Các công ty viễn thông EU gia tăng áp lực lên Big Tech, yêu cầu trả phí xây dựng internet

Các doanh nghiệp viễn thông châu Âu gây áp lực lên các cơ quan quản lý, đòi hỏi phải có một khuôn khổ pháp lý, buộc các công ty công nghệ Mỹ phải trả phần chi phí xây dựng và duy trì hạ tầng internet.

 Các công ty BigTech Mỹ chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet châu Âu. Ảnh CNBC

Các công ty BigTech Mỹ chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet châu Âu. Ảnh CNBC

Căng thẳng giữa các công ty viễn thông châu Âu và các công ty Công nghệ lớn “Big Tech” của Mỹ lên đến đỉnh điểm, khi các nhà lãnh đạo viễn thông gây áp lực lên các cơ quan quản lý để buộc các doanh nghiệp kỹ thuật số khổng lồ phải trả một phần chi phí xây dựng hạ tầng nền tảng internet.

Các công ty viễn thông châu Âu lập luận rằng, các công ty internet lớn, chủ yếu là của Mỹ đã xây dựng hoạt động kinh doanh trên những khoản đầu tư hàng tỷ USD mà các nhà mạng đã thực hiện vào cơ sở hạ tầng internet.

Các doanh nghiệp Google, Netflix, Meta, Apple, Amazon và Microsoft chiếm gần một nửa lưu lượng truy cập internet hiện nay. Những công ty viễn thông châu Âu cho rằng các công ty này nên trả phí “chia sẻ công bằng”, giúp giải quyết nhu cầu cơ sở hạ tầng không tương xứng hiện nay và tài trợ cho chương trình triển khai mạng 5G, hệ thống cáp quang thế hệ tiếp theo.

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU đã mở một cuộc tham vấn vào tháng 2 nhằm xem xét phương án giải quyết sự mất cân bằng. Các quan chức thu thập những quan điểm về vấn đề, có nên yêu cầu sự đóng góp trực tiếp từ những doanh nghiệp internet cho các nhà khai thác viễn thông hay không.

Các công ty BigTech phản kháng quyết liệt, tuyên bố yêu cầu này sẽ dẫn đến “thuế internet” có thể làm suy yếu tính “trung lập ròng” của internet.

Các doanh nghiệp viễn thông châu Âu nói gì?

Các công ty viễn thông hàng đầu châu Âu đã gây áp lực với các công ty công nghệ trong Đại hội Thế giới Di động (MWC) ở Barcelona, Tây Ban Nha. Các lãnh đạo doanh nghiệp tuyên bố đã đầu tư nhiều tỉ USD xây dựng hạ tầng, đặt cáp quang và lắp đặt trăm ăng-ten nhằm đáp ứng nhu cầu truy cập internet ngày càng tăng nhưng không có khoản đầu tư tương ứng từ Big Tech.

“Không có công ty viễn thông, không có mạng, không có Netflix, không có Google,” Michael Trabbia, giám đốc công nghệ và đổi mới Orange của Pháp trong cuộc phỏng vấn với CNBC nhấn mạnh. “Vì vậy, doanh nghiệp viễn thông có ý nghĩa quan trọng, chúng tôi là điểm khởi đầu của thế giới kỹ thuật số.”

Trong một bài thuyết trình ngày 27/2, Giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom, Tim Hoettges, đã giới thiệu cho khán giả một hình minh họa chữ nhật, thể hiện quy mô vốn hóa thị trường giữa những thành phần tham gia ngành khác nhau. Các doanh nghiệp Mỹ thống trị bản đồ này.

Tim Hoettges, Giám đốc điều hành của Deutsche Telekom, có bài phát biểu quan trọng tại Mobile World Congress. Ảnh Angela Garcia / Bloomberg /Getty Images

Hoettges đặt câu hỏi cho những người tham dự hội thảo, tại sao những công ty Mỹ không thể “ít nhất một chút, đóng góp vào những hoạt động duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng mà chúng tôi đang xây dựng ở châu Âu.”

Howard Watson, giám đốc công nghệ của BT cho biết, theo ông một mức phí dành cho những doanh nghiệp Công nghệ lớn là xứng đáng.

