Các cụm camera 'nhúc nhích' thật ra chỉ là sự trở lại của điện thoại trượt, xoay, gập ngày xưa

Do người dùng quá đỏng đảnh và đòi hỏi cao, các hãng smartphone đang phải tìm về những giải pháp tưởng chừng đã bị đào thải.

Các hãng smartphone thường đưa ra rất nhiều thiết kế mà khi nhìn lại, người ta chỉ biết… cười trừ vì mức độ tệ hại của nó. Trong hàng chục năm qua, đã có khá nhiều thiết kế như thế, nhưng tất cả đều được đưa ra với mục tiêu tạo ra một sản phẩm hấp dẫn, mới lạ, dù chúng “phản phé” lại những người tạo ra mình.

Trong tuần qua, một xu thế thiết kế mới đã trỗi dậy: camera trồi sụt. Xu thế này khởi đầu với Vivo NEX với camera trước kiểu kính tiềm vọng, sau đó được nâng lên tầm cao mới với Oppo Find X khi sử dụng một cơ chế trượt lớn cho toàn bộ khối camera mặt trước + mặt sau của máy. Nhiều người dùng đã chê các thiết kế này ngay từ đầu, và phần nào họ có lý: nó khiến chiếc điện thoại mất khả năng chống nước, và cơ chế di chuyển phức tạp chắc chắn sẽ khiến chúng dễ dàng hư hỏng hơn các điện thoại không có cơ chế trượt này.

Camera của Oppo Find X (trái) và Vivo NEX (phải).

Camera của Oppo Find X (trái) và Vivo NEX (phải).

Thật ra, nếu những kỹ thuật này thành thục, có thể nó sẽ là xu thế thống trị trong thiết kế điện thoại của nhiều năm tới, tương tự như những năm 2000, khi smartphone nắp gập và nắp trượt thống trị thị trường. Do nhu cầu của người dùng vừa muốn có bàn phím QWERTY thật, vừa muốn có màn hình màu lớn, các nhà phát triển đã tạo ra các mẫu điện thoại đó. Chúng có thể lật, gập, trượt, với nhiều kiểu antenna, nhiều cơ chế xoay màn hình khác nhau và có rất nhiều bộ phận chuyển động.

Nokia N93, một trong những điện thoại "dẻo" nhất thế giới.

Cũng tương tự như trên, người tiêu dùng ngày nay vừa muốn điện thoại toàn màn hình, vừa không thích “tai thỏ” đang xuất hiện hàng loạt trên các smartphone. Các chi tiết trên máy đã bị đơn giản hóa tối đa – cổng kết nối biến mất từng cái một, nút bấm trở nên siêu nhỏ, bàn phím “bốc hơi”, mặt lưng bị gắn cố định và pin không còn có thể tháo rời được, viền màn hình ngày càng mỏng,… và các hãng smartphone không còn nhiều thứ để gỡ khỏi thiết kế smartphone của mình.

Vì thế, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở lại với những bộ phận chuyển động được bên trong thân máy. Một thiết kế được xem là “xịn” hồi những năm 2000, sau đó trở thành lạc hậu nay sẽ trở lại với một hình hài mới nhỏ gọn hơn, được tự động hóa để đem lại cho chúng ta những gì mình không muốn thấy nhưng vẫn cần.

Oppo Find X có khả năng nâng/hạ toàn bộ cụm camera.

Dù chỉ là một module nhỏ hay nguyên khối camera, việc tạo ra nó là không hề dễ dàng, mà là một thử thách về công nghệ. Dù chúng có nhiều nhược điểm, chẳng hạn cảm biến vân tay chậm chạp của NEX hay việc mất khả năng chống nước lẫn cảm biến vân tay của Find X, nhưng khi người dùng muốn màn hình lớn, viền mỏng và máy kích thước nhỏ, các công ty smartphone buộc phải tìm đến giải pháp duy nhất này.

Những phần linh kiện di chuyển được có thể không tồn tại lâu dài – cũng hệt như các điện thoại nắp gập 10 năm trước – nhưng ít nhất đây là điều người dùng sẽ phải làm quen trong vài năm tới, khi các nhà sản xuất mò mẫm tìm giải pháp thỏa mãn nhu cầu của chúng ta.

Vì đâu fan Samsung 'cuồng' dòng smartphone Galaxy Note?

Phạm Lê

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/cong-nghe/cac-cum-camera-nhuc-nhich-that-ra-chi-la-su-tro-lai-cua-dien-thoai-truot-xoay-gap-ngay-xua-52258.html