Các địa phương chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, từ hôm nay (6-6) đến ngày 8-6, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 đến 200 mm/đợt, có nơi hơn 250 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi. Từ ngày 9-6 đến khoảng ngày 11-6, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá: cấp 1.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, từ hôm nay (6-6) đến ngày 8-6, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 đến 200 mm/đợt, có nơi hơn 250 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi. Từ ngày 9-6 đến khoảng ngày 11-6, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá: cấp 1.

Theo dự báo, hôm nay (6-6), khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35oC đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 50 đến 70%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 oC từ 10 đến 16 giờ. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh cho nên nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền trung và Tây Nguyên, từ hôm nay đến ngày 10-6, độ mặn trên các sông thuộc khu vực có xu hướng tăng nhẹ so với những ngày trước đó. Ở một số địa phương lúa hè thu đang trong giai đoạn phát triển. Trước tình trạng nắng nóng gay gắt, để cung cấp đủ nước cho cây trồng vụ hè thu các đơn vị liên quan cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn cũng như diễn biến xâm nhập mặn, chất lượng nước; đồng thời tăng cường kiểm tra kênh mương, đồng ruộng, điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm nước; phối hợp với các đội thủy nông cơ sở tổ chức lấy nước đúng phiên…

Do ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn kéo dài, hiện nay hàng trăm ha đất sản xuất lúa vụ hè thu của hai xã Đại Chánh, Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đối diện khó khăn lớn về nguồn nước tưới phục vụ gieo sạ. Chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục, nâng cấp các trạm bơm, đẩy nhanh tiến độ cấp nước để bà con kịp thời gieo sạ.

Vụ hè thu năm nay, toàn huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) xuống giống 2.207 ha lúa; trong đó, thị trấn Khánh Hải 50 ha; xã Xuân Hải 870 ha; Hộ Hải 579 ha; Tân Hải 275 ha và Phương Hải 433 ha. Địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, hoàn thành xuống giống trước ngày 10-6. Đồng thời, triển khai các biện pháp bảo đảm nước tưới cho cây trồng từ nay đến cuối vụ.

Hiện nay, công suất vận hành nước của Trạm bơm Bến Đình, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) không đủ cung cấp cho người dân sản xuất nông nghiệp. Theo thiết kế Trạm bơm Bến Đình có ba máy bơm với công suất mỗi máy 1.800 m3/h, phục vụ tưới tiêu cho 800 ha diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích sản xuất của người dân đã vượt theo thiết kế ban đầu. Bên cạnh đó, diện tích các loại cây trồng đan xen và không thống nhất trên toàn bộ hệ thống các tuyến kênh cũng gây khó khăn trong công tác vận hành điều tiết, cấp nước tưới… Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch tưới luân phiên, phân chia thành khu vực để cấp nước nhằm bảo đảm lưu lượng cấp nước phục vụ cho diện tích ở xa, cuối kênh.

Tỉnh Kiên Giang đã gieo sạ hơn 211.650 ha lúa hè thu, đạt 76% diện tích. Hiện có hơn 5.320 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh như bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, đạo ôn lá, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, sâu cuốn lá… Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy trên đồng ruộng, quản lý tốt nguồn rầy tại chỗ, tránh để lây lan ra diện rộng và truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho các trà lúa mới xuống giống.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, diện tích cây dừa nhiễm sâu đầu đen toàn tỉnh là 448,2 ha, tăng 54,8 ha so với tuần trước. Sâu gây hại rải rác vườn dừa ở các huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Bình Đại và TP Bến Tre. Trong đó, nhiễm nhẹ 185,73 ha, nhiễm trung bình 130,61 ha, nhiễm nặng 131,85 ha.

Tại Phú Yên, hai nhà máy thủy điện Sông Hinh và sông Ba Hạ chạy phát điện kết hợp xả nước phục vụ sản xuất vụ hè thu vùng hạ du không liên tục, dẫn đến nguồn nước về đầu mối hệ thống đập Đồng Cam thiếu hụt trong nhiều ngày qua. UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn đề nghị các nhà máy thủy điện phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba theo Quyết định số 878-QĐ/TTg ngày 18-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp các nhà máy thủy điện không thực hiện theo yêu cầu và gây thiệt hại cho phục vụ sản xuất, dân sinh ở vùng hạ du thì phải bồi thường cho thiệt hại đó.

Di dời các hộ dân trong vùng sạt lở

Ngày 5-6, đã xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông Châu Đốc đoạn qua tổ 44, ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang) với chiều dài 70 m, chiều sâu vào đất liền từ 10 đến 15 m. Vụ sạt lở đe dọa trực tiếp đến sáu ngôi nhà của các hộ dân. Trong đó có hai ngôi nhà bị sụp hoàn toàn nhà bếp, nhà vệ sinh. Nguyên nhân gây sạt lở được xác định do vị trí sạt lở nằm ngay khúc cua sông Châu Đốc, nước chảy mạnh đạp vào bờ. Dự báo thời gian tới khả năng đoạn sông này tiếp tục bị sạt lở, chính quyền địa phương đã hỗ trợ sáu hộ dân bị ảnh hưởng tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản đến nơi ở mới an toàn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cac-dia-phuong-chu-dong-nguon-nuoc-phuc-vu-san-xuat-649477/