“Chúng ta có thể tạo ra một mô hình 2 mặt hoạt động, trong đó khách hàng trả tiền cho nhà điều hành viễn thông, nhưng nhà cung cấp nội dung cũng trả tiền cho nhà điều hành?” Watson trong cuộc nói chuyện với CNBC vào tuần trước nói. “Tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm đến điều này.”

Watson lấy ví dụ về một sự tương tự với những cửa hàng ứng dụng của Google và Apple. Các công ty tính phí đối với các nhà phát triển một phần doanh số bán hàng trong ứng dụng khi các nhà phát triển sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.

Các tập đoàn công nghệ Mỹ nói gì?

Những nỗ lực thực hiện phí mạng đã bị chỉ trích mạnh mẽ, trước hết là các công ty công nghệ Mỹ.

Ngày 28/2, phát biểu tại MWC, đồng giám đốc điều hành Netflix, Greg Peters dán nhãn các đề xuất buộc các công ty Công nghệ lớn phải trả chi phí mạng cho các nhà cung cấp dịch vụ internet là “thuế” lưu lượng truy cập internet, tuyên bố động thái này sẽ “tác động bất lợi” cho người tiêu dùng.

Greg Peters, đồng Giám đốc điều hành của Netflix, phát biểu trong bài phát biểu quan trọng về tương lai của giải trí tại Mobile World Congress 2023. Joan Cros/ Nurphoto/Getty Images

Peters cho biết, việc yêu cầu những doanh nghiệp như Netflix, vốn đã phải chi rất nhiều cho hoạt động phân phối nội dung, tiếp tục phải trả tiền cho những dự án nâng cấp mạng sẽ khiến việc phát triển các chương trình phổ biến trở nên khó khăn hơn.

Các công ty công nghệ nhấn mạnh, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng đã nhận tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ khách hàng của doanh nghiệp, các khoản tiền phí cuộc gọi, tin nhắn và dữ liệu, với đòi hỏi các công ty internet trả tiền cung cấp sản phẩm, nhà dịch vụ mạng thực sự muốn được trả gấp đôi.

Matt Brittin, người đứng đầu EMEA của Google cho biết tháng 9/2022, người tiêu dùng cuối cùng có thể sẽ phải chịu chi phí do những nền tảng nội dung kỹ thuật số yêu cầu và sẽ “có tác động tiêu cực đến người dùng, đặc biệt là vào thời điểm giá cả tăng cao do lạm phát”.

Các công ty công nghệ cũng tuyên bố đã đầu tư nhiều tỷ USD vào cơ sở hạ tầng viễn thông châu Âu, bao gồm cả cáp ngầm và trang trại máy chủ.

Suy nghĩ lại về ‘tính trung lập ròng’

Cuộc tranh luận về “chia sẻ công bằng” làm dấy lên một số lo ngại, những nguyên tắc về tính trung lập ròng là Internet phải miễn phí, cởi mở và không ưu tiên cho bất kỳ dịch vụ nào có thể bị phá hủy. Các công ty viễn thông khẳng định không cố gắng làm xói mòn tính trung lập của mạng.

Các công ty công nghệ bày tỏ sự quan ngại, những công ty Công nghệ lớn trả nhiều tiền hơn cho cơ sở hạ tầng có thể có được khả năng cung cấp truy cập mạng tốt hơn.

Brittin của Google phát biểu, những khoản thanh toán “chia sẻ công bằng” “có khả năng chuyển thành các biện pháp phân biệt hiệu quả giữa các loại lưu lượng truy cập khác nhau và vi phạm quyền tự do lựa chọn của người dùng cuối cùng”.

Một gợi ý được nêu ra trong cuộc thảo luận là yêu cầu những thỏa thuận thương lượng độc lập của các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông với các công ty Công nghệ lớn, tương tự như mô hình cấp phép của Úc giữa các nhà xuất bản tin tức và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng internet.

Sigve Brekke, giám đốc điều hành Telenor, phát biểu với CNBC ngày 27/2 nhấn mạnh: “Mâu thuẫn này không liên quan gì đến tính “trung lập ròng” của internet mà liên quan đến gánh nặng chi phí.”

Giải pháp ngắn hạn?

Các nhà mạng phàn nàn, mạng viễn thông của các doanh nghiệp thường bị tắc nghẽn do sản lượng khổng lồ từ những doanh nghiệp công nghệ internet. Một giải pháp đặt ra là xen kẽ hoạt động phân phối nội dung vào những thời điểm khác nhau để giảm bớt gánh nặng cho lưu lượng mạng.

