Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 14

Để chủ động ứng phó với bão số 14, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều hoạt giải pháp, chủ động ứng phó.

Tại Bình Thuận, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt có thể xảy ra do bão số 14, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi, bằng mọi phương tiện kêu gọi vào bờ ngay, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh và tổ chức sắp xếp, neo đậu chắc chắn, kéo tàu nhỏ lên bờ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ gây gió mạnh, sóng lớn, kết hợp mưa to gây lũ và xả lũ các hồ. Chỉ đạo neo buộc lồng bè thủy sản chắc chắn hoặc chuyển lên bờ nuôi giữ tạm.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, bệnh viện, chặt tỉa cây xanh,…đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. Đồng thời, rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường gây nguy hiểm; các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở. Kiểm tra, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực ngập lụt, sạt lở. Hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Ngư dân Bình Thuận dọn dẹp ngư lưới cụ trên tàu tại cảng Phan Thiết để phòng tránh bão số 14. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Hiện nay, tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường; trong đó có 12 hồ chứa đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn và cống lấy nước để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã phân công trực 24/24h, tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi; phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương thành lập đoàn đi kiểm tra an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, theo dõi, chỉ đạo vận hành hồ theo đúng quy trình, thông báo xả lũ và tiến hành xả trước một số hồ vào lúc 18 giờ ngày 18/11 để hạ thấp cao trình có dung tích phòng lũ hiệu quả (lưu lượng xả từ 30 – 70 m 3/s).

Tổng số tàu thuyền toàn tỉnh hiện có 7.196 chiếc với 38.298 lao động. Tính đến 18 giờ ngày 18/11, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 203 chiếc với 835 lao động. Tất cả các phương tiện này hiện đang di chuyển về bờ, dự kiến đến 12 giờ đêm nay (18/11) sẽ vào đến bờ để neo đậu. Tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu trong tỉnh là 128 chiếc/727 lao động. Tổng số bè nuôi trồng thủy sản trên biển toàn tỉnh là 89 bè với 1.471 lồng.

UBND các địa phương đã thông báo cho các chủ bè biết tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 14 để gia cố, chằng buộc an toàn, thu hoạch sớm hoặc vớt đưa lên bờ tránh bão, kiên quyết không để người trên các lồng bè. Tỉnh cũng lên phương án khi bão đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh sẽ có 35 điểm dân cư, với 35.209 khẩu của 7 địa phương phải thực hiện di dời. Khi xảy ra lũ có 94 điểm dân cư, với 8.452 hộ/35.658 khẩu của 9 địa phương phải di dời dân.

* Tại Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của bão số 14, chiều tối 18/11, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ xảy ra mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều khu vực, tuyến đường bị ngập nước, giao thông bị ùn tắc khiến người dân đi lại khó khăn.

Ngập nặng nhất là đoạn quốc lộ 1 qua khu vực vòng xoay An Lạc, nước ngập sâu gần 1 mét khiến nhiều phương tiện không thể di chuyển, khi lượng phương tiện đổ về càng lúc càng đông đã gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Do ngập sâu, nhiều xe máy khi lưu thông về đây phải quay đầu tìm lối đi khác gây nên tình trạng hỗn loạn giao thông trên đường. Đồng thời, quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh cũng bị ngập nặng hơn 50 cm, giao thông bị ùn ứ nặng nề, rất nhiều xe bị chết máy phải dẫn bộ trên vỉa hè.

Tại khu vực quận Thủ Đức, đoạn đường Võ Văn Ngân giao với Phạm Văn Đồng bị ngập sâu, người dân di chuyển qua đây gặp rất nhiều khó khăn, nước từ các khu vực cao xung quanh đổ xuống đoạn trũng này khiến nơi đây bị ngập lút dải phân cách. Đoạn đường Tô Ngọc Vân giao với đường sắt Bắc Nam nằm ở khu vực trũng thập cũng bị ngập nặng, rất nhiều người phải dẫn bộ xe máy qua đoạn đường này vì mức ngập tại đây thường xuyên gây ra hiện tượng chết máy xe.

