Các cuộc thi nhan sắc trong nước có giảm sức hút?

Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng ký ban hành đã bỏ các khái niệm 'cấp phép', người đẹp đi thi sắc đẹp quốc tế không cần phải đạt danh hiệu trong nước. Với quy định này, liệu các cuộc thi trong nước có còn sức hút như trước?

Sẽ không còn chuyện thi “chui” – chịu phạt?

Với nhiều điểm mới, được đánh giá là tiến bộ, Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14-12, chính thức có hiệu lực từ 1-2-2021. Nghị định mới bỏ hoàn toàn việc dùng từ “cấp phép” vốn gây dị ứng về sự kiểm duyệt của cơ quan Nhà nước với hoạt động văn hóa văn nghệ, được thay bằng từ “văn bản chấp thuận”.

Điểm mới đáng chú ý của Nghị định 144 là quy định về điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu. Cụ thể, tại Mục 5 - dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài, Nghị định nêu rõ 3 điều kiện.

Theo đó, cá nhân thi quốc tế phải có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi. Người dự thi không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Cuối cùng, cá nhân không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Khi đã đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn trên, cá nhân phải làm hồ sơ và gửi đến cơ quan quản lý. Thành phần hồ sơ gồm, tờ khai về việc ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu, phiếu lý lịch tư pháp số 1, bản sao giấy mời dự thi kèm theo bản dịch tiếng Việt có chứng thực chữ ký người dịch.

Nghị định cũng nêu rõ, cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú cấp văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài.

Nghị định mới yêu cầu những cá nhân không thực hiện đúng thủ tục thì không được sử dụng danh hiệu khi hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam. Điểm quy định này của Nghị định được cho là đã “nới lỏng” quy định đối với người đẹp thi quốc tế, phù hợp với tình hình hơn và có thể chuyện chấp nhận thi “chui” về chịu phạt sẽ không còn nữa.

Trước đó từng có nhiều người đẹp thi hoa hậu chui do không đủ tiêu chuẩn phải là một trong 3 người đứng đầu cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Chẳng hạn Lâm Thùy Anh giành giải Á hậu 4 cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu - Miss Global Beauty Queen 2015 tổ chức tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cô chưa từng đạt giải bất cứ cuộc thi người đẹp cấp quốc gia nào nên Sở Văn hóa thể thao TP HCM đã thông báo đến báo chí quyết định xử phạt Lâm Thùy Anh với mức phạt 22,5 triệu đồng.

Tương tự, Nguyễn Thị Thành cũng bị phạt 22,5 triệu đồng vì ra nước ngoài dự thi Miss Eco International - Hoa hậu Môi trường Quốc tế 2017 không giấy phép. Riêng Cty đưa cô đi thi cũng chịu phạt 35 triệu đồng.

Theo quy định mới, người đẹp đi thi sắc đẹp quốc tế không cần phải đạt danh hiệu trong nước. Ảnh: HHVN 2020

Theo quy định mới, người đẹp đi thi sắc đẹp quốc tế không cần phải đạt danh hiệu trong nước. Ảnh: HHVN 2020

Các cuộc thi trong nước có còn sức hút?

Một câu hỏi đặt ra khi quy định mới có hiệu lực là, nếu không cần phải là một trong 3 người có danh hiệu cấp quốc gia, thì liệu các quộc thi nhan sắc trong nước có còn duy trì được sức hút hay không, vì không thể phủ nhận rằng, có nhiều người đẹp tìm kiếm danh hiệu trong nước để có thể tham dự cuộc thi quy mô quốc tế.

Ví dụ, Phạm Hồng Thúy Vân từng là Á hậu 3 của cuộc thi Hoa hậu quốc tế vẫn quyết định thi hoa hậu hoàn vũ trong nước năm 2019, vì nếu chiến thắng ngôi vị cao nhất, cô có cơ hội tham dự Hoa hậu hoàn vũ Thế giới năm 2020 (đã hoãn sang năm 2021). Các cuộc thi uy tín hàng đầu như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam… liệu có còn sức hút với các nhan sắc trong nước nữa hay không?

Câu trả lời là Nghị định mới sẽ khiến một số cuộc thi không uy tín, không cần thiết sẽ hạn chế đáng kể. Bởi các nhan sắc không phải cố gắng “vợt” lấy một danh hiệu nào trong nước để đi thi quốc tế mà họ được mời, hoặc thấy mình đủ điều kiện tham gia. Riêng với 3 cuộc thi nhan sắc có uy tín, về cơ bản sức hút sẽ không giảm bớt vì những lý do sau.

Thứ nhất, đó là danh hiệu từ các cuộc thi uy tín, vương miện của các cuộc thi đó đã đủ danh tiếng, và cơ hội tỏa sáng cho nhan sắc trong nước.

Thứ hai, các cuộc thi đó liên quan đến bản quyền cử người đi thi. Tức là với các cuộc thi nhan sắc hàng đầu thế giới, phải là đơn vị có bản quyền cử người tham dự thi thí sinh ấy mới được dự thi. Tại Việt Nam Cty CP giải trí Sen Vàng (Sen Vàng Entertainment) sẽ sở hữu vĩnh viễn bản quyền đưa thí sinh Việt dự thi 10 cuộc thi hoa hậu, hoa khôi danh tiếng nhất thế giới.

Cty Sen Vàng được biết đến là đơn vị phối hợp tổ chức cuộc thi sắc đẹp danh giá Hoa hậu Việt Nam trong thời gian qua và trong những năm kế tiếp, nay Cty Quảng cáo Sen Vàng tiến thêm một bước mới là phối hợp với Cty Elite Việt Nam thành lập Cty CP Sen Vàng Entertainment và chính thức nắm giữ các bản quyền cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

Như vậy là, nếu tìm kiếm cơ hội thi quốc tế uy tín, nhan sắc trong nước vẫn phải tập trung vào vài cuộc thi uy tín cấp quốc gia.

Vì vậy, Nghị định mới có quy định vừa “nới lỏng”, lại cũng vẫn có sự kiểm soát nhất định về chất lượng các ứng viên dự thi. Chắc chắn rằng, đất cho các cuộc thi “ao làng”, không cần thiết sẽ bị thu hẹp rất nhiều, còn cuộc thi uy tín, vẫn duy trì sức hút riêng.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-cuoc-thi-nhan-sac-trong-nuoc-co-giam-suc-hut-221462.html