Các địa phương phía Nam muốn được phân quyền nhiều hơn

Các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kiến nghị Chính phủ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương để có đủ thực quyền ra quyết định. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế trong quá trình thực hiện liên kết vùng còn gặp nhiều vướng mắc, sự liên kết giữa các địa phương còn rời rạc.

Vấn đề này được nhiều tỉnh thành phía Nam kiến nghị đến Chính phủ tại hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra ngày 6-5 tại Đồng Nai.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung đề xuất các giải pháp để phát triển vùng tốt hơn - Ảnh: Lê Anh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung đề xuất các giải pháp để phát triển vùng tốt hơn - Ảnh: Lê Anh

Tốc độ tăng trưởng của vùng đang chậm dần

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước khi chiếm 45,42% GDP cả nước và 50,9% GDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là vùng đi đầu phát triển trong một số ngành sản xuất và dịch vụ như điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính...

Trong giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng GDP bình quân của vùng đạt 8,34%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 đô la Mỹ, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế của vùng như sự liên kết vùng chưa chặt chẽ, cơ chế, chính sách cho phát triển vùng thiếu đột phá…

Thủ tướng đề nghị các diễn giả có bài tham luận tại hội nghị tập trung đề xuất các giải pháp và các cơ chế quản lý điều phối để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển liên kết vùng. Đối với các địa phương tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương thực hiện đến đâu có khả năng hoàn thành hay không, những vướng mắc nào cần kiến nghị sửa đổi để hoàn thành các mục tiêu.

Đề cập đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù vẫn là vùng có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước nhưng kinh tế nơi đây đang gặp nhiều thách thức. Ông Dũng nêu ra 9 hạc chế trong đó có 7 vấn đề liên quan đến kinh tế như tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm dần, công nghiệp chưa có thêm các sản phẩm mới, có hàm lượng chất xám kỹ thuật cao….

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2018 đạt 199,4 tỉ đô la nhưng vùng không đóng góp trong thặng dư thương mại chung của cả nước. Tốc độ thu hút FDI và quy mô vốn các dự án FDI của vùng cũng giảm dần.

Trong những tồn tại mà ông Dũng nêu ra, vấn đề đáng chú ý là chưa có cơ chế rõ ràng về liên kết vùng, cộng với cơ chế điều phối chưa đủ mạnh để hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả.

Giải pháp được ông Dũng đề xuất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; cần có cơ chế chính sách hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng trao đủ thực quyền ra quyết định cho đội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về hạ tầng, xây dựng đồng bộ hạ tầng liên kết vùng. Trong đó ưu tiên kết nối các tuyến chính nối TPHCM với các tỉnh thành. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học công nghệ…

Địa phương muốn được phân quyền nhiều hơn

Về phía các địa phương, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng, trong đó Chính phủ sớm ban hành nghị định về vùng kinh tế để hoạt động vùng hiệu quả hơn. TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập quỹ hội đồng vùng được hình thành từ một phần kinh phí do trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương trong vùng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để có thêm nguồn vốn phát triển.

Về quy hoạch, ông Phong đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn luật quy hoạch để các địa phương trong vùng sớm lập quy hoạch tỉnh để triển khai lập quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong quá trình thực hiện quy hoạch vùng cần phối hợp với các địa phương để phân tích đánh giá có hệ thống các cơ chế chính sách và quy hoạch của Trung ương dành cho vùng, đặc biệt là tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với đại phương để tái đầu tư.

Tương tự, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị trong quá trình lập quy hoạch vùng cần nghiên cứu ban hành đồng bộ cơ chế chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đồng Nai cũng kiến nghị, cần phân cấp mạnh hơn nữa về quản lý kinh tế và quản lý ngân sách để các tỉnh trong vùng có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội thu hút đầu tư tạo động lực phát riển. Đồng thời, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho các địa phương theo hướng, mức để lại cho địa phương cao hơn mức chi ngân sách nhà nước bình quân đầu người so với các địa phương khác vì các địa phương này hàng năm đón nhận số lượng lớn dân số tăng cơ học và nhu cầu chi đầu tư phát triển rất lớn nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng cao để tăng thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng giải quyết các công trình an sinh xã hội, cấp bách tái đầu tư.

Đối với đất nông nghiệp, Đồng Nai cũng khiến nghị Chính phủ phân cấp mạnh hơn thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Trong đó, cho phép hội đồng nhân dân các địa phương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 héc ta trở lên phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề xuất giải pháp để phát triển vùng, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cơ chế vùng hiện nay mới chỉ là tạo điều kiện chứ chưa phải phân cấp phân quyền. Ông đề xuất Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội để ra cơ chế riêng cho vùng nếu không cứ để tình trạng như hiện nay thì không giải quyết được vấn đề.

Lê Anh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288430/cac-dia-phuong-phia-nam-muon-duoc-phan-quyen-nhieu-hon.html