Các địa phương chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện các tỉnh phía bắc đã gieo cấy 1,13 triệu héc-ta lúa đông xuân, giảm 0,6% so cùng kỳ năm trước. Các địa phương đang tăng cường phòng trừ rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại cũng như một số sinh vật gây hại như bệnh sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ hại lúa.

Bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa cũng đã xuất hiện tại một số huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn (TP Hà Nội). Hiện, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai các biện pháp phòng trừ; khoanh vùng phun phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu ngay khi lúa trổ bông được 5%.

Ngày 10-5, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ ngày 7-5 đến nay, tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại cây ngô, tổng diện tích nhiễm hơn 693 ha; một số huyện có diện tích nhiễm nhiều như: Ðình Lập (187 ha); Cao Lộc (145,6 ha); Văn Quan (62 ha). Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc để phun trừ , thăm đồng thường xuyên để phát hiện và bắt sâu...

Tại Hòa Bình, thời gian qua có 1.000 ha ngô vụ xuân bị ảnh hưởng do sâu keo mùa thu gây hại, diện tích nhiễm nặng là 139,5 ha, tập trung tại ba huyện Tân Lạc, Mai Châu, Ðà Bắc. Sở NN và PTNT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tiến hành khoanh vùng, xử lý kịp thời.

UBND huyện Ðồng Phú (Bình Phước) và các cơ quan liên quan vừa tiêu hủy đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Ðức Nhân, khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú do nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) theo đúng quy định, đồng thời tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chung quanh nhằm khống chế dịch. Trước đó, đàn lợn của gia đình ông Nhân có bốn con bị chết, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với vi-rút DTLCP.

Chiều 10-5, đại diện Sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa phát sinh thêm 198 con lợn của 21 hộ chăn nuôi ở 13 xã nhiễm DTLCP. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 10.350 kg lợn hơi. Tính đến nay, DTLCP đã xuất hiện ở 55 xã thuộc 13 huyện, thành phố trong tỉnh. Ðến thời điểm này có 18 xã công bố hết DTLCP.

Sở NN và PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh đang thả nuôi hơn 115.600 ha tôm. Thời gian qua, do nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch nhau khá lớn làm 846 ha tôm nuôi thiệt hại. Nguyên nhân tôm chết là do thời tiết bất lợi, mắc các bệnh còi, đốm trắng, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, bệnh vi bào tử trùng…

Chiều 10-5, cơn mưa lớn kéo dài hơn một giờ đã làm nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngập nặng, tập trung ở các quận 1, 2, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Trong đó, khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), dưới chân cầu vượt nước ngập sâu hơn nửa bánh xe làm nhiều xe gắn máy bị chết máy, giao thông ùn ứ.

Ðài Khí tượng - Thủy văn Hà Tĩnh cho biết, trận mưa lớn rạng sáng 10-5 khá lớn, tập trung ở các xã ven biển. Lượng mưa đo được tại trạm Thạch Ðồng là 180 mm, Sơn Lộc, Can Lộc (121 mm), TP Hà Tĩnh (118 mm). Mưa to khiến một số tuyến đường tại TP Hà Tĩnh bị ngập 10 đến 15 cm, đặc biệt đường Nguyễn Du, có đoạn nước ngập hơn 50 cm. Nhiều diện tích lúa chín trên địa bàn chưa kịp thu hoạch đã bị đổ rạp, ngập trong nước.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40151502-cac-dia-phuong-chu-dong-phong-tru-dich-benh-tren-cay-trong-vat-nuoi.html