Các công nghệ mới IoT, AI 'tiếp sức' cho tình trạng bình thường mới

Theo chuyên gia Keysight, để chống lại tác động của dịch Covid-19, đưa thiết lập trạng thái bình thường mới, các chính phủ, các ngành và khối doanh nghiệp đang sử dụng ngày càng nhiều các công nghệ Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Bà Janet Ooi, Trưởng nhóm Giải pháp công nghiệp IoT, Keysight Technologies vừa chia sẻ về cách mà các công nghệ mới như IoT, AI đã và đang đem lại cho các chính phủ, khối doanh nghiệp và các ngành nghề, đặc biệt là y tế và giáo dục những phương pháp để chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19.

Cụ thể, trong nghiên cứu của mình, chuyên gia Janet Ooi đã chỉ ra 6 phương pháp mà công nghệ IoT và AI giúp hạn chế đại dịch Covid-19:

Bà Janet Ooi, Trưởng nhóm Giải pháp công nghiệp IoT, Keysight Technologies.

Thiết bị đeo

Nhiều cơ quan đang sử dụng thiết bị đeo để theo dõi việc tiếp xúc và giám sát sức khỏe của nhân viên y tế và bệnh nhân. Một thiết bị theo dõi tiếp xúc gồm có các cảm biến theo dõi vị trí GPS thụ động và cảm biến khoảng cách được hỗ trợ bởi công nghệ Bluetooth và kết nối băng thông cực rộng, pin sạc tích hợp công nghệ 4G (LTE).

Người đeo có thể cập nhật tình trạng sức khỏe để biết liệu mình có khả năng bị lây nhiễm hoặc đã được xác nhận bị lây nhiễm hay không. Đồng thời, căn cứ trên lịch sử vị trí, thiết bị sẽ gửi thông báo cho những người mà người đó từng đã tiếp xúc. Trong tổ chức, có thể có một hệ thống tập trung sử dụng thông tin này tạo ra một bảng hiển thị đầy đủ thông tin sức khỏe của mọi người tại nơi làm việc.

Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe của các nhân viên y tế và bệnh nhân, kể cả bệnh nhân điều trị tại nhà, cũng có chung ý tưởng. Bộ cảm biến được áp trực tiếp vào cơ thể của người đeo sẽ giám sát sự thay đổi nhiệt độ theo thời gian thực. Thiết bị này truyền dữ liệu qua đường truyền vô tuyến đến trạm y tế để theo dõi liên tục. Nhờ đó, y tá có thể theo dõi và quản lý được nhiều bệnh nhân đang điều trị tại nhà hơn, dành năng lực bệnh viện cho những bệnh nhân có nguy cơ cao hơn.

Thiết bị bay không người lái

Trong nỗ lực chưa từng có để hạn chế tiếp xúc giữa người với người, máy bay không người lái (drone) đã và đang giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Drone được đánh giá là giải pháp an toàn để vận chuyển vật tư y tế, hàng hóa thực phẩm đến những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao, giám sát sự di chuyển và tập trung của người dân ở các khu vực cách ly, đồng thời thực hiện quét nhiệt để theo dõi nhiệt độ cơ thể người dân ở một địa điểm cụ thể.

Drone trong nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ như phun thuốc diệt sâu bệnh ở các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng. Các thiết bị này dễ vận hành, có thể giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm với virus của nhân viên vệ sinh.

Tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt, cảm biến nhiệt, kiểm soát truy cập không tiếp xúc

Giảm thiểu các điểm tiếp xúc của con người là điều quan trọng để làm chậm sự lây lan của virus. Với các cơ sở chăm sóc sức khỏe và các ngành nghề quan trọng khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, việc áp dụng các công nghệ IoT là một phương pháp giúp tăng cường đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, các nhà quản lý và quản trị.

