Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 4-9, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 16 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,0 -18,0 độ vĩ bắc, 108,5 - 109,5 độ kinh đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Nam; sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Đoàn viên, thanh niên huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) giúp người dân thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Hoài Nam

Đoàn viên, thanh niên huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) giúp người dân thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Hoài Nam

Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 5 đến 10 km, hướng về phía vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, ngày 5-9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến từ 50 đến100 mm/24 giờ); riêng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to (từ 100 đến 200 mm/24 giờ). Ở Tây Nguyên mưa vừa, có nơi mưa to (từ 50 đến 80 mm/24 giờ). Từ đêm 5-9 mưa lớn giảm nhanh ở Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Sáng 4-9, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp ứng phó với diễn biến của ATNĐ. Theo đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tiếp tục thông báo, kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn. Chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu, khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy. Huy động lực lượng giúp người dân thu hoạch diện tích lúa đã chín. Bảo đảm an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố...

Tại tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của ATNĐ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây một số thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Thống kê ban đầu từ các địa phương, đã có 1.550 ha lúa hè thu, lúa mùa bị ngập; mưa to cũng làm ngập 562 ha ngô và rau màu các loại; ảnh hưởng 215 ha ao nuôi thủy sản.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, gần 2.000 ha lúa hè thu, 269,5 ha hoa màu ở tỉnh Hà Tĩnh bị ngập úng. Ngoài ra, 1.330 ha bưởi của huyện Hương Khê đã đến thời gian thu hoạch cũng bị ảnh hưởng. Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung thu hoạch nhanh diện tích lúa hè thu còn lại và các loại cây ăn quả, nông sản khác. Chiều 4-9, trong lúc đang di chuyển trên đường, ông L.V.B. (SN 1964, trú tại thôn Vĩnh Giang, xã Hương Vĩnh, Hương Khê) điều khiển xe máy trên đường Trần Phú (thị trấn Hương Khê), khi đến địa phận tổ dân phố 3 thì cả người và xe máy bị rơi xuống cống thoát nước ra hồ Bình Sơn. Hậu quả làm ông B. chết. Liên quan chín người dân tộc Chứt (bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê) vào rừng lấy lá nón từ ngày 2-9, đến chiều qua một người dân đã về, số còn lại đang trú ẩn an toàn tại các lán trại trên núi.

Mưa lũ mấy ngày qua làm 4.500 ha lúa vụ hè thu của tỉnh Quảng Trị bị ngập khi chưa thu hoạch kịp, trong đó có 1.700 ha bị ngập nặng, tập trung tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ; 50 ha hoa màu bị ngâm nước. Thị sát tình hình mưa lũ trong ngày 4-9, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Các lực lượng bộ đội, công an, thanh niên chuẩn bị phương tiện đợi nước lũ rút, giúp bà con thu hoạch lúa nhanh ở những diện tích bị ngập nước.

Ngày 4-9, theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức trực suốt 24 giờ để ứng phó tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khắc phục nhanh thiệt hại do ATNĐ gây ra. Hiện huyện Phú Lộc còn khoảng 100 ha lúa chưa thu hoạch. Huyện đã yêu cầu các địa phương tăng cường các giải pháp tiêu úng kịp thời, thu hoạch nhanh diện tích lúa còn lại. Tại huyện Phong Điền còn 479 ha/1.204 ha sắn chưa thu hoạch. Nông dân trong huyện đang khẩn trương thu hoạch sắn chạy lũ, tránh hiện tượng thối củ do nước ngập. Ngoài ra, có một người chết do hậu quả của ATNĐ.

Ông Phan Khoái (83 tuổi, trú tại thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) trong lúc leo lên mái nhà chằng chống thì bị trượt chân, ngã xuống đất lúc 12 giờ ngày 3-9.

