Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10

Ngay sau khi bão số 10 tan, các địa phương đã khẩn trương khắc phục hậu quả của bão để bà con ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.

Công nhân Công ty Cây xanh xử lý cây gãy đổ, bật gốc do bão số 10 trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh sáng 16/9/2017. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Khắc phục hậu quả sau bão

Sáng sớm 16/9, lúc gió bắt đầu lặng là người dân Hà Tĩnh bắt tay vào khẩn trương dọn dẹp và khắc phục hậu quả do bão số 10 để lại.

Trở về sau một ngày sơ tán tránh bão, anh Nguyễn Tiến Huỳnh, chủ nhà hàng Sóng Biển (Khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Không riêng hộ tôi mà 60 hộ kinh doanh ở đây đều bị bão đánh sập mái tôn, hàng quá. Hư hỏng về cơ sở vật chất đã đành, mất điện liên tục hai ngày qua còn làm cho hàng chục triệu tiền hàng thủy sản cấp đông bị ươn, hỏng".

Dù đã được chính quyền và qua hệ thống truyền thông cho biết về mức độ ảnh hưởng của cơn bão lần này nhưng bão số 10 vẫn để lại nhiều hậu quả không lường trước được. Tại Khu du lịch Thiên Cầm, sáng sớm 16/9 có hơn 60 cửa hàng kinh doanh hải sản, 13 khách sạn đều bị tốc mái, bàn ghế bị cuốn trôi, hư hỏng. Anh Nguyễn Hữu Thăng, Giám đốc Khách sạn du lịch công đoàn Thiên Cầm cho biết: Hoạt động du lịch ở đây vừa bắt đầu khởi sắc trở lại sau sự cố môi trường biển thì bão số 10 đã cuốn trôi hết mọi thứ. Ước tính thiệt hại ban đầu do bão gây ra lên đến 1,5 tỷ đồng.

Tại thị xã Kỳ Anh – trung tâm bão số 10 ngổn ngang với hàng loạt những công trình, nhà dân bị sập hỏng, tốc mái; hệ thống cột điện, cây xanh gãy đổ.

Sau nhiều giờ bão tan, xà gồ, mái, đường điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đình chính Trung tâm thương mại thị xã Kỳ Anh bị bão cuốn bay vẫn chưa khắc phục được. Hệ thống mái che, rèm che của các ki-ốt và hệ thống cửa cuốn bao quanh bên ngoài đình cũng hư hỏng nặng... Theo thống kê của Ban quản lý Trung tâm thương mại thị xã Kỳ Anh, thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng ước tính gần 10 tỷ đồng.

Không chỉ làm hư hỏng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của Trung tâm thương mại thị xã Kỳ Anh, bão số 10 còn nhấn chìm toàn bộ hàng hóa của 500 tiểu thương kinh doanh tại đây, trong đó có nhiều mặt hàng như: điện tử, hàng tạp hóa, thuốc bắc, mỹ phẩm... không thể khôi phục sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Anh, chủ quầy vải 171 đang bê những kiện vải không bị lem màu ra phơi, mồ hôi nhễ nhại cho biết: "Tôi kinh doanh hàng vải ở Kỳ Anh vài chục năm nay nhưng chưa cơn bão nào gây nhiều thiệt hại như bão số 10. Toàn bộ số vải của nhà tôi chìm trong nước. Những kiện vải trắng thì đã bị lem màu, giờ tôi chỉ cố vớt vát số vải màu còn lại".

Mất mát nặng nề nhất sau bão số 10 phải kể đến những hộ nuôi trồng thủy sản. Tại Hà Tĩnh, trên 3.100 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100 ha mặn, lợ (800ha tôm và 300ha nhuyễn thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn. Công ty Grobet có khoảng 60 tấn tôm ở xã Kỳ Phương chưa thu hoạch kịp đã bị thiệt hại nặng.

Thống kê bước đầu cho thấy, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 69.112 nhà dân bị đổ, tốc mái; trong đó, các địa phương có số nhà bị thiệt hại nhiều nhất là thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà... Mưa bão còn làm ngập 29 thôn với 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông, trong đó tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên bị ngập toàn xã với 2.400 hộ có nơi ngập sâu từ 0,6 - 0,7 mét.

