Các cường quốc 'đổ xô' giành ảnh hưởng ở châu Phi

Một cuộc chiến kinh tế đang thực sự diễn ra ở khắp châu Phi. Cuộc chiến này có sự hiện diện của Mỹ - cường quốc số 1 thế giới; Nga - cường quốc đang dần phục hồi vị thế; Trung Quốc, Ấn Độ - những 'người khổng lồ' mới nổi. Kết quả của cuộc chiến này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc xác định tương lai của châu lục và triển vọng của các cường quốc trên bình diện thế giới.

Bất ổn, bạo lực triền miên ở châu Phi

Hiện châu Phi đang là trung tâm của nhiều cuộc xung đột. Theo các thống kê từ chương trình dữ liệu về xung đột Uppsala và cơ sở Dữ liệu toàn cầu về khủng bố, các cuộc xung đột vũ trang đã ghi nhận mức đỉnh điểm vào năm 1990-1991, thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh và giảm dần cho đến những năm 2005-2006, ở trạng thái ổn định đến 2010-2011 sau đó lại tăng cao vào năm 2015, nhưng mức độ khốc liệt lần này không thể như giai đoạn 1990-1991. Các chuyên gia nhận định có nhiều yếu tố của tình trạng bạo lực tại châu Phi.

Đầu tiên đó là sự nghèo đói. Các cuộc xung đột vũ trang trong nội bộ một quốc gia rõ ràng phổ biến ở những nước nghèo hơn là những quốc gia phát triển. Đó không phải vì những người nghèo “bạo lực hơn” mà vì các nước nghèo không có khả năng để đảm bảo luật pháp và trật tự.

Theo dự báo được cập nhật với sự hỗ trợ của hệ thống Dự báo tương lai quốc tế (International Futures Forcasting System), khoảng 37% người châu Phi (460 triệu người) đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Đến năm 2030, khoảng 32% người châu Phi vẫn có nguy cơ sống trong tình trạng này.

Thủ tướng Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác với các nước châu Phi để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực này. Ảnh: DNA India.

Châu Phi là châu lục có dân số trẻ. Các quốc gia có dân số trẻ thường phải đối mặt với xu hướng biến động mạnh mẽ hơn do tình trạng một bộ phận lớn thanh niên nam giới dính vào bạo lực và tội phạm. Nếu những người trẻ tuổi không có việc làm và tỉ lệ đô thị hóa tăng cao thì hệ quả tất yếu sẽ là bất ổn xã hội.

Có một thực tế là tăng trưởng không đi đôi với giảm nghèo. Chỉ có một tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự hòa nhập sâu rộng vào môi trường quốc tế cũng như khả năng quản trị tốt mới có thể loại bỏ các yếu tố thuộc về cấu trúc gây ra bạo lực và bất ổn định tại châu lục.

Trung Quốc tăng tốc để cán đích sớm

Điều này giải thích tại sao các nước quyết tâm "tăng tốc" trong chiến lược châu Phi. Trước hết cần phải nhắc tới Trung Quốc. Ngày 19-7-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm chính thức một loạt nước Trung Đông và châu Phi, chuyến thăm được đánh giá là nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực được Trung Quốc coi như vùng cung cấp năng lượng chủ chốt và thị trường nhiều tiềm năng của mình. Châu Phi từ lâu là những khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi với kim ngạch thương mại lên đến 220 tỷ USD. Trong năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu từ 15% - 16% hàng hóa của châu Phi, phần lớn là nhiên liệu, khoáng sản, dầu thô, quặng sắt, kim loại, một lượng nhỏ lương thực, nông sản. Trên thực tế, lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi không chỉ là thương mại, châu lục này còn là nơi cung cấp các nguyên liệu thô dồi dào cho Trung Quốc.

Nghiên cứu của Hội đồng Quốc tế Nga (RIAC) cho biết, năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư thông qua cung cấp các khoản vay cho các nước châu Phi với tổng số tiền vượt quá 100 tỷ USD.

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã tham gia xây dựng hơn 100 khu công nghiệp và 40% trong số đó đã đi vào hoạt động. Trung Quốc đã hỗ trợ 5.756 km đường sắt, 4.335 km đường cao tốc, 9 cảng, 14 sân bay, 34 nhà máy điện, cũng như 10 nhà máy thủy điện lớn và khoảng 1.000 nhà máy thủy điện nhỏ đã được xây dựng ở châu Phi tính đến cuối năm 2016.

Các dự án đường sắt của Trung Quốc ở châu Phi phần lớn được coi là một sự thay đổi cục diện khu vực và có thể giúp thúc đẩy hội nhập chính trị ở "Lục địa đen".

