Các địa phương chủ động thực hiện phòng dịch COVID-19

Trước việc COVID-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đang được các địa phương quan tâm.

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Trước việc COVID-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố, việc chủ động phòng, chống dịch đang được các địa phương quan tâm.

Chiều 4/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 3/8, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 3 ca mắc COVID-19, gần 1.300 người đang thực hiện cách ly tập trung; hơn 10.000 trường hợp tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành bày tỏ lo lắng về mức độ lây lan của dịch COVID-19 trong tình hình hiện tại, nhất là khi Đồng Nai vừa ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 và có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết Bộ Y tế mới công bố thêm ca bệnh 669 tại Đồng Nai là nam, 50 tuổi), trú tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa (là chồng của bệnh nhân 595).

Ngày 27/7 và ngày 1/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và lần 2 với kết quả đều là âm tính với SARS-CoV-2; ngày 3/8, cuộc xét nghiệm lần 3 cho kết quả dương tính.

Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng cho biết thông thường, những ca mắc COVID-19 có nguy cơ lây lan trong cộng đồng trước 3 ngày tính từ thời gian khởi phát bệnh và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Do đó, những người tiếp xúc với người mắc COVID-19 trước khi khởi bệnh khoảng 3-5 ngày đều thuộc nhóm nguy cơ cao, cần được cách ly, theo dõi sức khỏe tại những khu cách ly tập trung.

Bệnh nhân 669 là bác sỹ trong Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đã tiếp xúc với nhiều y bác sỹ trong bệnh viện và bệnh nhân.

Ông Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết, dù ngay sau khi phát hiện ca bệnh, bệnh viện đã tổ chức cách ly, khoanh vùng, phong tỏa khu vực làm việc và thực hiện cách ly 14 ngày đối với bác sỹ trên, song tâm lý của người dân, đặc biệt là những bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, vẫn rất hoang mang, lo lắng.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, nêu rõ, khi đã phát hiện ca bệnh có nguy cơ lây lan trong cộng đồng thì bắt buộc phải thực hiện các biện pháp phòng, chống triệt để, không để lây lan dù có thiệt hại tới nền kinh tế.

Nếu bệnh viện không đủ kinh phí hoạt động (do bị phong tỏa để phòng dịch) thì lãnh đạo bệnh viện cần làm báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh để tỉnh có phương án hỗ trợ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng đánh giá cao sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương ở Đồng Nai trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng Nai có thuận lợi là tuy có ca bệnh nhưng nguồn gốc được biết rõ nên tỉnh đã vào cuộc sớm, thực hiện cách ly, truy vết, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, dù Đồng Nai đang tập trung mọi nguồn lực chống dịch COVID-19, một số lĩnh vực\bị ảnh hưởng, song trong thời gian tới Đồng Nai cần tập trung giãn bớt số bệnh nhân trong các cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý đến những người cao tuổi, không để lây chéo bệnh trong bệnh viện.

Cơ sở y tế cần tập trung sàng lọc, cảnh giác và phòng ngừa lây nhiễm dịch; thực hiện tốt công tác giám sát vì đây là bước quan trọng giúp phát hiện sớm các ca bệnh; nâng cao việc bảo hộ cho các nhân viên y tế.

Ngày 4/8, lãnh đạo Đồn Biên phòng Lăng Cô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, đơn vị vừa phát hiện 6 người ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc trốn từ vùng dịch trở về theo đường ven bờ biển. Tất cả những người này đã được kiểm tra y tế và đưa vào khu cách ly y tế tập trung theo quy định.

Trước đó, tối 3/8, Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Lăng Cô phát hiện tại tổ dân phố An Cư Đông 2 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) một nhóm gồm 6 người đi theo đường ven biển từ bến Nam Ô (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) ra tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo điều tra ban đầu, những người này là lao động làm thuê cho tàu cá ở thành phố Đà Nẵng. Do mưa, dông, các tàu cá không ra khơi nên những người này tìm cách về lại quê, tránh các chốt kiểm tra y tế.

Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Lăng Cô đã bàn giao 6 người trên cho chốt kiểm tra y tế số 5 của tỉnh Thừa Thiên-Huế để kiểm tra nhiệt độ, lấy lời khai y tế và đưa đi cách ly tập trung.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đang bố trí 2 chốt kiểm soát y tế ở phía Nam, gồm chốt kiểm soát số 5 dưới chân đèo Hải Vân và chốt kiểm soát số 6 trên Quốc lộ 1A, ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Những công dân trở về Thừa Thiên-Huế từ các địa phương có dịch đều phải khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt tại các chốt này. Sau đó, họ sẽ được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế bố trí phương tiện đưa về các khu cách ly tập trung của tỉnh.

