Các địa phương nỗ lực kết nối, hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động

Nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực nâng cao trình độ, dạy nghề cho người lao động, kết nối cung-cầu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một đơn vị tuyển dụng tư vấn việc làm cho sinh viên. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Một đơn vị tuyển dụng tư vấn việc làm cho sinh viên. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Năm 2020, trong bối cảnh các hoạt động phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ, dạy nghề cho người lao động, kết nối cung-cầu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại địa phương.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020, thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều biến động. Có những thời điểm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp giảm rõ rệt, thậm chí có doanh nghiệp đã phải cắt giảm hàng loạt nhân công.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các ngành chức năng và từng doanh nghiệp, trong năm 2020, các thành phần kinh tế trên địa bàn đã thu hút được gần 307.000 lao động vào làm việc, đạt trên 102% kế hoạch đề ra.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế.

Thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2020 đã có những chuyển biến tích cực, trong đó nhu cầu nhân lực các ngành dệt may, giày da; chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động thể thao, nghệ thuật, vui chơi và giải trí... đã dần khởi sắc.

Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức tuyển dụng lao động phục vụ đợt sản xuất cao điểm cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh năm 2021.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho thấy đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 41.000 doanh nghiệp. Năm 2020 tỉnh tiếp tục là một trong các địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp với 31 khu công nghiệp hoạt động, thu hút lượng lớn lao động vào làm việc.

Các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tại Đồng Nai đã giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 lượt người, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Tại thành phố Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được đặc biệt chú trọng. Trong năm 2020, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 60.900 người lao động, đạt trên 120% kế hoạch đề ra.

Bà Trịnh Hoàn Thúy Uyên, Trưởng phòng Thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ) cho biết: Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động tìm việc làm, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại trung tâm hoặc tại các cơ sở đào tạo, tổ chức phiên giao dịch việc làm bằng hình thức trực tuyến kết nối không chỉ trong phạm vi thành phố Cần Thơ mà còn với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre hay thuộc vùng Đông Nam bộ như Bình Dương. Trung tâm còn tổ chức các hoạt động gặp gỡ nhà tuyển dụng; càphê việc làm; Ngày hội việc làm thời vụ… phù hợp với từng đối tượng người lao động như người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sinh viên, học sinh vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hoặc người có nhu cầu tìm việc làm trong thời gian ngắn.

Tăng cường dự báo, đa dạng hình thức kết nối cung-cầu

Năm 2021, lĩnh vực lao động việc làm ở được nhận định sẽ khởi sắc song chưa hết khó khăn do diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vì vậy, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương đã chủ động, kịp thời đưa ra thông tin dự báo liên quan đến thị trường lao động, giúp người sử dụng lao động cũng như người tìm việc và các cơ sở đào tạo có kế hoạch, định hướng đào tạo, tuyển dụng, tìm việc làm phù hợp.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, thị trường lao động Thành phố phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trước thực tế dịch COVID-19 vẫn diễn ra tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến nhu cầu nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 cần khoảng 270.000-300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ làm mới.

Nhu cầu nhân lực sẽ tập trung ở các ngành như kinh doanh-thương mại, điện tử-công nghệ thông tin, dịch vụ, cơ khí-tự động hóa, vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng, dịch vụ cá nhân, chăm sóc sức khỏe và y tế… Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm tới 85,8%.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, người lao động cần chú trọng việc học tập, trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để có thể tự tin và thành công khi tham gia thị trường lao động.

Cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An đang đề ra nhiều giải pháp, đa dạng các kênh để hỗ trợ người lao động tìm việc làm ổn định.

Theo ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với địa chỉ tuyển dụng, thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế-xã hội, thời gian tới, tỉnh Long An đẩy mạnh việc thực hiện Đề án đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Giải pháp này không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn là một kênh góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Những lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sau khi trở về sẽ là những lao động có tay nghề cao, tiếp tục tham gia thị trường lao động ở địa phương hoặc khởi nghiệp kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Long An phấn đấu mỗi năm đưa 1.000 lao động trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-dia-phuong-no-luc-ket-noi-ho-tro-tim-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong/688722.vnp