Chính sách "ngoại giao đường sắt" đã giúp tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại "Lục địa đen" trở nên bao trùm, khi Bắc Kinh sở hữu nhiều nhà máy, mỏ khai thác khoáng sản kết hợp với sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch Trung Quốc đổ đến lục địa này. Các chương trình hỗ trợ giáo dục và tác động đến truyền thông càng góp phần làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong suy nghĩ của những người trẻ châu Phi.

Trung Quốc còn tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây với việc cử các đội lính gìn giữ hòa bình gia nhập lực lượng của Liên Hiệp Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Djibouti. Về mặt ngoại giao, châu Phi mang đến cho Bắc Kinh một khối đồng minh lớn trong Liên Hiệp Quốc.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Bắc Kinh tiếp tục củng cố vị thế địa-chính trị ở "Lục địa đen" thông qua việc gia tăng doanh số bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực với quy mô rộng lớn hơn các đối thủ cạnh tranh như Nga và Mỹ. Trung Quốc đã vượt Mỹ khi chiếm 11% xuất khẩu vũ khí sang châu Phi.

Chuyên gia nghiên cứu về châu Phi Cobus van Staden nhận định: "Nắm trong tay các tuyến đường thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc bởi đường bờ biển phía đông bắc của châu Phi chạy dài tới Kênh đào Suez là một khúc đoạn của con đường tơ lụa hàng hải mới". Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi việc thiết lập những quan hệ đối tác mới ở Trung Đông và châu Phi với các thỏa thuận về thương mại, năng lượng và hạ tầng.

Hiện tại, cách hành xử của Trung Quốc với châu Phi khác hẳn những gì mà phương Tây làm với châu lục này. Về mặt kinh tế, cách tiếp cận win - win (đôi bên cùng có lợi) giúp Trung Quốc tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhưng lại “đẩy” được máy móc, công nghệ và nhân công của mình sang các nước châu Phi. Đây cũng là một phần của chiến lược “xuất khẩu tại chỗ” của Trung Quốc vì châu Phi đang được coi là thị trường tiêu thụ khổng lồ.

Cuộc “đổ xô” đến châu Phi của những người cũ

Những khoản đầu tư trị giá lớn của Trung Quốc tràn ngập khắp châu Phi khiến Mỹ lo lắng. Mỹ đang có chiến lược can dự nhiều hơn vào khu vực chiến lược tối quan trọng này thông qua cách tư duy toàn diện, hơn là chỉ phản ứng với từng vụ khủng hoảng đơn lẻ. Sự tham gia của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế với châu Phi vẫn chưa thay đổi nhiều kể từ thời chính quyền George W. Bush.

Mặc dù Ahmed Charai đã viết rằng "người Mỹ có thể tận dụng tiềm năng để bước vào lục địa này trong lĩnh vực kinh doanh, xã hội dân sự, an ninh - và vượt qua mọi giới hạn", nhưng không một chính quyền nào của Mỹ trong vài thập niên qua huy động một nỗ lực ở mức độ như vậy.

Trong khi Mỹ mới chỉ dừng ở tuyên bố nhiều hơn làm, Nga cũng nhìn thấy sự phát triển ở châu Phi và cho biết sẽ sớm gia tăng sự can dự ở châu Phi. Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor cho rằng, Nga có thể sớm gia tăng sự can dự ở châu Phi lên mức độ chưa từng có trong vài thập niên trở lại đây. Moskva từng đóng một vai trò đáng kể trong lịch sử của khu vực châu Phi tiểu Sahara thời Chiến tranh Lạnh.

Trên khắp châu lục, Liên Xô đã cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây trong thời gian dài. Tuy nhiên, sự quan tâm của Nga đối với châu Phi nhạt dần sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Khu vực này có lẽ từng mất khá nhiều tầm quan trọng địa chính trị, song giờ đây trong bối cảnh Điện Kremlin đang ngày càng khẳng định ảnh hưởng của mình ở nước ngoài, khu vực châu Phi đem lại cho Nga cơ hội để mở rộng tầm với ra toàn cầu nếu như họ muốn làm điều đó.

Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại châu Phi. Ảnh: The Telegraph.

Báo Độc lập (Nga) số ra mới đây có bài viết cho biết các quốc gia châu Phi ngày càng mong muốn Nga mở rộng vai trò ở lục địa này. Trả lời Tạp chí Hommes dAfrique, ông Lavrov nói: Những người bạn châu Phi đang quan tâm đến sự hiện diện tích cực của Nga trong khu vực cũng như ngày càng tích cực tổ chức các hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi. Ông Lavrov dự đoán thị trường lớn nhất ở châu Phi sẽ nổi lên trong thập niên tới và điều này sẽ góp phần cho sự gia tăng dân số và sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên.