Chuyên gia Keysight nhận định, Covid-19 có thể đã đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng AI và IoT, khi giãn cách xã hội được coi là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Hệ thống nhận dạng khuôn mặt tiên tiến, kết hợp với thiết bị hình ảnh nhiệt được kết nối với đám mây để theo dõi nhiệt độ rất hữu ích để phát hiện người có nhiệt độ cơ thể cao. Hệ thống tích hợp có thể liên kết với một cánh cửa có cảm biến IoT để hạn chế ra vào với những người có thể đã bị lây nhiễm. Hệ thống này cho phép sẽ các doanh nghiệp tránh được sự lây nhiễm phát sinh từ các cảm biến sinh trắc học dùng vân tay.

Cảm biến quang sinh học

Covid-19 là bệnh về đường hô hấp nên một trong những mối quan tâm chính trong đại dịch là chất lượng không khí. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn sự lây lan của virus có thể lây nhiễm cho con người qua không khí hoặc các bề mặt. Các hạt có hại như virus Corona có kích thước rất nhỏ nên có thể đi qua bộ lọc của hệ thống thông gió và điều hòa không khí truyền thống. Các không gian công cộng đông đúc có thể sử dụng các bộ cảm biến quang sinh học mới để đo mật độ virus trong môi trường theo thời gian thực. Công nghệ này có thể cung cấp một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho chẩn đoán lâm sàng và theo dõi thường xuyên.

Thanh toán không tiếp xúc

Nhiều quốc gia vẫn còn chậm trễ trong việc áp dụng hệ thống thanh toán không tiếp xúc và ưu tiên sử dụng tiền mặt hay thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng dù cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng. Thanh toán không tiếp xúc đã được ứng dụng một thời gian và khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì đây là phương thức hữu hiệu giúp phòng chống Covid-19. Công nghệ không dây như giao tiếp trường gần và Bluetooth đang tạo ra những cơ hội lớn trong lĩnh vực thanh toán không tiếp xúc.

Nghiên cứu dựa trên trí tuệ nhân tạo

Dịch Covid-19 hiện đã lan sang 215 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 30 triệu ca được xác nhận và hơn 7 triệu ca đang điều trị. Khi có kết quả nghiên cứu chi tiết, khối lượng dữ liệu sẽ tăng theo cấp số nhân. Lượng dữ liệu sẽ tăng đến mức vượt quá năng lực xử lý của con người. Các nhà khoa học, bác sĩ và nhà lâm sàng làm việc với dữ liệu bệnh nhân sẽ phải sử dụng AI để chẩn đoán và phát triển vắc-xin. Nhiều công ty đang hợp tác và chia sẻ các thuật toán của mình với hy vọng cải thiện hiệu quả nghiên cứu.

Các công ty và phần lớn công chúng đang dùng các thiết bị được kết nối để vượt qua thời kỳ vô cùng đặc biệt này. Dù thông lệ của các quốc gia có thể khác nhau, nhưng nhiều người đã cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm với mục tiêu phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, việc sử dụng Drone và Camera IP ở những nơi công cộng đã gây ra những lo ngại về việc xâm nhập vào cuộc sống của người dân. Khi rất nhiều dữ liệu cá nhân mang tính nhạy cảm được thu thập và tải lên đám mây, an ninh bảo mật phải được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, xây dựng một kiến trúc bảo mật mạnh có thể chưa phải là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp đang gấp rút triển khai cơ sở hạ tầng tự động hóa và làm việc từ xa trên quy mô lớn. Tin tặc sẽ tìm cách khai thác nỗi sợ hãi của công chúng và lợi dụng tình trạng quá tải của các cơ sở hạ tầng quan trọng, có khả năng dẫn đến sự gia tăng của phần mềm tống tiền (ransomeware) và các loại hình tấn công khác. Các doanh nghiệp đang trông cậy vào các chuyên gia bảo mật để kiểm soát tình hình.

Chuyên gia Janet Ooi của Keysight nhấn mạnh, dù muốn hay không, IoT và AI cũng đang được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày của con người. Đại dịch có thể đã đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng các công nghệ này, khi giãn cách xã hội được coi là thiết yếu để ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong thời kỳ đặc biệt này, các doanh nghiệp từng do dự cũng đang ráo riết triển khai ứng dụng công nghệ IoT và AI.

Thanh Vân

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/cac-cong-nghe-moi-iot-ai-tiep-suc-cho-tinh-trang-binh-thuong-moi-264508.html