Các địa phương, đơn vị hưởng ứng Tết trồng cây

Ngày 15-2, tại Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) tổ chức lễ phát động 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' Xuân Tân Sửu 2021. Sau lễ phát động, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã tích cực hưởng ứng và tham gia trồng được hơn 20.500 cây xanh các loại tại thao trường huấn luyện, rừng tập trung và trong khuôn viên đơn vị.

Ngư dân đưa lưới mới lên tàu tại cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).Ảnh: MINH HƯNG (TTXVN)

Ngư dân đưa lưới mới lên tàu tại cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).Ảnh: MINH HƯNG (TTXVN)

Ngày 15-2, tại Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021. Sau lễ phát động, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã tích cực hưởng ứng và tham gia trồng được hơn 20.500 cây xanh các loại tại thao trường huấn luyện, rừng tập trung và trong khuôn viên đơn vị.

Ngày 15-2, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk tổ chức phát động Tết trồng cây. Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia trồng hơn 1.000 cây xanh, gồm các loại cây ăn trái, cây bóng mát chung quanh doanh trại, thao trường huấn luyện...

Dịp Tết trồng cây năm nay, TP Hà Nội phấn đấu trồng từ 200 đến 250 nghìn cây bóng mát, cây lấy gỗ và khoảng 200 nghìn cây lâm nghiệp, cây ăn quả các loại. Bên cạnh đó, thành phố cũng bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với diện tích 27.756 ha rừng và đất lâm nghiệp.

Mục tiêu trong năm 2021, tỉnh Nghệ An sẽ trồng mới hơn 18.000 ha rừng nguyên liệu để đáp ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ ép, cơ sở gỗ dăm trên địa bàn. Riêng vụ xuân năm nay sẽ triển khai trồng hơn 5.000 ha tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn...

Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Gia Lai trồng mới gần 25.300 ha rừng, góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng đạt 46,7%. Để hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 40.000 ha rừng trong giai đoạn 2020 - 2025, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%, tỉnh đã nhân rộng các mô hình trồng mới, giữ rừng nhằm phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.

Thời tiết thuận lợi, nên từ ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, ngư dân Diễn Châu (Nghệ An) đã ra biển khai thác ruốc, bình quân khoảng 200 tấn/ngày. Mỗi bè mảng ngư dân khai thác được từ một đến hai tạ hải sản, trong đó phần lớn là ruốc biển. Do giá ruốc cao nên mỗi ngư dân có thể thu về từ 1 đến 2 triệu đồng/ngày. Riêng ngày mồng 4 tháng Giêng, tại cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu đã có gần 50 chủ tàu làm thủ tục xuất cảng.

Đầu năm mới Tân Sửu, tranh thủ thời tiết nắng đẹp, ngư dân xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra khơi đánh bắt hải sản. Hiện nay, toàn xã có 235 tàu đánh bắt thủy hải sản, trong đó 170 thuyền chuyên đánh bắt cá cháo. Giá cá cháo dao động từ 110 đến 130 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi chuyến đi biển ngư dân có thể thu từ 5 đến 7 triệu đồng.

Sau Tết Nguyên đán, ngư dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức lễ hội ra quân đánh bắt đầu năm. Sau buổi lễ, nhiều tàu cá đã ra khơi đầu năm mang theo mong ước năm mới thuận buồm xuôi gió, chuyến biển bội thu. Năm 2021, phường Phổ Thạnh phấn đấu khai thác hơn 45 nghìn tấn hải sản các loại, trong đó có 25 nghìn tấn hải sản xuất khẩu.

Nhiều nông dân, ngư dân, diêm dân tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuống đồng, ra khơi ngay những ngày đầu năm với mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, nhiều ngư dân ra khơi đã đánh bắt hải sản đạt kết quả khá tốt.

Theo các vựa cua ở tỉnh Cà Mau, do lượng cung ít hơn cầu cho nên sau Tết Nguyên đán giá cua tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cua gạch son loại 1, tại vựa thu mua với giá hơn 800 nghìn đồng/kg, tăng 80 đến 100 nghìn đồng/kg; cua loại 4 con/kg giá 180 đến 240 nghìn đồng/kg, tăng 30 đến 50 nghìn đồng/kg... Với giá này, mỗi héc-ta thả nuôi, nông dân thu nhập từ 50 đến hơn 100 triệu đồng.

Ngày mồng 4 tháng Giêng, nông dân các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn… (Lào Cai) phấn khởi xuống đồng, để kịp thời vụ sản xuất. Tại huyện Văn Bàn, vụ đông xuân 2021, gieo cấy 3.345 ha lúa. Hiện nay, nhân dân đã gieo gần 120 tấn thóc giống, bảo đảm đủ mạ để cấy hết diện tích.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang gieo cấy được hơn 6,2 nghìn ha lúa và trồng hàng nghìn héc-ta rau màu các loại. Trong đó huyện Tân Yên có tiến độ gieo cấy đạt cao nhất với hơn 4,2 nghìn ha lúa được gieo cấy xong, đạt gần 80% kế hoạch.

Đến ngày 14-2, nông dân tỉnh Bắc Ninh đã gieo cấy được hơn 4.500 ha lúa đông xuân. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhân dân tập trung hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất nhằm tạo điều kiện chăm sóc lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo kế hoạch vụ lúa đông xuân năm nay của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) gieo trồng 1.264 ha. Hiện tại nhân dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để chăm bón, phun thuốc phòng bệnh cho lúa, đồng thời tập trung phủ xanh những diện tích trà xuân muộn còn lại để kịp thời vụ.

Hiện nay, lúa đông xuân tại tỉnh Bình Định đang bị nhiều đối tượng gây hại, trong đó chuột gây hại khoảng 55 ha, nhiều diện tích bị gây hại cục bộ từ 5 đến 15%; bệnh đạo ôn lá, cổ lá cũng phát sinh gây hại 5 ha... Sau Tết Nguyên đán, nông dân đã ra đồng kiểm tra, phát hiện nhằm phòng, trừ các đối tượng gây hại, bảo vệ lúa.

Đến ngày 14-2, tại tỉnh Hải Dương còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch, trong đó có 3.205 ha hành, 621 ha cà-rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá với sản lượng ước tính khoảng 90.767 tấn. Khoảng 90% số cà-rốt và 30% số rau các loại được xuất khẩu, còn lại được tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản đang gặp khó.

UBND thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) vừa đến thăm và hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất xảy ra ngày 14-2 tại khu vực khóm 3, phường Thành Phước. Theo đó, ngoài bảy hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp thì có năm hộ nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở đã được đề nghị di dời đến nơi an toàn. Địa phương đã hỗ trợ 12 hộ này mỗi hộ 5 triệu đồng để ổn định cuộc sống, chờ bố trí tái định cư.

Nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phương

Ngày 15-2, Cục Kiểm lâm cho biết, do nhiều ngày không có mưa, thời tiết khô hanh nên nhiều khu vực ở các tỉnh như: Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau có nguy cơ cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng theo quy định.

Không khí lạnh sắp ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, chiều tối và đêm nay (16-2), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Đến ngày 17-2 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 17-2 ở Bắc Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 đến 18oC, vùng núi có nơi dưới 14oC.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cac-dia-phuong-don-vi-huong-ung-tet-trong-cay-635544/