngày 6 đến 21-5.

* Tại tỉnh Long An, đến nay, độ mặn 1 g/l đã xâm nhập trên sông Vàm Cỏ Đông cách cửa sông Soài Rạp khoảng 88 km và trên sông Vàm Cỏ Tây cách cửa sông Soài Rạp khoảng 70 km. Hiện, tỉnh có gần 5.200 ha lúa, hơn 3.500 ha cây ăn quả có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

* Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đang có diễn biến phức tạp. Đến nay, tại sáu huyện, thị xã, thành phố của Hà Tĩnh có 542 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó số chết, tiêu hủy 38 con.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre đã cung ứng cho huyện Bình Đại 3.200 liều vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) và 167 lít hóa chất để chống dịch. Đến nay, huyện đã tiêm được 365 liều vắc-xin và sử dụng 105 lít hóa chất phòng bệnh LMLM. Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu tiêm 82 nghìn liều vắc-xin LMLM cho đàn gia súc của tỉnh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cac-dia-phuong-ra-quan-san-xuat-dau-xuan-635829/