Các địa phương nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Tính tới thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố phía Bắc và có chiều hướng lây lan nhanh. Điều này đòi hỏi các địa phương tích cực triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.

Không để heo từ vùng dịch lọt vào thành phố

Tại cuộc họp ngày 5-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, Lê Thanh Liêm nhìn nhận diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp. Nếu bị nhiễm, 100% số heo đang nuôi trên địa bàn sẽ chết, do đó ông Liêm yêu cầu các sở, ngành tuyệt đối không để thành phố bị lây nhiễm dịch; không để nguồn thịt heo bị bệnh lọt vào thành phố.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung thông tin, để ứng phó với dịch tả heo châu Phi vào thành phố, hiện sở đã cho áp dụng 3 nhóm giải pháp cùng lúc. Cụ thể, lực lượng chức năng đã được bố trí kiểm soát chặt tại các trạm đầu mối, trục giao thông chính đi các tỉnh và các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối.

Quá trình kiểm soát, lực lượng thú y đã phát hiện 300 con heo từ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi đã được công bố dịch, được vận chuyển qua địa bàn thành phố để về tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, khi phối hợp kiểm tra, lực lượng chức năng của tỉnh Vĩnh Long xác định không tiếp nhận số heo này.

Từ đó ông Trung cho rằng không loại trừ số heo trên đã được giết mổ lậu ở nơi khác, thậm chí ngay tại thành phố. Để kiểm soát dịch, Sở NN và PTNT thành phố cũng đã yêu cầu các lò mổ ngưng hẳn việc tiếp nhận heo từ các tỉnh phía Bắc, chỉ tiếp nguồn heo nhận từ khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm thành phố, do nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc có giá thành rẻ hơn khi có dịch bệnh và thành phố cũng là thị trường mở nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Bà Lan khẳng định, bệnh này không lây cho người mà chỉ lây lan ở heo.

Tuy nhiên, 100% số heo nhiễm bệnh sẽ bị chết. Đồng thời khi heo nhiễm bệnh được người dân đem giết mổ, khả năng nhiễm bệnh rất cao bởi virus dịch tả này có thể tồn tại 1.000 ngày dưới dạng đông lạnh, thịt nguội. Vì vậy, bà Lan cho rằng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan là rất quan trọng.

Hiện Ban An toàn thực phẩm thành phố đã bố trí lực lượng để chốt chặn, kiểm tra nguồn gốc heo nhập vào thành phố; kiểm soát, kiểm tra giấy tờ, kể cả nhìn bằng mắt thường để phát hiện heo bệnh từ kinh nghiệm của cán bộ chuyên trách. Bà Lan xác nhận, đến thời điểm này tại thành phố chưa phát hiện heo nhiễm bệnh dịch tả châu Phi nhưng Ban An toàn thực phẩm thành phố sẽ tiếp tục đề phòng dịch bệnh cùng với vai trò chủ đạo của ngành nông nghiệp.

Cùng với các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch ứng phó với tình huống xấu nhất là khi có dịch trên địa bàn.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP cho hay, ngành Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thành phố. Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT cùng Ban An toàn thực phẩm thành phố làm việc với các đơn vị cung cấp nguồn heo thịt để ghi nhận các giải pháp.

Công ty Vissan đã đưa ra giải pháp thu mua lượng heo dự trữ và tìm thêm nguồn heo an toàn nhập khẩu từ nước ngoài. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng đã chuẩn bị các phương án về con giống sạch trong trường hợp đàn heo tại thành phố bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Cùng lúc, Sở Công Thương cũng đã làm việc với một số đầu mối cung cấp trứng, thịt gà để thay thế trong trường hợp lượng thịt heo không có đủ nguồn cung an toàn.

Khử trùng, tiêu độc và vệ sinh chuồng trại.

Khử trùng, tiêu độc và vệ sinh chuồng trại.

Quán triệt hộ nuôi thực hiện nguyên tắc “3 không”

Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương đã tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy xong toàn bộ đàn lợn bị nhiễm bệnh của gia đình ông Chinh và 2 hộ liền kề, ở thôn Trại Mới, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn. Đồng thời phân công cán bộ Thú y bám sát địa phương, tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn.

Nếu phát hiện các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc nghi là lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu trái phép thì lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh để xử lý ổ dịch trong phạm vi hẹp không để lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Còn tại Hải Phòng, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật TP, từ ngày 22-2 đến 2-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 38 hộ ở 12 thôn, 6 xã thuộc 2 huyện Tiên Lãng và Thủy Nguyên.

Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 424 con. Trong đó, huyện Thủy Nguyên có 37 hộ ở 11 thôn thuộc 5 xã gồm 5 Chính Mỹ, Đông Sơn, Lưu Kiếm, Liên Khê, Thủy Đường với tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy trên địa bàn huyện là 401 con, trọng lượng gần 19 tấn.

Tiếp đến ngày 3-3, tại gia trại của ông Hoàng Đình Trường, ở thôn Tân Thanh, xã Đại Bản, huyện An Dương, đàn lợn 5 con sau khi có dấu hiệu nghi dịch tả lợn châu Phi đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính đã tổ chức tiêu hủy…

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định tập trung cao độ trong chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Với sự hỗ trợ của Bộ NN& PTNT cũng như cơ quan chức năng, thành phố sớm phát hiện, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, đồng thời triển khai các biện pháp để hạn chế dịch lây lan và giảm tối đa thiệt hại. Theo đó các địa phương quán triệt đến hộ nuôi thực hiện nguyên tắc “3 không”. Đó là không cho người lạ, kể cả người thân ra, vào khu vực trang trại, gia trại.

Không mua nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi không rõ nguồn gốc. Không sử dụng các loại thực phẩm phục vụ bữa ăn gia đình từ các loại thịt hoặc sản phẩm thịt chế biến mua từ nơi khác về mà không được cơ quan thú y đóng dấu kiểm dịch.

Ở thời điểm hiện tại, Quảng Ninh cũng đang tăng cường lực lượng, biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bởi lẽ, trong số 7 tỉnh, thành phố xảy ra dịch thì có 2 địa phương giáp ranh là Hải Phòng, Hải Dương, nên nguy cơ lây nhiễm vào nội tỉnh là rất cao.

Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng lập 9 chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hoạt động 24/24h, bao gồm: Cầu Đá Bạc (TP Uông Bí) kiểm soát quốc lộ 10A; cầu Vàng (TX Đông Triều) kiểm soát tuyến quốc lộ 18A; cầu Đá Vách (TX Đông Triều) kiểm soát tuyến tỉnh lộ 188; xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ) kiểm soát quốc lộ 279; trạm thu phí cầu Bạch Đằng kiểm soát trên tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; riêng Đông Triều đã thành lập thêm 4 chốt kiểm soát tại các tuyến đường vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn thị xã.

Với Quảng Ninh, nguồn lây dịch tả lợn châu Phi không chỉ ở các tỉnh nội địa, mà còn có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới. Chính vì vậy, các địa phương như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái cũng đã “cảnh giác”, triển khai các biện pháp đồng bộ, cấp bách ngăn chặn dịch ngay từ biên giới.

Trong đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Kiểm soát đối với người, phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam…, bám sát cơ sở, địa bàn, sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra.

Đ.Thắng - V. Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/cac-dia-phuong-no-luc-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-535433/