Các địa phương khẩn trương ứng phó với siêu bão số 3
Bão số 3 được dự báo là cơn bão mạnh nhất đi vào vịnh Bắc Bộ trong 10 năm trở lại đây. Các đài khí tượng quốc tế đều có chung nhận định với cơ quan khí tượng Việt Nam về quỹ đạo và xu hướng của bão số 3, về cường độ phổ biến từ cấp 15-17. Trước nhận định bão số 3 có thể trở thành siêu bão, các địa phương dự báo nằm trong đường đi của bão đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên cơ sở nắm chắc tình hình bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, tập trung chỉ đạo công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, rà soát các công trình đang thi công hoặc mới thi công để có giải pháp đảm bảo an toàn, hạ thấp mực chứa các hồ chứa và nắm số lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn bộ 398 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, 98 tàu chở khách tuyến đảo đã nhận được thông tin bão. 2.889 cơ sở nuôi cá và nhuyễn thể trên các vùng biển đang được các chủ cơ sở tiến hành gia cố, hoàn thành trước ngày 6/9 và di chuyển người lên bờ an toàn. Cùng với đó, các hồ, đập lên phương án tiến hành xả nước, đưa mực nước trong hồ về mức 80%.
Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, BĐBP từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kêu gọi và hướng dẫn cho 50.328 tàu/207.592 ngư dân hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để di chuyển vòng tránh hoặc vào nơi neo đậu tránh trú bảo đảm an toàn. Các đơn vị BĐBP duy trì trực 3.567 cán bộ, chiến sĩ và 259 phương tiện các loại, sẵn sàng tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh, trên địa bàn có hơn 7.400 phương tiện/trên 14.000 ngư dân và 2.230 ô, lồng bè/1.358 người, trong đó có 1.642 tàu/3.284 ngư dân hoạt động khai thác ven bờ, số còn lại đang neo đậu tại bến. Các đơn vị BĐBP Quảng Ninh đã thông báo cho toàn bộ số phương tiện trên biết diễn biến của bão số 3. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động theo dõi chắc tình hình, diễn biến của bão số 3 để triển khai kế hoạch ứng phó với bão, đảm bảo an toàn cho doanh trại và phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống nếu có.
Thành phố Hải Phòng được dự báo là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 nên các công tác ứng phó với bão đang được địa phương này khẩn trương tiến hành. Theo Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng, tính đến sáng 5/9, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm đếm, thông báo cho gần 1.800 phương tiện với hơn 5.200 lao động hoạt động thuộc địa bàn quản lý đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết diễn biến của bão số 3, trong đó có 193 phương tiện/914 lao động và 89 phương tiện chở khách.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: "Đối với huyện Cát Hải, Đồ Sơn và Bạch Long Vĩ đã chủ động kiểm đếm tàu thuyền. Riêng Bạch Long Vĩ, trước 24 giờ, ngày 5/9 phải có thông tin cụ thể chằng buộc tàu thuyền ở đâu, cơ sở vật chất sẵn sàng. Tôi cũng đề nghị lực lượng Biên phòng thành phố chỉ đạo các trạm đội khu vực biên giới, hải đảo phối hợp với bà con kêu gọi tàu thuyền về tránh trú an toàn; thứ hai là đảm bảo sắp xếp tàu thuyền ngăn nắp, đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng ứng phó với bão".
Tại tỉnh Ninh Bình, công tác ứng phó với bão số 3 cũng đang được gấp rút triển khai. Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, các cơ quan chức năng đã thông báo cho tất cả 119 phương tiện/267 thuyền viên, 218 lều chòi/347 lao động phía ngoài đê Bình Minh III về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 3 để có biện pháp phòng tránh. Địa phương này đã thực hiện cấm biển vào chiều 5/9 và đặt mục tiêu đến chiều 6/9, toàn bộ tàu thuyền, lao động sẽ vào nơi tránh trú bão an toàn.
Theo báo cáo của BĐBP Thái Bình, trên địa bàn có tổng số 995 tàu thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Hiện, 791 phương tiện với hơn 2.300 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 29 phương tiện với 225 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Đối với 204 phương tiện và 641 lao động đang hoạt động trên biển, các cơ quan chức năng đang tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn di chuyển vòng tránh bão số 3 hoặc vào nơi neo đậu an toàn.
Về hoạt động nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh Thái Bình hiện có hơn 1.000 chòi canh ngao với 983 lao động; 1.128 chòi canh ngao ở đầm trong đê và hơn 2.000 lao động; 874 chòi canh ở đầm ngoài đê với hơn 1.100 lao động. Tất cả số lao động trên đã được thông báo về diễn biến bão số 3. Ngoài ra, tỉnh Thái Bình còn có hơn 1.100 bè/17 lao động nuôi hàu ở cửa sông. Tính đến sáng 5/9, đã có hơn 2.500 lao động ở các chòi canh đi vào bờ tránh bão số 3. BĐBP Thái Bình đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi, vận động số lao động còn lại vào bờ tránh bão.
Về rà soát nhà yếu, khu vực nguy hiểm, toàn tỉnh Thái Bình hiện có hơn 7.900 hộ dân với hơn 19.000 người đang ở trong nhà có kết cấu yếu. Rà soát các trọng điểm về xung yếu đê, kè, cống, thì tỉnh Thái Bình có 37 trọng điểm (3 cấp tỉnh và 34 cấp huyện), trong đó có 8 trọng điểm xung yếu tại đê cửa sông và đê biển. Căn cứ vào diễn biến của bão số 3, dự kiến, tỉnh Thái Bình thực hiện cấm biển từ 5 giờ, ngày 6/9 và sẽ di dời toàn bộ lao động nuôi ngao, lao động nuôi trồng thủy hải sản, người trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, khu vực bãi thấp, ven sông trước 18 giờ, ngày 6/9.
Hiện, BĐBP Thái Bình đang tiếp tục vận động lao động tại các chòi canh vào nơi an toàn, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và ngư dân chằng chống nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3.
Trước diễn biến phức tạp và cường độ hoạt động của bão số 3, Đại tá Nguyễn Văn Khanh đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với BĐBP trong việc di dời dân, khách du lịch trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; kiên quyết đưa toàn bộ ngư dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú trước khi bão vào bờ; sắp xếp neo đậu tàu thuyền phải đảm bảo an toàn, tránh va đập, chìm đắm; đảm bảo luồng lạch thông thoáng để phương tiện của các lực lượng chức năng dễ dàng cơ động xử lý khi có tình huống xảy ra.