Chiều 4-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh có gần 700 ngôi nhà bị ngập và 1.600 nhà bị cô lập do lũ chia cắt, tập trung tại các huyện miền núi như Tuyên Hóa, Minh Hóa. Trong đó tại xã “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa có 512 nhà bị ngập, có nơi nước ngập sâu hơn hai mét. Tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nước lũ dâng cao làm hơn 400 ha lúa hè thu, 165 ha hoa màu bị ngập úng. Trên các tuyến quốc lộ 12A, 15 và 9B xảy ra tình trạng sạt lở mái ta-luy, cây gãy đổ, sạt lở đất đá, nước ngập một số đoạn khiến giao thông bị ách tắc. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương bám cơ sở để chủ động phòng, chống mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, có biện pháp hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, vùng ngập sâu để bảo đảm tính mạng cho người dân.

Ngày 4-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, do ảnh hưởng của ATNĐ, trên địa bàn tỉnh có mưa kéo dài trên diện rộng, gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương. Tại huyện Đạ Tẻh, có 20 nhà bị ngập lụt, ba nhà bị tốc mái, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn; khoảng 150 ha hoa màu bị ngập úng. Đến chiều 4-9, mực nước rút dần, giao thông đã thông suốt, các hộ dân được di dời đã trở về nhà. Tại huyện Đam Rông, mưa lớn kèm lốc đã làm ngập khoảng 50 ha cây trồng, tốc mái bốn nhà. Ngày 3-9, sau khi đi hái măng rừng trở về, anh Bon Krong K’Hôn (18 tuổi, ngụ xã Liêng Srônh), bơi qua sông và bị lũ cuốn mất tích. Đến chiều 4-9, lực lượng chức năng địa phương vẫn nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.

Chiều 4-9, Hội Chữ thập đỏ huyện Lục Yên (Yên Bái) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở đất khiến một người chết và ba người bị thương. Theo thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, một nhóm gồm bảy người dân đi bóc quế trên đồi của gia đình ông Đặng Văn Hào (trú tại thôn 1 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên). Trong lúc ngồi nghỉ, đất đá từ trên núi cao sạt lở xuống khiến chị Lý Thị Th. (SN 1977) tử vong, ba người bị thương là ông Đặng Văn Hào (SN 1974), chị Phùng Thị Mùi (SN 1981) và cháu Đặng Văn Thơm (SN 2004)...

Ngày 3-9, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa ban hành quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt thuộc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại tỉnh này. Theo đó, UBND tỉnh phân bổ 3.846 triệu đồng hỗ trợ hơn 300 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Trong đó, huyện Lệ Thủy 90 hộ, Quảng Ninh 82 hộ, Bố Trạch 12 hộ, Quảng Trạch 77 hộ và thị xã Ba Đồn 45 hộ...

Chiều 4-9, UBND xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) cho biết, cơn mưa kèm lốc xoáy vào trưa cùng ngày đã làm sập và tốc mái 15 căn nhà của hai ấp An Long và An Thới của xã cùng nhiều diện tích cây ăn trái đang vào vụ thu hoạch bị đổ ngã. Trong đó, có một căn sập hoàn toàn, ba căn tốc mái 100% và số còn lại tốc mái từ 30 đến 50%. Hiện chính quyền địa phương đã vận động lực lượng tại chỗ tìm nơi an toàn cho người dân bị ảnh hưởng và hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống.

Do tình hình mưa lũ gây ngập lụt và chia cắt một số địa bàn, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và người dân trong ngày khai giảng năm học mới, ngày 4-9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có công điện yêu cầu các địa bàn học sinh không thể đến trường thì hiệu trưởng nhà trường xem xét quyết định không tổ chức khai giảng vào ngày 5-9. Khi bảo đảm các điều kiện, nhất là việc an toàn cho học sinh thì tổ chức khai giảng năm học mới và tiến hành dạy học bình thường. Các đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh mưa lũ hiệu quả, an toàn. Hiệu trưởng các trường chủ động cho học sinh nghỉ học trong thời gian lũ lụt, các vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để tuyên truyền cho học sinh, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.

Theo thống kê ban đầu, hiện nay tại Nghệ An có 135 trường, Quảng Bình có 106 trường, Quảng Trị có 173 trường và Hà Tĩnh các trường ở ba huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang dự kiến sẽ phải hoãn ngày khai giảng do bị ngập lụt và cô lập do mưa lũ.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41454802-cac-dia-phuong-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu.html