Các nhà cung cấp nội dung kỹ thuật số có thể định thời gian phát hành một bộ phim bom tấn hoặc trò chơi mới hiệu quả hơn hoặc nén dữ liệu phân phối để giảm bớt áp lực cho mạng.

Marc Allera, Giám đốc điều hành bộ phận tiêu dùng của BT, phát biểu với CNBC: “Chúng ta chỉ có thể bắt đầu với một lịch trình thời gian rõ ràng về những gì sẽ xảy ra và khi nào, đồng thời có thể đối thoại về việc, liệu các công ty có sử dụng phương thức hiệu quả nhất để chuyển tải lưu lượng truy cập hay không? Liệu một số nội dung không khẩn cấp có thể được đưa lên mạng vào những thời điểm khác nhau hay không?

“Tôi nghĩ, đó thực sự là một cuộc tranh luận khá dễ dàng, mặc dù rất nhiều nội dung mang tính toàn cầu và những gì có thể quan trọng ở một quốc gia này và tại một thời điểm nhưng có thể hoặc không quá quan tâm, ở một quốc gia khác. Nhưng tôi nghĩ, cấp địa phương chắc chắn là một cuộc thảo luận thực sự dễ dàng.”

Ông cũng gợi ý rằng, khái niệm trung lập ròng cần được làm mới hơn.

Không phải là một ‘sự lựa chọn nhị phân’

Cuộc tranh luận về “chia sẻ công bằng” đã kéo dài nhiều năm. Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà khai thác viễn thông liên tục phàn nàn về những dịch vụ truyền thông và nhắn tin vượt trội như WhatsApp và Skype “miễn phí” trên mạng.

Tại MWC năm 2023, có một sự khác biệt đáng quan tâm, đó là sự có mặt của một quan chức cấp cao của EU.

Thierry Breton, ủy viên thị trường nội bộ của Liên minh Châu Âu, có bài phát biểu quan trọng tại Mobile World Congress ở Barcelona. Angel Garcia /Bloomberg/Getty Images

Thierry Breton, lãnh đạo thị trường nội bộ của Ủy ban châu Âu, cho biết, EU phải “tìm một mô hình tài chính cho những khoản đầu tư khổng lồ cần thiết” vào chương trình phát triển các mạng di động thế hệ tiếp theo và những công nghệ mới nổi như metaverse.

Breton cho biết, điều quan trọng là không làm suy yếu tính trung lập ròng và cuộc tranh luận không nên được mô tả là sự “lựa chọn nhị phân” giữa các nhà cung cấp dịch vụ internet và các công ty Công nghệ lớn.

Theo Paolo Pescatore, nhà phân tích công nghệ, truyền thông và viễn thông tại PP Foresight, sự hiện diện của Breton tại MWC phản ánh thiện cảm của khối đối với Big Telecom. Ông Pescatore nói: “Thách thức ở châu Âu là không rõ ràng vì có sự mất cân bằng. Sự mất cân bằng này có nguyên nhân không phải từ Big Tech, không phải do các bộ truyền phát và cũng không phải từ các công ty viễn thông. Phần lớn là do môi trường pháp lý cũ, lỗi thời. Tình trạng thiếu sự đồng nhất của các khung pháp lý xuyên biên giới và doanh thu trì trệ trong lĩnh vực viễn thông tạo ra một “sự pha chế hoàn hảo gây bất lợi cho các công ty viễn thông.”

Ahmad Latif Ali, trưởng bộ phận chuyên sâu về viễn thông châu Âu tại IDC, trong cuộc nói chuyện với CNBC phát biểu: “Một khả năng tiềm năng để giải quyết tranh chấp là một khuôn khổ pháp lý, cho phép các công ty viễn thông đàm phán riêng lẻ với từng công ty công nghệ nhằm tạo ra lưu lượng truy cập lớn nhất. Nhưng đây là một tình huống có tính tranh chấp cao.”

Theo CNBC

Thái Bằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cac-cong-ty-vien-thong-eu-gia-tang-ap-luc-len-big-tech-yeu-cau-tra-phi-xay-dung-internet-post164892.html