Các địa phương cần được trao quyền chủ động về cơ chế, chính sách

Ngày 1-3, Ban TVTU tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì hội nghị cập nhật kiến thức đối với cán bộ chủ chốt. Ảnh: P.H

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì hội nghị cập nhật kiến thức đối với cán bộ chủ chốt. Ảnh: P.H

Hội nghị đã nghe PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam triển khai 2 chuyên đề về: cải cách thể chế, tạo dư địa mới cho tăng trưởng và phát triển; nâng cao năng lực điều hành của địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo PGS-TS.Trần Đình Thiên, năm 2018 Việt Nam có sự tăng trưởng vượt mức kỳ vọng; kiểm soát được lạm phát; cải cách hành chính bước vào nhịp mới; thu hút đầu tư cao… Cách tiếp cận tăng trưởng ở Việt Nam đã thay đổi, đặt ổn định đi trước, là nền tảng cơ sở cho phát triển... Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, vẫn còn nhiều thủ tục và trói buộc làm hạn chế sự phát triển. Phải cải cách thể chế để tạo động lực phát triển, tạo những đột phá lớn cho Việt Nam. Trong quan hệ của Nhà nước và doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của địa phương được xét từ điều hành của địa phương đối với doanh nghiệp. Năng lực của địa phương là chức năng nhiệm vụ của địa phương đến đâu thì phải làm đúng đến đó và làm giỏi. Địa phương phải có tính chủ động. Mỗi địa phương cần một cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để phát triển. Không thể chia đều về cơ chế, chính sách cho các địa phương để chống bất bình đẳng, tình trạng làm ít, hưởng nhiều. Hiện nay chỉ có 16 tỉnh, thành phố (trong đó có Đồng Nai) nộp ngân sách cho Trung ương, còn lại gần 50 tỉnh Trung ương “nuôi”. Nhiều tỉnh (như Đồng Nai) thu ngân sách hằng năm rất lớn nhưng tỷ lệ được để lại để tái đầu tư rất ít, điều này là chưa hợp lý. Các địa phương cần được trao quyền để chủ động về cơ chế chính sách, tạo đột phá để vượt qua những nút thắt đang trói buộc, cản trở phát triển. Các địa phương trong vùng động lực phát triển cần cơ chế, chính sách vượt trội để thoát khỏi tình trạng tụt hậu…

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201903/cac-dia-phuong-can-duoc-trao-quyen-chu-dong-ve-co-che-chinh-sach-2935433/