Các địa phương đã thực hiện tốt vai trò tham mưu thực hiện tốt công tác dân tộc

Ngày 10-7, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân tộc (CTDT) 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 các tỉnh khu vực phía Bắc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Cường Mạnh

Dự thảo báo cáo Kết quả thực hiện CTDT, chính sách dân tộc 6 tháng đầu năm 2018 các tỉnh, thành phố phía Bắc nêu rõ: CTDT tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. UBDT đã xây dựng, hoàn thiện 11/11 đề án, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Có 8 đề án, chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành. Các địa phương đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho tỉnh trong việc thực hiện CTDT nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.

Các chương trình như: Chương trình 135; đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; chính sách “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bào khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số… tiếp tục được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách dân tộc vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số đề án, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay chưa được bố trí vốn để triển khai, thực hiện; văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách của một số bộ, ngành ban hành còn chậm; công tác phối hợp giữa các sở, ngành với Ban Dân tộc các địa phương chưa chặt chẽ; việc triển khai thực hiện một số chính sách còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp…

6 tháng cuối năm 2018, UBDT định hướng những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và giai đoạn 2016-2020; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đã ban hành; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện, bổ sung các đề án thuộc chương trình công tác năm 2017, 2018; xây dựng tốt kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công tác thông tin, tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

UBDT đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét cân đối ngân sách, bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, chính sách đã phê duyệt. Đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho UBDT tiếp cận các nguồn vốn ODA để tăng nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đề nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành để thực hiện tốt các chính sách dân tộc…

Tại hội nghị, đại diện Ban Dân tộc các tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị việc bố trí vốn để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; chính sách “Hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 và các đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025; đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”…. Các tỉnh cũng đề nghị Trung ương ban hành cơ chế lồng ghép vốn Chương trình 135 với Chương trình Nông thôn mới, có chính sách khuyến khích các xã, thôn, bản hoàn thành mục tiêu chương trình… Bên cạnh đó, cán bộ làm CTDT các tỉnh cũng bày tỏ tâm tư xoay quanh chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan CTDT cấp tỉnh, huyện; cơ chế cho công tác rà soát các thôn bản đặc biệt khó khăn sau bão lũ để có chính sách hỗ trợ phù hợp…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải yêu cầu trong thời gian tới, Ban Dân tộc các tỉnh cần đẩy mạnh vai trò tham mưu về chính sách dân tộc; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành địa phương trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời, ổn định công tác tổ chức theo đề án tinh gọn, sắp xếp bộ máy cơ quan làm CTDT địa phương. Các địa phương cần chủ động đưa vào Kế hoạch công tác năm 2019 nhiệm vụ điều tra thực trạng kinh tế- xã hội 53 dân tộc thiểu số; nhiệm vụ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số; thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018.

Cường Mạnh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cac-dia-phuong-da-thuc-hien-tot-vai-tro-tham-muu-thuc-hien-tot-cong-tac-dan-toc/