Tính đến ngày 3/8, tổng số người từ vùng dịch trở về Thừa Thiên-Huế chưa qua 14 ngày là 21.955 người. Địa phương đã tổ chức cách ly y tế tập trung 927 trường hợp; cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú hơn 9.500 trường hợp; khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn gần 10.000 trường hợp. Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chỉ đạo khởi động lại Khu cách ly tập trung T4 (Trường Nghiệp vụ Thuế) để đón người đến cách ly tập trung theo quy định trong thời gian tới.

*Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; triển khai thực hiện nhiều biện pháp cấp bách nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Các cơ quan chức năng như: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động rà soát, cập nhật thông tin hàng ngày để kịp thời có biện pháp khoanh vùng xử lý, không để lây lan dịch bệnh.

Các tình nguyện viên ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phát khẩu trang miễn phí cho người dân. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận, ngay khi Bộ Y tế công bố các ca bệnh xảy ra ở Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp phòng, chống ở mức cao nhất theo Chỉ thị số 19/CT-TTg.

Tỉnh đang hoàn tất công tác chuẩn bị để phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng kịch bản đề ra; đảm bảo sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống; theo sát diễn biến dịch, kiên định nguyên tắc “4 tại chỗ” đồng thời thực hiện triệt để 5 bước: chủ động ngăn chặn-phát hiện sớm-cách ly kịp thời-khoanh vùng gọn-dập dịch và điều trị hiệu quả.

Ninh Thuận cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, chủ động biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xem “chống dịch như chống giặc”; qua đó, cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến cáo người dân trở về từ vùng dịch phải chủ động khai báo y tế và cách ly tại nhà theo đúng quy định.

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận, cho biết đến ngày 3/8, Ninh Thuận có 1.178 người trở về từ các địa phương có dịch. Các trường hợp trên đã khai báo y tế, đồng thời tự cách ly tại nhà theo quy định với sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan y tế.

Trung tâm đã tiến hành xét nghiệm đối với các trường hợp đi về từ vùng dịch để kịp thời kiểm soát, phát hiện nguy cơ lây nhiễm, phát sinh dịch bệnh, cách ly, điều trị và không để dịch bệnh bùng phát. Tại Ninh Thuận, đến thời điểm này chưa có trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 830 trường hợp; trong đó có 424 người có kết quả xét nghiệm âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.100 người được cách ly để theo dõi sức khỏe.

Trong có 6 trường hợp nghi mắc COVID-19 được cách ly tại Khu sàng lọc điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có 3 người đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính; 3 người đang tiếp tục được theo dõi sức khỏe.

Liên quan đến các ổ dịch tại hai tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, đến nay hệ thống giám sát y tế tỉnh Bình Dương đã lấy mẫu xét nghiệm 46 trường hợp nghi ngờ, từng đến Đà Nẵng và các tỉnh lân cận trong thời gian từ ngày 1/7/2020.

Hiện nay 35 mẫu xét nghiệm đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, còn 11 trường hợp đang chờ kết quả từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Bình Dương có 4.193 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng được phát hiện và khai báo y tế. Hiện tại 27 trường hợp được cách ly y tế tập trung, 3.022 trường hợp được cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú và 1.144 trường hợp tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Để chủ động phòng ngừa dịch xâm nhập vào địa bàn, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương vừa có văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị tạm dừng hoạt động lễ hội, giải thi đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng và các sự kiện chưa cần thiết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, karaoke, vũ trường...

Vào lúc 9 giờ ngày 4/8, qua công tác trinh sát, Trạm Quản lý xuất nhập cảnh Móng Cái (Công an tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra đột xuất nhà nghỉ Lucky Hotel ở số 4 đường Yết Kiêu, phường Ka Long (thành phố Móng Cái), phát hiện hai người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Hai đối tượng là Zhong Qiang Ting, sinh năm 1979; Xu Zhen Xiang, sinh năm 1963, đều có hộ khẩu thường trú tại huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Hai người này không xuất trình được thủ tục xuất nhập cảnh hợp lệ và đã khai nhận hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tìm kiếm việc làm.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái, Trạm Quản lý xuất nhập cảnh Móng Cái đã báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Móng Cái và chuyển hai trường hợp nói trên đến khu cách ly tập trung. Sau thời gian cách ly hai người này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-dia-phuong-chu-dong-thuc-hien-phong-dich-covid19/655625.vnp