Các cơ sở cai nghiện đều quá tải, có nơi quá tải gấp 4 lần

Tham gia 'chia lửa' cùng Bộ trưởng Công an Tô Lâm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ma túy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, nhất là sau đề án đổi mới về công tác cai nghiện, và đặc biệt, sau phiên họp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 21 tỉnh, thành đến nay việc triển khai các đề án này có một số tiến bộ nhất định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình thêm xung quanh vấn đề liên quan đến cai nghiện ma túy

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình thêm xung quanh vấn đề liên quan đến cai nghiện ma túy

Nhiều cơ sở cai nghiện thật sự quá tải

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) nêu, cử tri cho rằng, việc cai nghiện ma túy cộng đồng có hiệu quả thấp, gây nguy hiểm cho xã hội.

Với câu hỏi này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng ngành Công an Tô Lâm cho đánh giá, giải pháp, đồng thời cũng gửi đến Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung cho ý kiến, đánh giá chất lượng, hiệu quả cai nghiện trong các trung tâm cai nghiện ma túy.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) quan tâm đến tình trạng tái nghiện cao. Tương tự, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cùng chung quan tâm, mong muốn được biết về hiệu quả của công tác cai nghiện và sau cai.

Phát biểu giải trình thêm xung quanh vấn đề cai nghiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 105 cơ sở công lập. Số người cai nghiện hiện xấp xỉ 40 ngàn người.

Đánh giá tình hình triển khai các cơ sở cai nghiện ma túy, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, nhất là sau đề án đổi mới về công tác cai nghiện, và đặc biệt, sau phiên họp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với 21 tỉnh, thành, “đến nay việc triển khai các đề án này có một số tiến bộ nhất định”.

Theo đó, các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý tốt hơn, nhất là trong việc tiếp nhận, phân loại đối tượng nghiện; rồi cắt cơn, cai nghiện, điều trị phác đồ cũng như lao động trị liệu và tạo ra nghề, việc làm, tạo ra môi trường thân thiện sau cai nghiện, nhất là quản lý và hỗ trợ sau cai nghiện.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, về vấn đề này có hai cái khó mà hiện nay còn khó khăn, hiệu quả thấp.

Thứ nhất, hiện nay, hầu hết các cơ sở đều quá tải. Thông thường, quá tải gấp 2 lần, thậm chí có nơi quá tải đến 4 lần.

Thứ hai, có đến 43% số người nghiện này có tiền án tiền sự. Tại các tỉnh phía nam, 90% là người sử dụng ma túy đá. “Hầu như các cơ sở này rất thiếu phác đồ điều trị, vì rất nhiều các loại nghiện khác nhau. Mà mỗi loại nghiện cần một phác đồ điều trị khác nhau.

“Thế nhưng thực tế hiện nay, trong các cơ sở đang rất hạn chế số bác sĩ, số người chuyên môn sâu về vấn đề y tế. Do đó, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế, tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn chưa thật tốt”, Bộ trưởng cho hay.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng, nhiều cơ sở cai nghiện thật sự quá tải. Chính vì sự quá tải này, dẫn đến tình trạng học viên phá cơ sở, bằng mọi lý do khác nhau, sẵn sàng đưa ra các xung đột nhất định để trốn khỏi cơ sở cai nghiện.

Đại biểu Võ thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) chất vấn

Cố gắng mọi biện pháp để con em mình không mắc nghiện

Bộ trưởng cho biết, sự phối hợp các ngành chức năng vừa qua có nhiều tiến triển, tiến bộ.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, do có chủ trương để trong sạch địa bàn, đã bằng mọi giá đưa hết các người nghiện, kể cả người mới bắt đầu nghiện cũng được đưa vào cơ sở. Do không phân loại, nên đã gây ra các tình trạng nhất định. Vì vậy, thời gian qua, sau khi Thủ tướng có chỉ đạo, đã có những chấn chỉnh.

Về mối quan tâm của các đại biểu về chất lượng cai nghiện, và hiệu quả cai nghiện, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ tái nghiện cao. “Phải khẳng định hiệu quả cai nghiện là thấp, 90% tái nghiện là đúng. Thời gian qua chủ yếu là thanh niên, nhiều trường hợp sau khi cai thì lại tiếp tục trở lại trại”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho rằng quan trọng nhất là giáo dục tại gia đình, cộng đồng, cố gắng mọi biện pháp để con em mình không mắc nghiện vì “nghiện rồi thì rất dễ tái nghiện”.

Thời gian tới, theo tư lệnh ngành LĐ-TB&XH việc quan trọng nhất mà chúng ta đang phấn đấu là giảm cung- giảm cầu, sau đó là giảm tác hại.

Đồng thời, phải thực hiện đồng bộ cả 3 mô hình cai nghiện: mô hình cai nghiện tại gia đình cộng đồng; cai nghiện tổng hợp; và cai nghiện bất buộc.

Cai nghiện bắt buộc là con đường cuối cùng, nếu như cai nghiện tại cộng đồng, gia đình không được thì mới đưa vào cai nghiện bắt buộc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cac-co-so-cai-nghien-deu-qua-tai-co-noi-qua-tai-gap-4-lan-d98818.html