Bão số 10 cũng khiến nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh Hà Tĩnh bị tê liệt, có nơi chưa thể khắc phục được; hàng ngàn cột điện hạ thế, đường điện thắp sáng bị đổ gãy. Riêng tại thị xã Kỳ Anh, cột ăng-ten Đài Phát thanh - Tuyền hình và cột phát sóng Viettel bị đổ sập dẫn đến mất liên lạc nhiều giờ.

Tại Quảng Bình, sau khi bão số 10 đi qua, hệ thống điện lưới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cột điện bị gãy, đổ, hàng chục nghìn mét dây điện bị đứt, hư hỏng, tình hình khắc phục sự cố gặp rất nhiều khó khăn, một số địa phương trong tỉnh vẫn chưa có điện trở lại. Nhiều tuyến đường, các phương tiện tham gia giao thông bị gặp trở ngại khi lưu thông do cột trụ và day điện đổ gãy chắn ngang mặt đường. Để sớm khắc phục, Tổng Công ty điện lực miền Trung đã chỉ đạo ngành điện tỉnh Quảng Bình và huy động thêm lực lượng từ các tỉnh trong khu vực để khẩn trương khôi phục điện lưới cho người dân sử dụng.

Điện lực Quảng Bình tích cực khắc phục sự cố điện do bão gây ra để sớm đóng điện phục vụ đời sống và sản xuất. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Theo báo cáo của Công ty điện lực Quảng Bình, bão số 10 đã khiến hơn 300 cột điện cao áp bị gãy đổ, hơn 45 nghìn mét đường dây cao áp bị đứt, 390 cột điện hạ áp bị gãy, đổ với hơn 5.300 mét dây dẫn hạ áp các loại bị hỏng. Ngoài ra còn hàng nghìn công tơ, trạm biến áp bị hư hỏng, ước tính thiệt hại gần 50 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Tân, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: "Mất điện khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ở đây đa số người dân đều dùng giếng khoan, vì thế, mất điện kéo dài khiến chúng tôi không có nước sử dụng, mọi sinh hoạt đều gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng và ngành điện lực cố gắng khắc phục, thu dọn cột điện đổ gãy, hệ thống đường dây điện để đường xá lưu thông và sửa chữa kịp thời để bà con sớm có điện sinh hoạt".

Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty điện lực miền Trung cho biết: Ngay sau khi bão số 10 đi qua, đơn vị đã chỉ đạo, triển khai về các địa bàn kiểm tra nắm tình hình, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng của Tổng Công ty điện lực miền Trung tại các tỉnh không bị ảnh hưởng, gồm người và phương tiện, xe cẩu để tập trung sửa chữa, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Với quyết tâm cao, ngành điện lực sẽ nỗ lực, khẩn trương khắc phục thiệt hại, cố gắng sớm đóng điện trở lại để bà con ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất. Trong ngày 16/9, tại các thành phố, thị trấn sẽ có điện trở lại; còn vùng sâu, vùng xa thì khoảng 2 hoặc 3 hôm nữa sẽ có.

Công ty điện lực Quảng Bình cũng đã tổ chức các đoàn công tác, trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại của hệ thống lưới điện trên toàn tỉnh; khẩn trương khắc phục thiệt hại ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề do mưa bão gây ra, đồng thời chỉ đạo đóng điện trở lại ở một số địa phương để bà con nhanh chóng ổn định sản xuất, sinh hoạt…

Theo đó, vào chiều tối ngày 15/9, một số địa phương ở Quảng Bình đã sớm có điện như: một số phường ở thành phố Đồng Hới; vùng trung tâm thị xã Ba Đồn; trung tâm các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Dự kiến, chiều tối 16/9, trung tâm các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa sẽ có điện. Riêng một số địa phương có hệ thống cột điện bị gãy đổ, hư hỏng nặng như huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch, ngành điện đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục và sớm nhất là tối 17/9 sẽ có điện ở khu vực trung tâm các huyện trên.

