Các công ty hóa dầu lo lắng vì cả thế giới tẩy chay nhựa

Nhiều công ty hóa dầu đang rót tiền đầu tư sản xuất nhựa. Tuy nhiên, cuộc tẩy chay vật liệu nhựa trên toàn cầu khiến nhiều công ty lo ngại tăng trưởng chậm lại trong tương lai.

Khi thế giới từng bước loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, các công ty hóa dầu đã chuyển sang tăng cường sản xuất nhựa như chìa khóa cho tương lai của họ. Nhiều công ty hóa dầu như Saudi Aramco, Royal Dutch Shell Plc, BP Plc, Total SA và Exxon Mobil Corp đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên gần đây, làn sóng “tẩy chay” đồ nhựa trên toàn thế giới đã tạo nên nhiều áp lực mới cho những doanh nghiệp hóa dầu này.

“Đi tắt đón đầu”

Nhu cầu xăng dầu đang giảm dần khi doanh số bán xe điện tăng vọt, trong khi những chiếc xe thông thường có hiệu suất sử dụng năng lượng ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, dầu mỏ vẫn rất cần thiết, khi là nguyên liệu để tổng hợp các hóa chất và nhựa được sử dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tăng trưởng nhu cầu về hóa chất đã vượt xa nhu cầu nhiên liệu lỏng và dự báo khoảng cách đó sẽ mở rộng trong những thập kỷ tới.

Những đơn vị khoan và lọc dầu coi thị trường hóa chất là "nơi trú ẩn" an toàn trước viễn cảnh sụt giảm về thị trường nhiên liệu. Sự thay đổi rõ ràng nhất tại Saudi Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Tháng 3 năm nay, doanh nghiệp này đã chi 69,1 tỷ USD để mua lượng lớn cổ phần của nhà sản xuất hóa chất Sabic (Ả Rập Saudi), trong khi đầu tư thêm hàng tỷ USD để mở rộng sản xuất hóa chất trên toàn thế giới.

Nhiều công ty hóa dầu đổ xô chuyển hướng sang sản xuất nhựa, thay vì sản xuất nhiên liệu. Ảnh: Boston Globe.

Nhiều công ty hóa dầu đổ xô chuyển hướng sang sản xuất nhựa, thay vì sản xuất nhiên liệu. Ảnh: Boston Globe.

Các nhà máy lọc dầu mới đang được thiết kế để sản xuất ít nhiên liệu hơn, thay vào đó là nhiều hóa chất hơn. Theo các nhà phân tích của Citigroup Inc., Trung Quốc đang dẫn đầu với hơn 100 tỷ USD đầu tư vào các dự án từ hóa chất thô trong 5 năm tới.

Các dự án mới của Công ty hóa dầu Hengli và Rong Thang sẽ dành một nửa công suất cho sản xuất hóa chất, chủ yếu là paraxylene. Đây là nguyên liệu mà Trung Quốc nhập khẩu để sản xuất chai polyester và nhựa.

Theo tính toán, các nhà máy này sẽ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ dành 10% công suất cho hóa chất như truyền thống lên 20% trong thời gian tới.

John Roberts, một nhà phân tích tại UBS Securities (Thụy Sĩ) cho rằng các nhà máy xây với lý thuyết sản xuất thêm nhiên liệu, nhưng phần nào phản ánh xu hướng "đi tắt đón đầu" trong ngành hóa chất và nhựa.

Trong khi đó, hãng Saudi Aramco cùng Chevron Lummus Global và McDermott International Inc.'s CB & I đang lên kế hoạch cho một nhà máy lọc dầu với 70-80% sản lượng là hóa chất.

IHS Markit ước tính điều đó có thể tăng gấp đôi lợi nhuận có được từ một thùng dầu. Công ty này cũng đang xây dựng một nhà máy lọc dầu khác ở Ả Rập Saudi với 40% công suất dành riêng cho hóa chất.

Chưa hẳn là quả ngọt

Paul Bjacek, Giám đốc Công ty tư vấn Accergy Plc, cho rằng việc một số chính phủ nhân rộng lệnh cấm cục bộ đối với sản phẩm nhựa có thể cắt giảm sự tăng trưởng nhu cầu hóa dầu xuống 1/3 (giảm khoảng 1,5% mỗi năm).

Bloomberg dẫn lời Bjacek rằng: “Các công ty sẽ nói rằng đầu tư vào hóa dầu. Tuy nhiên, hóa dầu có khả năng là thị trường tăng trưởng thấp sau khi nền kinh tế tuần hoàn được vận hành toàn diện”.

Nhưng các chuyên gia tư vấn và phân tích đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng nhu cầu hóa dầu đang giảm so với các dự báo trước đó.

Ngoài ra, những hình ảnh về chất thải gây ô nhiễm các đại dương đang khiến các lệnh cấm của chính phủ đối với các loại nhựa sử dụng một lần trở nên phổ biến. Hiện tại, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và tiểu bang California (Mỹ) đã ra lệnh cấm.

Lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng túi nhựa đang lan rộng trên toàn thế giới. Ảnh: RCBJ.

Trong một diễn biến khác, các nhà sản xuất hóa chất đang đầu tư vào cơ sở và công nghệ tái chế. Công ty Coca Cola cam kết tái chế hoàn toàn số chai mà họ bán vào năm 2030 trước áp lực phải giảm lượng nhựa sử dụng.

Theo một báo cáo của McKinsey & Co., với sự đầu tư nhiều hơn vào thu hồi chất thải, nhựa tái chế có thể thay thế gần 1/3 nhựa nguyên chất vào năm 2030 và gần 60% vào năm 2050. Điều này làm giảm nhu cầu về hóa dầu.

Trong khi đó, Robin A. Waters, Giám đốc kế hoạch và phân tích về nhựa của IHS, cho biết tỷ lệ tái chế cao hơn có thể cắt giảm một nửa mức tăng trưởng của ngành nhựa. Theo ông, đó là trường hợp xấu nhất, nhưng cho thấy tiềm ẩn một sự gián đoạn đối với nền công nghiệp khi nhựa đã chiếm một nửa nhu cầu nguyên liệu.

Tất Đạt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-backlash-to-plastic-has-oil-companies-worried-post955028.html