Nhận định về mối quan hệ hợp tác giữa Nga và các quốc gia châu Phi, ông Lavrov nói: “Hợp tác kinh tế hiện còn chưa mạnh mẽ như hợp tác chính trị cho dù trong vài năm trở lại đây đã có sự tăng trưởng kinh tế nhất định. Kim ngạch thương mại của Nga với các quốc gia châu Phi cận Nam Sahara năm 2017 đạt khoảng 3,6 tỷ USD, năm 2016 là 3,3 tỷ USD, năm 2015 là 2,2 tỷ USD.

Hiện, Văn phòng đại diện kinh tế Nga về lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác mỏ, cũng như trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí ở châu Phi, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thăm dò, phát triển các mỏ dầu khí và tiến hành hóa dầu đang tham gia chương trình quốc gia về khí hóa và xây dựng hệ thống lưu trữ khí đốt, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho các nhà máy điện, thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trung tâm khoa học và kỹ thuật hạt nhân. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đang rất phát triển”.

Trưởng Khoa Nghiên cứu phương Đông Aleksey Maslov thuộc Trường Kinh tế cao cấp nhận định: Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo các quốc gia châu Phi vào dự án “Vành đai và Con đường” của nước này. Trung Quốc đang đầu tư ở châu Phi nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Nga, Mỹ, Ấn Độ cần có bước đi cụ thể hơn, nhanh hơn mới có thể theo kịp sự đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi. Khi châu Phi được coi là một hướng chiến lược quan trọng.

Nhà nghiên cứu khoa học cao cấp Sanu Naidu của Trung tâm Đối thoại toàn cầu ở Cape Town tuyên bố: “Châu Phi đã trở thành không gian chiến lược và ngoại giao đối với nhiều người chơi đang quyết tâm theo đuổi các mục tiêu toàn cầu của họ.

“Cuộc đổ xô đến châu Phi” - không thể không kể tới Ấn Độ. Sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ cũng tức tốc tới châu Phi. Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo, Thủ tướng Narendra Modi đã có chuyến công du 5 ngày tới Rwanda, Uganda và Nam Phi.

Hội đồng Ấn Độ về quan hệ toàn cầu (ICGR) mới đây đăng bài viết của giáo sư Rajiv Bhatia phân tích về xu hướng tiếp cận của Ấn Độ đối với châu Phi, đã nhấn mạnh, châu Phi là khu vực quan trọng và sự can dự vào khu vực này mang lại cho nền ngoại giao Ấn Độ một viễn cảnh toàn cầu và hướng tới tương lai.

Được sự “bật đèn xanh” của chính phủ, các công ty Ấn Độ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới và bắt đầu triển khai các dự án ở bất cứ nơi nào họ có lợi thế cạnh tranh. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley gần đây đã tiết lộ rằng, vào năm 2015, Ấn Độ đã nổi lên là nhà đầu tư lớn thứ tư ở châu Phi với 45 dự án xanh, sau Mỹ, Anh và các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Tỷ trọng của Ấn Độ trong các dự án xanh được công bố đã tăng từ 3,3% trong giai đoạn năm 2003-2008 lên 6,1% trong giai đoạn 2009-2015.

Cùng thời gian đó, tỷ trọng của Trung Quốc lại sụt giảm từ 4,9% xuống còn 3,2%. Mặc dù vậy, điều dễ thấy là Trung Quốc vẫn đang đi trước Ấn Độ và các cường quốc khác về thương mại, đầu tư, phạm vi và giá trị của các dự án được thực hiện ở châu Phi.

Chiến lược của Ấn Độ để chống lại thực tế này là tạo ra một xu hướng thứ ba, bao gồm cả cách tiếp cận hợp tác và cách tiếp cận trực tiếp. Một số nước phát triển - như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Singapore và UAE - đều quan tâm đến việc tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của các công ty Ấn Độ và sự có mặt của cộng đồng kiểu bào Ấn Độ ở một số nước châu Phi. Hợp tác 3 bên gồm Ấn Độ, các nước châu Phi và một nước không phải ở châu Phi mang đến nhiều hứa hẹn.

Chính đánh giá này là động lực cho đề xuất về thiết lập một “Hành lang tăng trưởng châu Á-châu Phi” được công bố gần đây, trong đó nổi lên là sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Ý tưởng trên đã đượ̣c phát triển từ đối thoại giữa hai nước trong 5 năm trước và được thảo luận chi tiết trong các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 11-2016.

Khái niệm này cần phải nhanh chóng vượt qua các phòng hội thảo của các nhóm chuyên gia để đến các cơ quan chính sách của Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Phi trong các lĩnh vực đã được xác định như y tế, dược phẩm, nông nghiệp và chế biến nông sản, quản lý thiên tai và nâng cao kỹ năng. Chỉ có như vậy, nó mới được thực hiện nghiêm túc và giành được những kết quả cụ thể.

Một số chuyên gia cho rằng thông qua nỗ lực tập thể, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có thể “cân bằng được ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cac-cuong-quoc-do-xo-gianh-anh-huong-o-chau-phi-504092/