Một số nơi chưa có điện trở lại, người dân đã chủ động dùng máy phát điện, máy nổ để kịp thời phục vụ những nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của gia đình. Anh Lê Văn Chiến, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho hay, rạng sáng 15/9, địa phương đã bị cúp điện hoàn toàn và đến 16/9 vẫn chưa có lại. Sau bão, các cột điện trên địa bàn đều bị gãy đổ hoặc hư hỏng nặng, khả năng sẽ lâu mới khôi phục trở lại. Vì thế để có điện sử dụng tạm thời, gia đình anh Chiến đã đầu tư mua máy phát nổ để phát điện. Sáng 16/9, nhiều người trong làng cũng đã đến gia đình anh Chiến để nấu ăn, bơm nước, sạc điện thoại…

Hiện nay, công tác khắc phục sự cố điện lưới đang gặp nhiều khó khăn do số lượng cột điện bị đỗ gãy rất lớn, giao thông đi lại khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực của Tổng Công ty điện lực miền Trung và ngành điện Quảng Bình, hy vọng lưới điện sẽ sớm được khắc phục để cấp điện trở lại phục vụ nhân dân trong thời gian sớm nhất.

Ngành điện lực Quảng Bình khuyến cáo người dân cẩn thận, chú ý quan sát khi đến gần các cột điện hoặc hệ thống điện lưới đã bị gãy đỗ, hư hỏng… để tránh xảy ra những tai nạn không đáng có.

Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống

Tại Quảng Trị, cơn bão số 10 đi qua khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Ngày 16/9, chính quyền địa phương đang gấp rút khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nhà dân bị tốc mái. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Huyện Vĩnh Linh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, từ lúc 9 giờ 15 phút sáng ngày 15/9, cơn bão số 10 đã khiến hàng loạt cây cối đổ gãy đè lên đường dây hạ thế khiến cả huyện mất điện hoàn toàn. Ngay sau khi cơn bão đi qua, điện lực Vĩnh Linh đã triển khai lực lượng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, sửa chữa đường dây. Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, điện lực tỉnh đã khôi phục sự cố cấp điện cho thị trấn Hồ Xá và một số xã. Tính đến ngày 16/9, trên địa bàn huyện vẫn còn có 4 xã: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Nam và Vĩnh Trung mất điện.

Ông Trần Đình Quốc, xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh cho biết: "Bão đi qua khiến không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ dân trong xã bị thiệt hại nặng về cây cao su, hồ tiêu và cây ăn quả. Từ trưa 15/9 đến nay, cả xã rơi vào tình trạng mất điện. Hiện nay, các công nhân điện lực đang triển khai phương tiện, máy móc và nhân lực sữa chữa đường dây liên tục để sớm cấp điện cho bà con…"

Sau cơn bão số 10, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 10.000 hộ dân tại 4 huyện là Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ bị mất điện sau bão. Mọi công tác khắc phục sữa chữa lưới điện vẫn đang được triển khai. Nguyên nhân chính dẫn đến sự cố trên hầu hết là do gió lớn làm cây gãy đổ làm đứt dây diện, chập điện ngoài hành lang. Ngành điện lực đang huy động 100% nhân lực tập trung sửa chữa đường dây.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc điện lực Vĩnh Linh cho biết: "Trước và sau cơn bão, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân lực và vật lực tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống điện nhằm khắc phục sự cố. Khó khăn lớn nhất hiện nay là anh em phải mất rất nhiều công sức để chặt bỏ cây gãy đổ đè lên đường dây, gãy cột điện. Tuy nhiên, mọi công tác khắc phục vẫn được triển khai cố gắng hoàn thành sớm để phục vụ cho người dân…"

Cơn bão số 10 đi qua đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân Quảng Trị với hơn 1.500 ngôi nhà bị tốc mái, 4 người bị thương, hơn 2.000 ha cao su bị gãy đổ cùng hàng trăm héc-ta hoa màu bị thiệt hại... Chính quyền địa phương và người dân vẫn đang nỗ lực dọn vệ sinh môi trường, chặt bỏ cây gãy đổ, dọn dẹp, phát quang; huy động lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân chống đỡ cây cao su ngã, đổ, thu hoạch lúa, sữa chữa lợp lại nhà bị tốc mái…

Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/cac-dia-phuong-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-so-10-20170916153540762.htm