Cắc cớ trồng rừng thay thế: Lấy diện tích bù chức năng

Rừng bị phá để làm dự án không thể lấy lại được, còn trồng rừng thay thế ở đâu, như thế nào còn tùy thuộc vào quy hoạch.

Trong bài viết Sự thật đắng cây keo: Cắc cớ trồng rừng thay thế được đăng tải trên Đất Việt ngày 22/1, GS.TS Bảo Huy, chuyên gia tư vấn độc lập quản lý tài nguyên và môi trường đã chỉ ra sự thiếu bền vững của trồng rừng thay thế.

Theo đó, rừng bị chặt thường là rừng tự nhiên nhiều loài, đa dạng sinh học, chứng năng sinh thái, chức năng phòng hộ và sinh kế cho cộng đồng rất lớn. Thế nhưng, rừng trồng thay thế chỉ là loại rừng công nghiệp nghèo nàn, có chút giá trị kinh tế và không bền vững.

Sự không bền vững ấy thể hiện ở chỗ, trồng rừng thay thế, theo quy định, là trồng các cây rừng theo danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính đã được Bộ NN-PTNT quy định, chủ yếu là các cây có giá trị về kinh tế, mà như vậy người ta thường trồng cây mọc nhanh, ngắn ngày mà không quy định trồng cây theo chức năng. Đến chừng 5-7 năm sau, rừng thay thế ấy lại bị chặt mất và không ai biết được sau thời gian đó rừng có tiếp tục được trồng lại không.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, việc trồng loài cây gì thì ngay trong thiết kế của các tỉnh khi phê duyệt trồng rừng thay thế đã chỉ rõ, còn thông tư của Bộ NN-PTNT chỉ hướng dẫn tổ chức trồng rừng thay thế, cách thức tổ chức như thế nào, trên cơ sở đó tỉnh sẽ xây dựng phương án trồng rừng thay thế.

"Trồng rừng thay thế mang tính chất là thay thế diện tích này bằng diện tích kia, không phải thay thế thảm thực vật này bằng thảm thực vật kia.

Như đối với rừng phòng hộ, khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì phải thực hiện "một đổi thành ba", tức diện tích rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng chuyển đổi", ông Nguyễn Quốc Trị nói.

Trồng rừng thay thế mang tính chất thay thế diện tích này bằng diện tích khác. Ảnh minh họa

Trồng rừng thay thế mang tính chất thay thế diện tích này bằng diện tích khác. Ảnh minh họa

Nói thêm về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cũng cho hay, quy định của Nhà nước chỉ quy định những cái chung, còn việc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác ở đâu, trồng loài cây gì... tùy thuộc vào quy hoạch của từng địa phương.

Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho biết, rừng tự nhiên không trồng được, nhưng đôi khi chủ dự án lại phá rừng tự nhiên để làm dự án, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

"Sẽ có một hội đồng để đánh giá chuyện rừng thay thế. Đầu tiên là có đất trồng rừng thay thế không? Rừng bị phá làm dự án mất rồi, không thể trồng tại nơi đó nữa, chủ dự án phải nộp tiền cho cơ quan lâm nghiệp chủ động trồng rừng ở nơi khác.

Chủ dự án thường ủng hộ phương án này bởi họ không có chuyên môn trồng rừng nên nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của địa phương để địa phương thiết kế phương án trồng rừng và chăm sóc rừng thay thế đến khi thành công. Nộp bao nhiêu tiền sẽ có một hội đồng đánh giá xem xét.

Sẽ có một dự án trồng rừng thay thế riêng, dự án này phải được phê duyệt và phải được nghiệm thu. Thường người ta sẽ trồng những loại cây đơn giản, chừng 5-7 năm là xong", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết.

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đánh giá, hiện nay, các diện tích trồng rừng thay thế không trồng được bao nhiêu. Một trong những lý do là không có chỗ để trồng rừng, phải trồng sang huyện khác, đôi khi sang tỉnh khác. Nếu việc trồng rừng thay thế không phải ở chính tỉnh có diện tích rừng bị phá mà ở các tỉnh lân cận thì Trung ương phải can thiệp.

Vậy khi trồng rừng thay thế thì trồng loại cây gì? Trả lời câu hỏi này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết, giả sử diện tích rừng bị chuyển đổi là rừng phòng hộ, nơi ấy không còn chỗ để trồng lại rừng tại chỗ nữa. Địa phương sẽ chỉ định cho chủ dự án một nơi chưa có rừng để trồng lại, nơi ấy cần trồng loại cây gì thì đã được địa phương quy hoạch rồi.

"Nơi quy hoạch trồng rừng thay thế là rừng phong hộ thì mới trồng loại rừng này được, còn nếu nơi quy hoạch đó không có nhu cầu trồng rừng phòng hộ thì phải trồng loài cây khác.

Hay nơi trồng rừng thay thế đã được quy hoạch là rừng bảo tồn đa dạng sinh học thì phải trồng thay thế bằng loài rừng bảo tồn đa dạng sinh học chứ không thể trồng lại đúng loại rừng đã phá là rừng phòng hộ.

Tương tự, nếu nơi trồng rừng thay thế được quy hoạch là rừng kinh tế thì phải trồng các cây kinh tế. Cho nên, trồng loài cây gì phải được thiết kế theo đúng mục tiêu mà địa phương - nơi trồng rừng thay thế, đã quy hoạch.

Dĩ nhiên, rừng tự nhiên đã phá thì không thể lấy lại được, nên khi rừng tự nhiên bị chuyển đổi mục đích sử dụng thì diện tích rừng thay thế phải lớn hơn diện tích rừng tự nhiên đã phá", GS Lung nhấn mạnh.

Trong lần chia sẻ với Đất Việt, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cũng chỉ ra thực tế, phá vài chục hecta rừng để xây dựng nhà máy thủy điện hơn chục MW, nhìn trước mắt là người dân địa phương có điện, nhưng việc phục hồi lại môi trường sau khi công trình hoàn thành lại là việc vô cùng gian nan, phải mất ít nhất 30-40 năm sau mới đảm bảo được chức năng của hệ sinh thái vùng đó.

Nhiều cánh rừng nguyên sinh đã bị mất đi, thay thế vào đó là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế, nhưng chúng không bù đắp được giá trị của rừng nguyên sinh do hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã bị phá vỡ. Giải pháp hiện nay là chỉ có thể tăng cường trồng rừng. Thế nhưng, việc trồng rừng không phải là rừng đơn loại, chỉ có độc một loại cây mà phải đa dạng.

"Cần nghiên cứu, khảo sát kỹ địa hình, thảm đất ở mỗi địa phương, mỗi khu vực đó ra sao, thích hợp với trồng cây gì, mà trước hết phải ưu tiên cây bản địa ở đó, tiến tới đa dạng các loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đó. Sau khi trồng thì phải chăm sóc, bảo vệ, không phải cắm cây xuống đất để quay phim, chụp ảnh rồi bỏ mặc, mà không ai làm việc đó tốt hơn cộng đồng địa phương. Phải phát huy kiến thức, trách nhiệm của người dân địa phương", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/cac-co-trong-rung-thay-the-lay-dien-tich-bu-chuc-nang-3426533/