Theo các sinh viên tại kí túc xá khu B, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức), mưa lớn kèm gió giật đã khiến nhiều cửa kính cửa các phòng ở lầu cao bị bể, nước tạt vào phòng làm ướt nhiều đồ đạc và sách vở, sinh viên phải di chuyển đồ đạc ra ngoài hành lang để tránh bị ướt. Đây là lần đầu tiên khu vực kí túc xá hiện đại này bị sự cố vỡ kính do gió giật.

Bên cạnh đó, trên đường Nguyễn Xí (đoạn Đinh Bộ Lĩnh - chân Cầu Đỏ, quận Bình Thạnh) nước ngập dâng cao, kéo dài một đoạn hơn 500 m, một số điểm nước dâng cao gần ngập cả bánh xe máy, hàng loạt xe bị chết máy vì nước ngập, người dân phải vật vã đẩy bộ tìm nơi sửa. Tương tự, đường Đinh Bộ Lĩnh đoạn trước bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), các phương tiện nối hàng dài nhích từng chút một do mưa lớn khiến phương tiện bị ùn ứ.

Theo thông báo từ bản đồ cảnh báo ngập nước UDI của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, có gần 20 tuyến đường bị ngập nặng do mưa lớn, ngập nặng nhất là đường Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, đương Song hành Quốc lộ 22, Bà Điểm, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Hồ Học Lãm, Gò Dầu, Quang Trung, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Dương Văn Cam, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai…

Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 14, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực Nam bộ có mưa lớn kèm gió giật mạnh, lượng mưa từ 60-80 mm, có nơi lên đến 100 mm. Dự báo mưa lớn sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới khi bão số 14 vào đất liền trở thành áp thấp nhiệt đới.

* Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, từ chiều 18/11, các hồ thủy điện ở Thừa Thiên - Huế có lệnh xả lũ trong vòng 72 giờ, nhằm đưa mực nước các hồ về ngưỡng cho phép để đón đợt lũ mới có thể xảy ra.

Đối với hồ thủy điện Bình Điền, đơn vị chủ quản cho vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ 80,6m trong thời gian 72 tiếng; với lưu lượng điều tiết tăng dần qua tràn và tuabin khoảng 400m3/s. Trước đó, mực nước hồ thủy điện Bình Điền lúc 7h ngày 18/11 là 84m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương là 3,4m.

Đối với hồ thủy điện Hương Điền, vận hành điều tiết qua tràn và qua tua bin với lưu lượng tránh đột biến khoảng 400m3/s đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ 56m. Trước đó, mực nước hồ thủy điện Hương Điền lúc 7h ngày 18/11 là 57,44m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định là 1,44m.

Đối với hồ Tả Trạch, vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng 400m3/s, đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ 35m. Mực nước hồ Tả Trạch lúc 7 giờ ngày 18/11 là 38,22m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định là 3,22m. Trong thời gian điều tiết xả lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương vùng hạ du theo dõi chặt chẽ điến biến của mực nước và nghiêm cấm hoạt động các tàu thuyền trên các con sông chính.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hùng cho biết, theo dự báo, trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, do có một bộ phận không khí lạnh mạnh ảnh hưởng xuống phía Nam. Đến ngày 19/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung bộ, sau đó ảnh hưởng tới các tỉnh Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ ngày 19-25/11, có mưa to đến rất to, tổng đợt mưa trong đợt này từ 300-400mm.

Để chủ động ứng phó với bão số 14, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương tổ chức kêu gọi toàn bộ tàu thuyền trên biển về nơi trú ẩn an toàn và cấm biển từ 9 giờ sáng ngày 18/11. Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiêm cấm các tàu thuyền du lịch, khai thác cát trong thời gian điều tiết xả lũ.

Các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa khẩn trương khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 12 và trận mưa lớn vừa qua; vừa tổ chức rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng di dời đến nơi an toàn; tổ chức dự trữ nhiên liệu, lương thực theo phương châm "4 tại chỗ" và các công trình xây dựng, hồ thủy điện, thủy lợi có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, tổ chức trực ban theo dõi quan trắc diễn biến để chủ động ứng phó mưa lũ...

Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-14-20171118225239534.htm